Lãi suất tiết kiệm năm nay sẽ không cao?
Thông thường cứ đến dịp cận Tết Âm lịch, các ngân hàng lại tung ra các gói khuyến mãi để huy động vốn. Tuy nhiên năm nay, tình hình có vẻ khá yên ắng.
- 17-01-2021Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?
- 12-01-2021KBSV: Lãi suất sẽ chạm đáy vào nửa đầu 2021
Lãi suất tiết kiệm giảm nhẹ
Đầu tháng 1/2021, Vietcombank tiếp tục giảm nhẹ các mức lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn 3 và 6 tháng xuống mức 3,3%/năm và 3,9%/năm; trong khi kỳ hạn 24 và 36 tháng ngân hàng này niêm yết lãi suất ở mức 5,4%/năm, thấp hơn tiền gửi kỳ hạn 12 tháng 0,2%.
VietinBank áp dụng lãi suất kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng đồng mức 4%/năm, từ 12 tháng lên đến 36 tháng đồng giá là 5,6%/năm; Agribank và BIDV cũng niêm yết các mức lãi suất tiết kiệm tương đương với VietinBank.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhà nước, Techcombank áp dụng lãi suất tiết kiệm từ ngày 14/1 kỳ hạn 6 tháng ở mức 4,2% đến 4,4%/năm, kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng này lãi suất tiết kiệm lại khá thấp chỉ từ 4,5% đến 5%/năm.
Lãi suất giảm, lợi ích người gửi tiền và vay tiền trái chiều
Ngân hàng ACB áp dụng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng ở mức 4,45% -4,6%/năm với điều kiện người gửi tiền phải gửi từ 200 triệu đồng trở lên, các kỳ hạn 15 đến 36 tháng ACB áp dụng lãi suất tiền gửi 6,2%/năm. Cá biệt kỳ hạn 13 tháng ACB áp dụng lãi suất lên đến 6,6%/năm điều này được giới chuyên gửi tiền vay tiền cho biết mức lãi suất này chỉ dùng làm tham chiếu tính lãi suất cho các khoản vay của ngân hàng.
Một số ngân hàng thường có lãi suất như SCB niêm yết lãi suất 7,3%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng khi người gửi tiền lĩnh lãi cuối kỳ. NCB lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 13 tháng đến 36 tháng niêm yết ở mức 7,3%/năm.
Một số ngân hàng như niêm yết lãi suất tiết kiệm 12 tháng lên đến 8,2%, 8,4% đối với kỳ hạn 12 và 13 tháng thuộc về các ngân hàng OCB, Eximbank… nhưng lại đặt điều kiện khách hàng phải gửi số tiền 500 trăm tỷ đồng. Điều này là các chiêu quảng bá hình ảnh của các ngân hàng, không có mấy người gửi tiền để lấy lãi suất này.
Theo NHNN, trong tuần đầu của tháng 1 năm nay, lãi suất tiền gửi bằng VND của các tổ chức tín dụng có xu hướng giảm so với cuối năm 2020, theo đó tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn 1 tháng lãi suất phổ biến ở mức 01-02%/năm; các kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng có mức lãi suất 3,2-3,9%/năm; các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng có lãi suất từ 4,0-6,0%/năm, những kỳ hạn từ 12 tháng trở lên có mức lãi suất từ 5,6-6,8%/năm.
Giảm lãi suất phải hài hòa các lợi ích
Theo quan sát trên thị trường, lãi suất tiết kiệm trong những tuần đầu tháng 1/2021 được các ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ, nhưng chủ yếu là nhằm cơ cấu lại kỳ hạn chứ không phải một xu hướng giảm lãi suất huy động. Đáng chú ý nhất là mức lãi suất tiết kiệm 5,6%/năm kỳ hạn 12 tháng đã được Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank tạo lập vào cuối tháng 11/2020 hiện đang trở thành một mức tham chiếu để cộng thêm từ 3-3,5% lãi suất để ra lãi suất cho vay của các ngân hàng này. Đặc biệt, các chương trình tín dụng của Chính phủ và chính quyền địa phương cũng đang lấy cách tính lãi suất của bốn NHTM có vốn Nhà nước để thực hiện biểu lãi suất cho vay các chương trình ưu đãi kích cầu đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu.
Giảm lãi suất là mong muốn của người đi vay vốn, người gửi tiết kiệm lại muốn lãi suất tăng. Tuy nhiên trong bối cảnh giá vàng trong năm nay sẽ khó có thể tăng cao khi chính trường Mỹ đi vào ổn định và tỷ giá VND/USD được dự báo tiếp tục ổn định trong năm 2021 thì lãi suất tiết kiệm VND trong hệ thống ngân hàng vẫn đang có sức hấp dẫn.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank chia sẻ, trong năm qua ngân hàng này đã 5 lần giảm lãi suất với chi phí tiết giảm cho doanh nghiệp lên đến 3.700 tỷ đồng. Giảm lãi suất có thể ngân hàng tiếp tục làm được, nhưng các ngân hàng quy mô như Vietcombank giảm lãi suất sẽ làm các ngân hàng nhỏ hơn mất hết khách hàng vì người vay vốn sẽ chạy sang Vietcombank và người gửi tiền sẽ chạy về các ngân hàng có lãi suất cao hơn.
Trong cuộc gặp gỡ các cơ quan báo chí ở TP.HCM, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch hội đồng quản trị VietinBank cho biết, về việc hy sinh lợi nhuận hỗ trợ doanh nghiệp nhưng bản thân các ngân hàng cũng là một doanh nghiệp phải thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh. Đơn cử, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank trong năm 2020 đạt 130%, nhưng cũng cần cân nhắc tỷ lệ này bao nhiêu là vừa để không ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước và cổ tức của cổ đông. Theo ông Thọ với quy mô của VietinBank tỷ lệ bao phủ nợ xấu đẹp nhất là trong khoảng từ 120-150% sẽ hài hòa được các lợi ích nhà nước và cổ đông.
Thời báo ngân hàng