Lâm Đồng: Hơn 1.500 tỷ đồng thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Qua hơn 1 năm triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng như: hạ tầng, thu nhập, y tế, giáo dục, văn hóa... đã có sự thay đổi, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt.
- 24-09-2023Cải cách tiền lương: Xây dựng 5 bảng lương mới
- 24-09-2023Phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp 160 ha ở Bắc Giang
- 24-09-2023Đón thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng trở thành ‘quán quân’ về thu hút FDI
Theo đó, cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1%, riêng hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2%, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92% (tăng 2% so với năm 2020), tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa là 91%, tăng 0,5%.
Toàn tỉnh hiện có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tỉnh Lâm Đồng cho biết, tổng số vốn bố trí thực hiện 3 Chương trình MTQG (Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn tỉnh là trên 1.527,4 tỷ đồng; trong đó, ngân sách trung ương 886,9 tỷ đồng, ngân sách địa phương 640,5 tỷ đồng. Giá trị giải ngân đến tháng 6/2023 đạt 53% kế hoạch. Riêng năm 2023, tổng kế hoạch vốn bố trí 965,1 tỷ đồng, đến tháng 6/2023, giá trị giải ngân 263,7 tỷ đồng, đạt 27,3% kế hoạch.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 18.237 hộ nghèo và hộ cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chiếm 5,34%. Trong đó, có 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94%; hộ cận nghèo 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4% tổng số hộ trong toàn tỉnh.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các ngành, địa phương, quá trình triển khai các Chương trình MTQG, đặc biệt là việc triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đang gặp một số khó khăn về quy định Bộ tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới; khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn lồng ghép; chính sách hỗ trợ để thực hiện các tiêu chí về: môi trường, an sinh xã hội, giảm nghèo, sản xuất, việc làm chưa thực sự bền vững; một số quy định, hướng dẫn để thực hiện Chương trình chưa đồng bộ… dẫn đến việc khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công.
Tại Hội nghị triển khai việc thực hiện Chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đề nghị, các ban, ngành tiếp tục đẩy mạnh quy chế phối hợp, đặc biệt chú trọng vào những lĩnh vực trọng tâm để tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của chương trình MTQG.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, qua ý kiến của các sở, ban, ngành cho thấy vẫn còn nhiều điểm nghẽn, vì vậy song song với triển khai đồng bộ, các ngành phải tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời phối hợp với các địa phương tìm ra vướng mắc để giải quyết.
“Đặc biệt là việc giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hồ sơ triển khai; trong đó cần bám sát, đẩy nhanh việc gỡ khó các nghị định, thông tư, văn bản của Trung ương đã quy định để tiếp tục thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và những năm tiếp theo” - lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh./.
Theo kế hoạch, năm 2023 Kiểm toán nhà nước sẽ kiểm toán: Ngân sách địa phương và Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng; chuyên đề đánh giá tính hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư và việc đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2022; Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng.
Báo Kiểm toán