MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm ăn với Hàn Quốc, phải biết những gì?

Thị trường Hàn Quốc đang dành nhiều ưu đãi cho hàng hóa Việt Nam nhưng cũng rất khắt khe, không khoan nhượng với những doanh nghiệp làm ăn gian dối.

Ngày 2-11, hội thảo Nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất nhập khẩu Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc thông qua tận dụng quy tắc xuất xứ từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Hàn Quốc (AKFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) do Sở Công Thương TP HCM phối hợp Bộ Công Thương tổ chức, đã cung cấp nhiều thông tin thực tế cho doanh nghiệp (DN) bán hàng vào thị trường Hàn Quốc.

Tận dụng ưu đãi thuế suất

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Hàn Quốc đã đạt gần 45 tỉ USD, tăng hơn 52% so với cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 12,2 tỉ USD, tăng 28,6%. Hàn Quốc đang là thị trường lớn thứ 5 của các DN TP HCM với kim ngạch xuất khẩu hơn 5%. Kết quả tăng trưởng xuất khẩu khả quan như vậy là nhờ DN Việt Nam đã cải thiện đáng kể về hình thức thiết kế bao bì, mẫu mã hàng hóa cũng như chất lượng, chủng loại sản phẩm phù hợp hơn với thị trường Hàn Quốc. Đặc biệt, giá bán sản phẩm của Việt Nam cạnh tranh hơn sản phẩm tương tự của Philippines, Trung Quốc, Indonesia và Thái Lan. Người tiêu dùng Hàn Quốc bắt đầu chấp nhận, ưa chuộng sản phẩm Việt Nam.


Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May Việt Tiến Ảnh: TẤN THẠNH

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May Việt Tiến Ảnh: TẤN THẠNH

Song song đó, DN Việt đang tận dụng hiệu quả lợi thế thuế suất từ VKFTA để bán hàng vào Hàn Quốc. Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng Phòng xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương - cho biết 10 tháng đầu năm, các mặt hàng thủy sản, hạt tiêu, rau quả, giày dép và linh kiện, phụ tùng xe có tỉ lệ tận dụng ưu đãi thuế suất rất cao, đạt tỉ lệ 84%-99%. Mặt hàng sắt, thép tận dụng ưu đãi thuế suất thấp hơn, khoảng 26%. Các DN TP HCM chủ yếu xuất khẩu sang Hàn Quốc các mặt hàng dệt may (29%), máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (28,9%), gỗ và sản phẩm gỗ (6%), hàng thủy hải sản (5,9%) và giày dép các loại (5,2%).

Cũng theo bà Thu Hiền, DN Việt đang tận dụng tốt lợi ích kép từ FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Hiện Việt Nam - EU đã ký kết FTA, đồng thời EU và Hàn Quốc cũng đã ký FTA. Do vậy, DN xuất khẩu sử dụng nguyên liệu nhập từ Hàn Quốc, khi xuất sang EU vẫn được hưởng lợi thế thuế suất và ngược lại. Hiện Chính phủ cũng đang đẩy nhanh đàm phán với Philippines, Thái Lan… để tăng lợi thuế kép cho DN Việt.

Cấm cửa DN gian dối

Theo ông Nguyễn Quan Phúc, Trưởng Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực TP HCM, thời gian qua, cơ quan chức năng phát hiện không ít trường hợp DN làm giả chứng nhận xuất xứ (CO) như scan con dấu, giả chữ ký cơ quan chức năng… Nhiều DN không thực hiện công tác lưu trữ hồ sơ khai báo, khi bị hải quan nước bạn truy xuất nguồn gốc, yêu cầu báo cáo nhưng không thể báo cáo lại nên thường bị ách tắc xuất khẩu cho những lô hàng tiếp theo hoặc được xuất khẩu nhưng không được hưởng ưu đãi thuế quan… Do đó, dù Bộ Công Thương đã cho phép DN thực hiện CO nhưng rất cân nhắc trong việc cấp phép. Đến nay, chỉ 2 DN là Nestlé và Vinamilk được tự chứng nhận xuất xứ. Bởi, nếu 1 DN gian dối, bị hải quan nước nhập khẩu phát hiện lần thứ 2 thì không chỉ DN đó bị cấm xuất khẩu mà tất cả DN thuộc ngành hàng đó có nguy cơ bị cấm xuất khẩu vào nước đó.

Ông Phúc lưu ý thêm là các DN xuất khẩu Việt Nam thường mắc các lỗi như đóng dấu không rõ nét, sử dụng tiếng Việt để mô tả hàng hóa khi khai báo tờ khai dẫn đến nhầm lẫn khái niệm và bị áp mã số xuất khẩu không đúng. Riêng với hàng nông sản, có hiện tượng DN gian dối trộn lẫn nông sản trong nước với hàng Trung Quốc để xuất khẩu; nông sản trái mùa, xuất khẩu số lượng lớn nhưng khâu chứng minh, giải thích không rõ ràng, gây nghi ngờ cho cơ quan hải quan nước nhập khẩu, thậm chí không được hưởng thuế quan ưu đãi.

Để tăng năng lực cạnh tranh của DN của Việt Nam tại thị trường Hàn Quốc, ngành công thương Việt Nam - Hàn Quốc đang tăng cường tổ chức các cuộc giao thương, tạo điều kiện cho cộng đồng DN hai nước tiếp xúc, tìm hiểu và ký kết hợp tác với nhau. Nhà bán lẻ Hàn Quốc là Lotte Mart cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN cải thiện mẫu mã bao bì, thiết kế và chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chí tham gia vào chuỗi cung ứng Lotte tại Việt Nam, Hàn Quốc và các nước khác.

Nông sản Việt gặp nhiều rào cản vô lý

Cùng ngày, tại hội thảo Nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức, nhiều diễn giả cho biết có tình trạng nước ngoài lạm dụng các hàng rào kỹ thuật để chặn hàng nhập khẩu, bảo hộ sản xuất trong nước, gây khó cho nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Siebe van Wijk, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Fresh Studio, nêu ví dụ về quy định của châu Âu (EU) đối với mức dư lượng tối đa hoạt chất azoxystrobin (kiểm soát bệnh đốm nâu) trên quả thanh long, chỉ 0,01 ppm. Trong khi đó, mức dư lượng tối đa hoạt chất azoxystrobin mà EU quy định trên nho là 3 ppm, việt quất 5 ppm, 2 loại quả này ăn cả vỏ trong khi thanh long thì bỏ vỏ và vỏ rất dày.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết nhiều loại nông sản Việt Nam mà nước nhập khẩu chưa xây dựng được mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép nên mặc định rất thấp (tiêu chuẩn cao hơn bình thường), DN gần như không đáp ứng được. Kinh nghiệm từ Ấn Độ cho thấy năm 2011 nước này bị Mỹ cảnh báo gạo basmati có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép. Nhưng sau đó Ấn Độ đã đàm phán thành công với Mỹ để nâng mức giới hạn từ 0 ppm lên 3 ppm, tháo gỡ khó khăn trong xuất khẩu gạo.

NG.ÁNH

Theo Thanh Nhân

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên