Lại thêm áp lực 1.500 tỷ đè nặng giá điện 2019
Nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất của TKV, Tổng công ty Đông Bắc cho các nhà máy điện của EVN và đơn vị thành viên thì chi phí mua điện năm 2019 tăng thêm khoảng 1.498 tỷ...
- 10-01-2019Thủ tướng thay đổi chính sách giá điện mặt trời
- 25-12-2018Thị trường điện năm 2019: Thiếu hụt nguồn cung, chi phí phát sinh cao đẩy giá điện tăng
- 14-12-2018Thay vì đòi tăng giá điện, EVN hãy tìm cách giảm giá thành
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc cung cấp than và giá than trộn bán cho sản xuất điện năm 2019 của EVN và các đơn vị thành viên.
EVN cho biết, theo biên bản làm việc ngày 4/12/2018 giữa EVN và TKV, Tổng công ty Đông Bắc, dự kiến khối lượng than cung cấp năm 2019 là 25,84 triệu tấn, trong đó khối lượng than trong nước là 19 triệu tấn, khối lượng than trộn là 6,84 triệu tấn.
Nguyên nhân chính phải sử dụng than trộn cho các nhà máy nhiệt điện than thuộc EVN là do TKV và Tổng công ty Đông Bắc không cung cấp đủ chủng loại than sản xuất trong nước cho các nhà máy điện.
Do đó, TKV và Tổng công ty Đông Bắc phải nhập khẩu than để pha trộn với than trong nước để có than trộn với chỉ tiêu chất lượng tương đương theo TCVN 8910:2018 cấp cho các nhà máy điện của EVN và các đơn vị thành viên.
"Giá than trộn theo đề xuất của TKV và Tổng công ty Đông Bắc cao hơn từ 188-273 nghìn đồng/tấn, tương đương 11,18-15,06% tùy loại", văn bản nêu.
EVN cho biết, theo tính toán sơ bộ, nếu áp dụng giá than trộn như đề xuất của TKV, Tổng công ty Đông Bắc cho các nhà máy điện của EVN và đơn vị thành viên thì chi phí mua điện năm 2019 tăng thêm khoảng 1.498 tỷ đồng, trong đó đối với than trộn mua từ TKV tăng 1.062 tỷ đồng, than trộn mua từ Tổng công ty Đông Bắc tăng 435 tỷ đồng.
Trên cơ sở tình hình sản xuất điện, tình hình cung ứng than cho sản xuất điện năm 2019, EVN báo cáo Thủ tướng xem xét cho phép EVN và các đơn vị thành viên được sử dụng các loại than pha trộn giữa than nhập khẩu và than sản xuất trong nước do TKV và Tổng công ty Đông Bắc thực hiện với khối lượng và các mức giá do TKV và Tổng công ty Đông Bắc đã đề xuất.
Đồng thời, cho phép tính toán giá than trộn là chi phí hợp lý, hợp lệ trong hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN và các đơn vị thành viên.
EVN kiến nghị cho phép các nhà máy điện được điều chỉnh giá bán điện trong hợp đồng mua bán điện và tham gia thị trường điện do sử dụng than trộn và được tính toán cập nhật vào giá điện bình quân trong năm 2019.
Trước đó, Trước đó Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng có báo cáo của Bộ Công Thương và Chính phủ tiết lộ nguy cơ thiếu điện trong năm 2019.
Theo số liệu của EVN, dự kiến tổng sản lượng điện của hệ thống năm 2019 là 232,5 tỷ kWh, trong đó, các nhà máy nhiệt điện than là 116,23 tỷ kWh (chiếm 50%), cao hơn năm 2018 khoảng 26 tỷ kWh, tương đương với 13 triệu tấn than. Trong khi đó, nguy cơ thiếu than đang đè nặng.
Ông Đinh Quang Trung, Phó trưởng Ban Kinh doanh Than, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam cho biết, việc thiếu nguồn than cho các nhà máy điện là một thực tế. Việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng nước ngoài là thách thức lớn đối với an ninh năng lượng quốc gia. Hiện nay, trữ lượng và tài nguyên 48,9 tỷ tấn gồm 2,26 tỷ tấn trữ lượng tập trung chủ yếu khu vực Đông Bắc (bể than Quảng Ninh).
Ông Trung cho biết để ứng phó với việc thiếu than trong các nhà máy điện thực tế, hiện nay có 2 nguồn than chính trong đó TKV chiếm tới 85 đến 87%. Hiện nay, sản lượng sản xuất 41 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu lên tới 55 triệu tấn/năm. Nhu cầu sử dụng than của Việt Nam ngày càng gia tăng. Năm 2016 mới chỉ hơn 30 triệu tấn/năm nhưng tới năm 2030 lên tới hơn 120 triệu tấn.
Vneconomy