Lâm Đồng người chăn nuôi lợn gặp khó khi tái đàn sau dịch
Giá lợn giống tăng cao khiến người chăn nuôi ở Lâm Đồng gặp khó khăn trong việc tái đàn.
- 14-05-2020Khủng hoảng giá thịt lợn: Ai đang hưởng lợi?
- 11-05-2020Giá thịt lợn vẫn ở mức cao khiến giá giò chả tại các chợ cũng "nhảy múa" liên tục, chả mỡ từ 110 nghìn đồng/kg tăng lên đến 160 nghìn đồng/kg
- 10-05-2020Chủ nhật 10/5: Giá thịt lợn tại các chợ dân sinh vẫn cao, người tiêu dùng "đỏ mắt" mong ngày giảm giá
Tại tỉnh Lâm Đồng bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra đã làm trên 70.000 con lợn của 2.110 hộ ở 10 huyện, thành phố phải tiêu hủy, với trọng lượng trên 4.500 tấn. Đến thời điểm này, dịch bệnh đã được khống chế. Tuy nhiên, giá lợn giống tăng cao khiến người chăn nuôi gặp khó khăn trong việc tái đàn.
Giá lợn giống cao khiến nhiều người chăn nuôi ở Lâm Đồng vẫn chưa thể tái đàn sau dịch.
Hơn 1 tuần nay gia đình chị Đặng Thị Trang, ở xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng không thể mua được lợn giống để tái đàn sau khi tỉnh công bố hết dịch. Chị Trang cho biết: Những năm trước, gia đình nuôi gần 1000 lợn thịt và hơn 200 lợn nái. Đợt dịch tả lợn Châu Phi vừa rồi toàn bộ số lợn nhiễm bệnh phải đưa đi tiêu hủy. Mấy tháng qua chuồng trại đã được gia đình sát trùng rất kỹ chờ mua con giống về thả nuôi. Tuy nhiên, hiện nay giá lợn giống quá cao nên việc tái đàn gặp rất nhiều khó khăn.
"Những người mua được heo hiện giờ là phải đặt cọc cho người ta mấy tháng rồi mới được mua. Chẳng hạn muốn bắt 200 con thì phải đặt cọc từ 400 đến 500 triệu đồng rồi mới được bắt heo. Còn tôi không đặt cọc nên bây giờ không được mua. Bây giờ heo hiếm quá tôi cũng phải mua liều, vừa rồi mới mua heo con 3 kg với giá 2,9 triệu đồng mỗi con. Heo tư nhân bán tôi sợ lắm vì không đảm bảo, mua về mà heo chết lên, chết xuống, thuê hẳn một kỹ thuật chăm sóc mà heo vẫn chết", chị Trang chia sẻ.
Không chỉ gia đình chị Trang mà hơn 160 hộ và 40 trang trại chăn nuôi lợn tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng đến nay cũng trong tình trạng không mua được lợn giống để tái đàn. Theo thống kê, đến nay toàn xã mới chỉ tái đàn được 15.300 con bằng một nửa so với trước dịch.
Anh Trương Bách Tùng, một chủ trang trại lợn ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà lý giải: Nguyên nhân khiến nguồn cung con giống trở nên khan hiếm, đẩy giá tăng cao là do các doanh nghiệp chăn nuôi lớn không bán con giống ra ngoài.
"Thời điểm khi giá thịt heo nó rẻ thì con giống mua dễ. Còn bây giờ giá heo hơi nó đắt nên không có con giống để mua vì công ty sản xuất ra giống đến đâu thì họ nuôi đến đấy. Họ chỉ bán ra ngoài được một ít", anh Tùng cho hay.
Theo ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, hiện tình trạng lợn giống khan hiếm đang ảnh hưởng rất nhiều hộ chăn nuôi của tỉnh. Tuy bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát nhưng người chăn nuôi không nên chủ quan. Khi tái đàn các hộ chăn nuôi cũng cần tính toán kỹ để khỏi thua lỗ, đồng thời người chăn nuôi phải tuân thủ đầy đủ khâu vệ sinh chuồng trại để hạn chế dịch bệnh phát sinh.
"Sở nông nghiệp cũng như ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân đẩy mạnh công tác tăng đàn, tái đàn. Tăng đàn ở các hộ chưa bị dịch được kiểm soát an toàn và tái đàn ở các hộ bị dịch nhưng đã qua 30 ngày. Người dân tăng đàn nhưng không nên ồ ạt vẫn phải áp dụng đúng quy định, đó là tăng 10% để nuôi chỉ báo, sau 30 ngày nếu xét nghiệm âm tính thì mới tiếp tục tăng đàn 100% công suất của trang trại", ông Long khuyến cáo.
VOV