MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?

17-01-2021 - 13:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất?

Một số nhà băng vẫn duy trì chính sách lãi suất đặc biệt với tiền gửi trên 500 tỷ đồng, cao nhất 8,4% tại Eximbank cho kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng.

Trên thị trường, lãi suất huy động cao nhất đang được công bố là 8,4%/năm tại Eximbank với các khoản tiền gửi có giá trị trên 500 tỷ đồng kỳ hạn 13 tháng hoặc 24 tháng và 7,2% với kỳ hạn 12 tháng. Những khoản tiền gửi giá trị dưới 500 tỷ đồng sẽ có lãi suất chỉ 6,3%.

SHB - sau nhiều tháng giữ "quán quân" thị trường về huy động lãi suất cao thì hiện tại công bố mức cao nhất cho tiết kiệm bằng VND với khách hàng cá nhân là 6,4%/năm.

Sau Eximbank, ACB thông báo lãi suất với kỳ hạn 13 tháng cho khoản tiền gửi trên 30 tỷ đồng là 7,4%, trong khi dưới 30 tỷ là 7,1%/năm. SCB áp dụng lãi suất 7,3% cho tiền gửi 12 tháng với giá trị trên 500 tỷ đồng. LienVietPostBank có lãi suất cho khoản tiền gửi từ kỳ hạn 13 tháng với giá trị trên 300 tỷ đồng là 6,99%/năm, con số này thấp hơn mức 7,4% của tháng trước.

Tại Techcombank, các khoản tiền gửi trả lãi cuối kỳ trên 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 tháng được hưởng lãi suất 7,1%. Trong khi đó, MB công bố lãi suất 6,8%/năm với tiền gửi kỳ hạn 12 tháng và 6,9%/năm cho kỳ hạn 24 tháng với giá trị 200-300 tỷ đồng.

Lãi suất với điều kiện đặc biệt (yêu cầu giá trị tiền gửi, kỳ hạn 13 tháng) thường được các ngân hàng sử dụng là tham chiếu cho lãi suất cho vay. Con số này thường cao hơn 1-2,5% so với lãi suất cùng kỳ hạn với tiền gửi thông thường (thấp hơn mức yêu cầu đặc biệt của ngân hàng).

Các khoản tiền gửi thông thường không có điều kiện đặc biệt, lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến là 5,2-6,7%/năm, không nhiều biến động so với giữa tháng. Cá biệt tại Techcombank, lãi suất tiền gửi cuối kỳ cao nhất cho khách hàng ưu tiên chỉ còn 4,5-5%, thấp nhất trong số các ngân hàng tư nhân Việt Nam.

Lãi suất tiết kiệm ngân hàng nào cao nhất? - Ảnh 1.

Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại một số ngân hàng. Đơn vị: %.

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp

Trong biểu lãi suất mới ngày 14/1, Techcombank tăng lãi suất với kỳ hạn 12 tháng – 23 tháng thêm 0,1 điểm phần trăm lên 4,5-5%, tùy vào đối tượng khách hàng thường/ưu tiên. Trong khi đó, giảm lãi suất kỳ hạn trên 24 tháng về đồng mức 4,5-5%

Sacombank hạ lãi suất thêm 0,1-0,3 điểm phần trăm với tiền gửi kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng, đưa về đồng mức 3,4%. Kỳ hạn 6-11 tháng, lãi suất tiền gửi còn 4,9%, giảm 0,2 điểm phần trăm, trong khi kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm về mức 5,7%.

ACB cũng giảm lãi suất tại nhiều kỳ hạn 0,2 -0,5 điểm phần trăm so với tháng trước, trong đó lãi suất 12 tháng dao động 5,7-6%, lãi suất 6 tháng còn 4,8-5,2%.

Các ngân hàng quốc doanh tiếp tục duy trì lãi suất ở mức thấp nhất thị trường. Lãi suất tiết kiệm của BIDV, VietinBank, Agribank kỳ hạn 1-3 tháng ở mức 3,1%/năm; kỳ hạn 6-11 tháng 4%/năm. Mức lãi suất gửi cao nhất chỉ còn 5,6%/năm cho các kỳ hạn dài 12-36 tháng. Tại Vietcombank, lãi suất tại các kỳ hạn đều thấp hơn10-20 điểm cơ bản so với 3 ngân hàng còn lại, ngoại trừ kỳ hạn 12 tháng.

Nhìn chung, lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, 3,1-3,9%/năm với kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng, 4,4-6%/năm với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng và 5,6-6,9%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI – SSI Research nhận định lãi suất tiền gửi vẫn giữ ở mức thấp trong nửa đầu 2021 và có thể nhích tăng vào nửa cuối năm do đầu ra tín dụng mạnh hơn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tại thời điểm 21/12/2020, tín dụng toàn hệ thống tăng 10,14% trong khi huy động vốn tăng hơn nhiều ở mức là 12,87%. Đến cuối năm 2020, tín dụng tăng 12,13%, NHNN chưa công bố con số tăng trưởng huy động vốn, song theo báo cáo của nhiều tổ chức nghiên cứu, huy động vốn toàn hệ thống năm 2020 vẫn tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng.

Báo cáo của FiinGroup nhận định tăng trưởng tiền gửi bình quân cao hơn so với tăng trưởng tín dụng năm 2020 dẫn tới thanh khoản dồi dào, với tỷ lệ dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) bình quân giảm xuống mức thấp nhất so với 2 năm trước. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh từng nhân định lãi suất sẽ hình thành trạng thái "bình thường mới", mặt bằng thấp sẽ tiếp tục kéo dài. 

Theo Trâm Anh

NDH

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên