Làm ăn lớn phải có sàn giao dịch nông sản
Sau 12 năm kể từ khi có quy định về mua bán hàng hóa các sở giao dịch hàng hóa, đến giờ Việt Nam vẫn chưa có một sàn giao dịch nông sản đúng nghĩa.
- 30-10-2018Nông sản Việt: Vì sao nơi bội thu, nơi phải... giải cứu?
- 29-08-2018Thủ tướng đề nghị New Zealand hợp tác phát triển một số nông sản
- 02-07-2018Mục tiêu xuất khẩu nông sản 40 tỷ USD: Cơ hội lớn, rủi ro cao
Đầu tháng 12 tới, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, sẽ dẫn một đoàn chuyên gia từ Singapore tới làm việc với sở - ban - ngành tỉnh Đắk Lắk để tiếp tục bàn cơ chế gỡ vướng cho sàn cà phê này.
Trầy trật mở sàn cà phê
Hơn 10 năm trước, khi tình trạng nông dân bị ép giá, vỡ nợ vì cà phê liên tục xảy ra do sử dụng phương thức buôn bán truyền thống qua việc ký gửi cà phê ở các đại lý, điểm thu mua nhiều rủi ro. Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ra đời với phương thức hoạt động mới là được kỳ vọng tăng giá trị cho nông dân trồng cà phê.
Tuy nhiên, sau những lần thay đổi mô hình, đến nay sàn giao dịch cà phê đúng nghĩa vẫn chưa hoạt động hiệu quả. Đến cuối năm ngoái, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thông báo đóng cửa sàn giao dịch này và rút vốn đầu tư khỏi mô hình trên.
Tại Quyết định số 286 của Thủ tướng về phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tháng 3-2018, có đề cập việc địa phương này cần đẩy mạnh phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty CP Sở Giao dịch cà phê và hàng hóa Buôn Ma Thuột nhằm đạt hiệu quả cao.
Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột bị bỏ không một thời gian dài Ảnh: Cao Nguyên
Theo ông Trần Thanh Hải, đến giờ ông vẫn tiếp tục làm việc với các sở - ban - ngành liên quan và nuôi tham vọng về một sàn giao dịch cà phê sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới ở Mỹ, nếu tháo gỡ được các vướng mắc.
"Tôi vừa dự họp niên vụ cà phê 2017-2018 và chuẩn bị niên vụ 2018-2019 của tỉnh Đắk Lắk. Địa phương này là thủ phủ cà phê với sản lượng 1,5 triệu tấn, diện tích trồng cà phê chiếm hơn 1/3 cả nước nhưng từ nhiều năm nay thai nghén sở giao dịch cà phê vẫn không thành. Riêng tôi, đã gần 4 năm "vật lộn" với mô hình này và chưa từ bỏ" - ông Hải nói.
Nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhìn nhận Việt Nam hiện tham gia vào những câu lạc bộ nông sản hàng đầu thế giới như gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu... Tính theo số tuyệt đối, không ít mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang dẫn đầu thế giới nhưng giá trị đem lại cho nông dân và nền kinh tế lại rất thấp. Như 1 kg cà phê nông dân Đắk Lắk làm ra chỉ bán được khoảng 36.000 đồng, có thể làm ra từ 18-20 ly cà phê. Trong khi một ly cà phê ở các thành phố lớn ít nhất cũng 2 USD (tương đương 45.000 đồng).
"Nếu không có cơ chế tạo lập thị trường, tạo lập mặt bằng giá thì nông dân sẽ chỉ làm thuê cho DN nước ngoài trên sân nhà. Lợi nhuận của người sản xuất là một con số rất nhỏ trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu. Cần phải có một sàn giao dịch nông sản hoạt động đúng nghĩa để nâng tầm nông sản Việt Nam, tránh tình trạng bị ép giá, mất mùa, được giá" - ông Hải phân tích.
Phải chấp nhận chịu lỗ
Theo ông Đỗ Lương Đại Nam, Quản lý sàn bò có tên Alobo (ứng dụng kết nối mua bán bò đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm), hiện cộng đồng khởi nghiệp có nhiều người phát triển dự án sàn giao dịch nông sản nhưng vẫn chưa hiệu quả. Bởi sàn giao dịch nông sản giống như một mô hình chợ online, muốn tồn tại và phát triển phải có người đến "họp chợ". Ở giai đoạn các sàn chạy thử, miễn phí giao dịch thì có người mua bán nhưng đến khi thu phí như tiền thuê gian hàng, phí quản lý… "tiểu thương" lại hết mặn mà. Nhiều sàn vì vậy mà chết yểu.
Một vấn đề khác là nông sản Việt Nam chưa được chuẩn hóa, không được phân loại mà "bán xô" nên cần phải nhìn hàng mới định giá được dẫn đến việc mua bán qua mạng khó khăn, khách hàng không tin tưởng.
"Dù hiện tại có nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực này rất tiềm năng và Việt Nam phải đi theo xu hướng phát triển của thế giới. Hiện tại, DN Việt đã tham gia các sàn quốc tế để bán hàng xuất khẩu và nhiều sàn lớn trên thế giới cũng đang phát triển cho thị trường nội địa Việt Nam. Điều này giúp phát triển chợ nông sản Việt online, đồng thời các công ty nước ngoài cũng có được cơ sở dữ liệu lớn (big data) thông qua hành vi mua bán của người dùng" - ông Nam phân tích.
Do đó, để sàn giao dịch nông sản Việt Nam phát triển cần nhà đầu tư có khả năng chịu lỗ thời gian đầu, chờ được đến thời gian người dùng chấp nhận đóng phí để chợ tự sống được.
Còn rất nhiều việc phải làm
Nói về những vướng mắc khác khiến các sàn giao dịch nông sản chưa hoạt động hiệu quả, ông Trần Thanh Hải phân tích các quy định hiện tại yêu cầu một sàn giao dịch nông sản phải có trung tâm thanh toán trực thuộc hoặc do ngân hàng thương mại cung cấp. Trung tâm thanh toán chính là cốt lõi của sàn, nơi thanh toán tiền hàng giữa người mua và người bán, giao hàng sau khi đặt lệnh, khớp lệnh thành công…
"Nhiều người mua sẽ đến từ quốc tế và các mặt hàng nông sản như tiêu, cà phê, gạo, cao su… chủ yếu xuất khẩu nên cơ chế thanh toán cần chuẩn hóa ngay từ đầu. Và cơ chế thanh toán này cần sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước trong điều chỉnh quy định ở Pháp lệnh ngoại hối, cho phép niêm yết giá bằng VNĐ lẫn USD hoặc loại ngoại tệ mạnh nào mà sản phẩm nông sản đó giao dịch chủ yếu, như cà phê ở châu Âu, tiêu ở Nhật… Như sàn giao dịch dầu cọ của Malaysia, họ niêm yết bằng cả đồng nội tệ và USD, ai muốn mua dầu cọ có thể lựa chọn 2 đồng tiền này để thanh toán" - ông Hải đề xuất.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, một vấn đề khác trong câu chuyện xây dựng các sàn giao dịch nông sản là cần mở kho ngoại quan ở nước ngoài. Chẳng hạn khi khách hàng ở châu Âu đặt lệnh giao hàng trên sàn giao dịch và sẽ nhận hàng trong tương lai, họ phải biết có hạt cà phê vật chất đang nằm ở kho ngoại quan tại châu Âu. Xây dựng các kho ngoại quan này, DN cần cơ chế, chính sách hỗ trợ từ nhà nước về ưu đãi thuế, tín dụng, lãi suất để thu hút nhà đầu tư trong giai đoạn đầu.
Tại Việt Nam, mô hình giao dịch qua sàn chưa thực hiện được do tắc từ khâu sản xuất bởi quy mô quá nhỏ, vẫn cần thương lái làm trung gian thu gom. Ở góc độ nông dân, do lượng hàng quá nhỏ, họ chưa có nhu cầu ra sàn cũng như kỹ năng để thực hiện giao dịch kiểu mới. Ngoài ra, để giao dịch qua sàn, nông sản phải có tiêu chuẩn rõ ràng và được áp dụng chung làm căn cứ định giá mua bán.
"Để tiến tới giao dịch nông sản cần lượng hàng hóa lớn, chất lượng đồng đều bằng việc sản xuất trên quy mô lớn thông qua các DN đầu tư trang trại hoặc nông dân tham gia các tổ hợp tác, HTX. Đây là những vấn đề nhà nước cần làm trước một bước để nông dân Việt Nam có thể bán hàng qua sàn như các nước trên thế giới" - ông Ngãi kiến nghị.
Giao dịch nông sản qua sàn giúp người sản xuất có nơi bán hàng, chống tình trạng độc quyền mua dẫn đến ép giá. Các nước phát triển làm cách này từ rất lâu".
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi,
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen
Cải thiện logistics
Trong một hội thảo về thương mại điện tử diễn ra mới đây tại TP HCM, ông Tony Yin, đại diện Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), cho rằng nông sản, trái cây là sản phẩm lợi thế của Việt Nam nhưng để bán tốt qua sàn giao dịch thì cần có sự hỗ trợ của dịch vụ logistics. "Đối với trái cây, tại Việt Nam riêng khâu vận chuyển khiến hàng hư hỏng phải loại bỏ đến 60%, trong khi tỉ lệ toàn cầu là 40%. Nếu Việt Nam cải thiện logistics sẽ thúc đẩy bán hàng qua mạng, tăng lợi nhuận từ việc giảm hao hụt" - ông Tony Yin lưu ý.
Người lao động