MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm đường dây điện 500kV 'tặng' nhà nước, cái giá của 0 đồng

Điện mặt trời quá tải, một doanh nghiệp xin làm trạm biến áp và đường dây 500kV ở Ninh Thuận. Đây là việc chưa từng có tiền lệ và được khuyến khích, nhưng đằng sau đó là cả một câu chuyện dài.

Điều chưa có tiền lệ

Cuối tháng 10/2019, trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vào quy hoạch dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ninh Thuận) kết hợp trạm biến áp 500kV và các đường dây đấu nối.

Điểm đáng chú ý, trong đề xuất của Công ty CP đầu tư xây dựng Trung Nam, ngoài nhà máy điện mặt trời 450 MW công ty này còn muốn thay Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và đường dây 500 kV Thuận Nam - Vĩnh Tân dài 15,5km.

Tổng mức đầu tư dự án là 11.814 tỷ đồng, trong đó Nhà máy điện mặt trời là 9.493 tỷ đồng; trạm biến áp và các đường dây đấu nối là 2.321 tỷ đồng. Nhà đầu tư dự tính vốn tự có là 30%, vốn vay là 70%.

Làm đường dây điện 500kV tặng nhà nước, cái giá của 0 đồng - Ảnh 1.

Nhà nước vẫn đang độc quyền truyền tải. Ảnh: Lương Bằng


Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhận xét đề xuất này phù hợp pháp luật và nói doanh nghiệp cam kết chỉ mất 6-8 tháng là triển khai xong toàn bộ. “Tính chủ động của người ta rất cao”, ông Hậu nói.

Nhưng với đề xuất chưa từng có tiền lệ này, sự chủ động của doanh nghiệp chỉ là một yếu tố. Muốn bắt tay vào làm, nhà đầu tư phải trải qua nhiều bước khác.

Trước hết, Luật Điện lực nêu “truyền tải là độc quyền nhà nước”. Song Luật Điện lực không nêu rõ khâu nào trong lĩnh vực truyền tải thuộc “độc quyền Nhà nước” (đầu tư - vận hành - quản lý). Do đó, phải làm rõ hoạt động truyền tải chỉ độc quyền khâu vận hành quản lý, hay cả khâu đầu tư.

Vì vậy, cần thiết phải có giải thích Luật của Ủy ban thường vụ quốc hội nhằm làm rõ hơn về khái niệm độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.

Ông Phạm Văn Hậu cho biết doanh nghiệp đầu tư xong sẽ bàn giao toàn bộ cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành, quản lý với giá 0 đồng. Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cũng cho rằng phương án này là “chấp nhận được”.

Có thực 0 đồng?

Gần giống như việc làm các con đường theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhà đầu tư chỉ mặn mà làm đường dây truyền tải nếu phục vụ cho dự án của họ.

Phải khẳng định rằng, không một nhà đầu tư nào muốn tham gia vào việc đầu tư đường truyền tải nếu không gắn liền việc truyền tải công suất điện của nhà máy vào lưới điện quốc gia. Rõ ràng, với mức phí truyền tải chỉ chiếm khoảng 7% trong giá bán điện (khoảng 100 đồng), thì không ai mạo hiểm bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để đầu tư đường dây 500kV cả nếu không gắn với dự án của chính họ.

Làm đường dây điện 500kV tặng nhà nước, cái giá của 0 đồng - Ảnh 2.

Nhà đầu tư chỉ làm đường dây khi gắn với dự án của họ. Ảnh: Lương Bằng


Ngoài ra, với việc tư nhân đầu tư trạm biến áp và đường dây truyền tải, tất cả cũng đều được cộng vào giá bán điện.

Trong trường hợp của công ty Trung Nam, nếu đầu tư thêm các hạng mục kể trên, giá mua điện mặt trời áp dụng cho đơn vị này bao nhiêu là cả một vấn đề. Công ty Trung Nam tính toán nếu tiếp tục duy trì giá bán điện 2.100 đồng/số theo Quyết định 11/QĐ-TTg thì dự án có hiệu quả kinh tế. Nhưng quyết định này đã hết hiệu lực từ sau 30/6/2019. Nếu giá điện áp dụng sau 30/6/2019 thấp hơn đáng kể mức giá 2.100 đồng, thì hiệu quả kinh tế của dự án sẽ khác. Lúc đó, việc tính toán có làm thêm trạm biến áp và đường dây hay không sẽ là cả một vấn đề.

Còn nếu áp dụng giá điện cao cho dự án này thì sẽ là tiền lệ để các dự án khác thực hiện theo. Khi đó, sức ép lên giá điện sẽ không nhỏ bởi EVN hay Nhà nước không thể đứng ra bù lỗ.

Mặt khác, câu chuyện sau khi chuyển giao trạm biến áp và đường dây cho EVNNPT quản lý cũng cần xem xét đến. Bởi giống như một con đường, trạm biến áp và đường dây truyền tải sau khi hoàn thành cần có chi phí bảo dưỡng, vận hành, quản lý. Chi phí này sau khi chuyển đường dây về cho EVNNPT quản lý thì ai sẽ là người chịu? EVNNPT hay Trung Nam cũng là vấn đề cần làm rõ trong quá trình nghiên cứu đề xuất của nhà đầu tư.

Một chuyên gia trong ngành điện chia sẻ mối băn khoăn khác. Đó là điện mặt trời có hiệu suất không cao, với thời gian phát điện cao nhất là 8 tiếng/ngày. Khi đó, đường dây truyền tải ấy cũng chỉ hoạt động vào ban ngày, còn ban đêm thì bỏ không, không sử dụng đến. Vì thế, việc tính toán hiệu quả của đường dây cũng là điều cần xem xét, tránh sự lãng phí trong đầu tư.

Rõ ràng, việc tư nhân tham gia đầu tư đường dây truyền tải là tín hiệu tốt, nhằm thu hút nguồn lực của xã hội. Nhưng với những điều phân tích ở trên, con đường để một doanh nghiệp tư nhân làm đường dây truyền tải không hề bằng phẳng. Để doanh nghiệp có lãi, Nhà nước giảm áp lực đầu tư, người dân không phải chịu giá điện cao là vấn đề rất khó để hài hòa khi quyết định việc tư nhân đầu tư đường dây truyền tải.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên