MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm đặc khu, cẩn trọng kẻo gánh hậu quả cả xã hội lẫn kinh tế

ĐBQH cho rằng, đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải dung hòa cách quản lý hiện nay với việc giao đặc quyền rất cao, có tính chủ động, tự chủ cao...

Phải dung hòa cách quản lý hiện nay với một đặc quyền

Trao đổi với báo chí bên hành lang Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Tất Thắng (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, làm đặc khu là phải giải quyết bài toán kép.

Với hệ thống quản lý như hiện nay, quản lý hành chính theo chiều dọc rất chặt chẽ: trung ương, tỉnh thành, quận huyện, xã phường. Tuy nhiên, với đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, đơn vị quản lý phải có thẩm quyền rất cao và có tính chủ động để thu hút, chớp được cơ hội đầu tư. Đơn vị hành chính phải dung hòa cách quản lý hiện nay với một đặc quyền để có điều kiện tự chủ cao.

Làm đặc khu, cẩn trọng kẻo gánh hậu quả cả xã hội lẫn kinh tế - Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)


ĐBQH Phạm Tất Thắng cho biết, luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt kỳ vọng ra hành chính thông thoáng, cởi mở để thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách đặc biệt.

Doanh nghiệp tính đến yếu tố lợi nhuận, do đó cần giải quyết bài toán tạo cơ chế thông thoáng nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý. Với điều kiện hiện nay, phải lưu ý đặc biệt nếu cải cách bộ máy hành chính. Nếu không giải quyết tốt vấn đề này sẽ phải giải quyết hậu quả cả xã hội lẫn kinh tế, ông Thắng lưu ý.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, trong thực tế đã có những lúng túng về mô hình mới này. Các nhà đầu tư đã chớp định hướng, tranh thủ đầu tư và vượt quá quy định hiện hành. Vấn đề là làm sao có những thay đổi về cơ chế hành chính để tạo thuận lợi trong việc thu hút đầu tư nhưng vẫn phải đảm bảo được quản lý nhà nước.

Về thời hạn thuê đất 99 năm tại các đặc khu, ông Thắng nêu quan điểm: Mọi quyết định với đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt phải có sự tính toán cân nhắc để dung hòa hai mục tiêu: vừa tạo động lực phát triển, vừa đảm bảo quyền quản lý nhà nước.

Trong khi đó, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) tỏ ra băn khoăn: Nhiều vấn đề vẫn chưa ngã ngũ về việc trao quyền cho đặc khu đến đâu, cơ chế cho mảng hành chính và kinh tế cụ thể như thế nào. Hiện đất đai các khu vực tương lai sẽ là đặc khu đang được giao dịch chóng mặt, tăng giá từng ngày…

Làm đặc khu, cẩn trọng kẻo gánh hậu quả cả xã hội lẫn kinh tế - Ảnh 2.

Tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai tại Vân Đồn (Quảng Ninh) - một trong 3 đặc khu tương lai - đã có hiện tượng "sốt đất ảo".


Ông Ngân cho rằng, Quốc hội nên tiếp tục thảo luận để làm rõ hơn, các nhà đầu tư cũng cân nhắc tình hình thực tế xem có nên đầu tư hay không.

Dù mong muốn có thêm cực để phát triển, có thêm đầu tàu ở từng lĩnh vực, như Vân Đồn là du lịch, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là những cực phát triển. Nhưng người dân nghĩ luật sẽ được thông qua nên ào ạt đầu tư, do đó lợi thế để thu hút đầu tư còn không khi thông qua Luật thì người ta đã mua hết rồi. Nhà đầu tư quá ngán ngẩm khi vào đầu tư lại phải mua lại đất, sẽ khó khăn. Phải chặn được “cơn sốt” đất để nhà đầu tư vào còn thấy có lợi thế, ĐBQH Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ tư vấn cho Thủ tướng - phân tích.

Kiến tạo đặc khu hành chính hơn là kinh tế

Theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân, luật đặc khu có hai mảng: hành chính và kinh tế đặc biệt. “Luật đặc khu tôi nghĩ nhiều hơn đến khu hành chính đặc biệt hơn là kinh tế vì hiện nay mình có quá nhiều khu kinh tế. Thí điểm làm sao để hành chính gọn nhẹ, hiệu quả, tiết kiệm chi, thúc đẩy phát triển...”, ông Ngân bày tỏ.

Làm đặc khu, cẩn trọng kẻo gánh hậu quả cả xã hội lẫn kinh tế - Ảnh 3.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Ảnh: Quochoi.vn)


Trong bối cảnh hiện nay và tình hình thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 30 năm qua, Việt Nam đã rút ra nhiều bài học cần phải quan tâm. Mặc dù trong 30 năm qua, Việt Nam thu hút vốn FDI rất lớn và nguồn vốn này đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, nguồn vốn FDI đã đóng góp trên 20% GDP, 24% tổng số nguồn vốn đầu tư toàn xã hội và 72% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cần nhìn thấy việc hỗ trợ để chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ hỗ trợ trong nước từ khu vực này còn nhiều hạn chế.

Do đó, ông Ngân cho rằng, khi có luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt với định hướng tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần phải cân nhắc lại nên thu hút FDI vào lĩnh vực nào. Có cần phải có casino hay không? Phải tính toán lại làm sao việc thu hút đầu tư nước ngoài theo định hướng xanh, sạch. Xanh là ưu tiên môi trường, sạch là doanh nghiệp đầu tư phải có lí lịch trong sạch trong nộp thuế, tránh chuyển giá. Ưu tiên chất lượng như công nghệ cao và ưu tiên tính lan tỏa, gắn với chuỗi trong nước…

Về quyền hạn người đứng đầu, ĐBQH Trần Hoàng Ngân chia sẻ: Nên để quyền hạn đến mức người ta có thể triển khai một cách nhanh nhất và chịu trách nhiệm trước quyết định của mình. Liên quan đến vấn đề lãnh đạo các tập đoàn, những người đại diện vốn nhà nước thì phải có quyền, gắn với đó là trách nhiệm. Mặt trận Tổ quốc, hội đồng nhân dân, Quốc hội phải giám sát quyền đó. Như vậy, đòi hỏi sự minh bạch và công khai./.


Theo Trần Ngọc

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên