Làm đường, được đổi hơn 19 ha đất vàng
Dự kiến sau khi làm xong tuyến đường có mức đầu tư 128 tỉ này, nhà đầu tư được thanh toán bằng ba khu đất có tổng diện tích 19 ha tại TP Thanh Hóa.
- 01-03-2019Thực hư việc Dabaco bị thu hồi gần 10ha đất vàng TP Bắc Ninh
- 25-02-2019Thanh Hóa: Đổi 3 khu “đất vàng” lấy hơn 400m đường
- 23-02-2019Chuyển hồ sơ sang Bộ Công an về ‘đất vàng’ Đà Nẵng
Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình HĐND tỉnh này đề nghị quyết định chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến quốc lộ 47, TP Thanh Hóa . Dự án do Công ty Cổ phần Sông Mã (Thanh Hóa) đề xuất và được Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Thanh toán bằng quỹ đất
Dự án trên được thực hiện nhằm hoàn chỉnh tuyến đường đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến quốc lộ 47, tổng chiều dài khoảng 455 m. Đây là công trình giao thông cấp III với kết cấu mặt đường bê tông nhựa, tổng đầu tư hơn 128 tỉ đồng và do nhà đầu tư tự huy động 100% vốn.
Tỉnh Thanh Hóa cũng dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư ba khu đất phía Bắc đường Nguyễn Công Trứ, TP Thanh Hóa để thực hiện dự án đầu tư xây dựng các khu dân cư, tái định cư.
Tổng diện tích ba khu là 19,36 ha, gồm: khu đô thị Đông Sơn, diện tích 7,7 ha; khu tái định cư Quảng Thành, diện tích 11,54 ha; khu vực hai bên đường vành đai Đông Tây, diện tích 0,12 ha, thuộc phường Ngọc Trạo.
Theo UBND tỉnh, giá trị quỹ đất sẽ được xác định cụ thể tại thời điểm quyết định giao đất, cho thuê đất theo quy định. Việc thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Tuy nhiên, dư luận tại địa phương lo ngại liệu có sự ưu ái cho chủ đầu tư dự án này khi chỉ chi 128 tỉ đồng nhưng lại được giao tới hơn 19 ha đất nằm ở những vị trí thuận lợi trên địa bàn TP? Nhiều người cho rằng mức giá quy đổi đối với ba khu đất nêu trên được định giá với mức tạm tính hơn 600.000 đồng/m² là quá thấp. Trong khi thực tế ghi nhận thì những khu vực lân cận khu đất này đang được rao bán từ 5 triệu đồng/m² và cao nhất là trên 20 triệu đồng/m².
Điểm cuối đại lộ Đông Tây giao với quốc lộ 47 (đường Lê Lai), nơi triển khai dự án tuyến đường 455 m. Ảnh: Đ.TRUNG
“Không như nhiều người nghĩ”
Đó là khẳng định của Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Ngô Hoàng Kỳ, khi trao đổi với PLO.VN về vấn đề dư luận đang nghi vấn trên. “Sự việc không như nhiều người đang nghĩ là chỉ làm đoạn đường dài 455 m với tổng vốn hơn 128 tỉ đồng nhưng lại được đổi 19 ha đất có vị trí đắc địa để bán đấu giá. Tại đây, rất nhiều hộ dân đang sinh sống, vì thế tiền chi cho giải phóng mặt bằng rất lớn, còn lại tiền để thi công đoạn đường ít hơn nhiều” - ông Kỳ giải thích.
Theo ông Kỳ, sau khi thi công tuyến đường xong, nhà đầu tư được đổi lấy ba khu đất với diện tích hơn 19 ha. Số diện tích này không phải nhà đầu tư được bán đấu giá tất cả mà còn dùng để làm hạ tầng, làm đường, điện và các công trình phụ trợ khác. Hiện nay dự án vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị, chưa tiến hành tổ chức đấu thầu. Khi đấu thầu (gồm ba khu đất) thì giá đất sẽ được căn cứ giá đất thị trường tại thời điểm đấu thầu. Vì thế, nhiều người nghĩ chỉ làm đoạn đường khoảng 455 m mà được đổi ngang hơn 19 ha đất là chưa chính xác.
Trao đổi với PV, ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “UBND tỉnh chưa nhận được đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về dự án này. Với đoạn đường 455 m, tổng vốn dự kiến khoảng trên 128 tỉ đồng mới chỉ được HĐND tỉnh cho chủ trương để triển khai. Về nguyên tắc, khi duyệt dự án sẽ có những điều khoản quy định cụ thể nhưng hiện tại dự án này chưa được trình duyệt”.
Ông Tuấn thông tin thêm: Các cơ quan có thẩm quyền đã có văn bản tạm dừng việc dùng quỹ đất thanh toán cho dự án BT. Do đó, dự án này sẽ chưa được triển khai bây giờ. Đối với dự án này cần phải cân nhắc kỹ và phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, những gì dính dáng đến đất đai phải làm chặt chẽ.
Ông Tuấn lý giải: “Giả sử có duyệt mấy lô đất đó (để đổi lấy hạ tầng) thì cũng không có nghĩa lấy mấy lô đất đó dùng để thanh toán dự án đường mà phải căn cứ vào hợp đồng BT. Tức là khi nào chủ đầu tư làm xong công tác mặt bằng (tại vị trí đất đối ứng cho nhà đầu tư) thì mới tính giá trị đất. Điều này theo quy định của Luật Đất đai”.
Dự án đầu tư theo hình thức công-tư, hợp đồng BT
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, UBND tỉnh đã có Tờ trình số 153/Tr-UBND ngày 3-12-2018 để thông qua nghị quyết chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường đại lộ Đông Tây, đoạn từ sông Nhà Lê đến quốc lộ 47, thực hiện theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BT. Chiều dài đoạn đường 455 m với tổng vốn dự kiến khoảng trên 128.187 triệu đồng.
Dự kiến trong thời gian từ quý IV-2018 đến quý II-2019 là chuẩn bị dự án và từ quý II dự án được triển khai và hoàn thành vào ngày 30-4-2020.
"Khu tái định cư Quảng Thành (một trong ba khu đất tỉnh Thanh Hóa dự kiến thanh toán cho chủ đầu tư) có diện tích 11,5 ha theo quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 là một trong những khu tiềm năng nhất của tỉnh Thanh Hóa. Tới đây, khi nhà đầu tư vào thì giá thị trường dự kiến sẽ dao động khoảng từ 15 đến 20 triệu, thậm chí là có thể cao hơn sau làm hạ tầng, đường giao thông, khuôn viên…" - chuyên gia Hoàng Huy, Công ty Tư vấn dịch vụ thương mại Vạn Xuân, nhận định.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh