MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm đường sắt kết nối cảng cửa ngõ Hải Phòng tăng thông quan hàng hóa

Làm đường sắt kết nối cảng cửa ngõ Hải Phòng tăng thông quan hàng hóa

Hạn chế lớn nhất của các cảng biển Việt Nam hiện nay, trong đó có cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là hàng hóa chủ yếu lưu thông bằng đường bộ, thiếu kết nối đường sắt, nên hiệu suất khai thác hàng liên vận chưa cao.

Cảng biển giảm sức hút vì thiếu đường sắt

Dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhưng sản lượng hàng hóa thông qua năm 2021 của cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) vẫn tăng trưởng dương so với năm 2020. Theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, hạn chế lớn nhất của cảng Lạch Huyện hiện nay là hàng hóa chủ yếu lưu thông bằng đường bộ với con đường độc đạo là Tân Vũ - Lạch Huyện. Tỷ lệ hàng hóa kết nối bằng đường thủy nội địa dù tăng dần hàng năm, song vẫn còn khiêm tốn vì thiếu kết nối đường sắt.

Tương tự, cụm cảng cảng Cái Mép – Thị Vải cũng gặp không ít khó khăn về hạ tầng kết nối khi đường bộ đến cảng chỉ có đường độc đạo là Quốc lộ (QL)51 trong tình trạng thường xuyên ùn tắc và 85% hàng hóa từ cảng Cái Mép – Thị Vải phải lưu thông bằng đường thủy. Vì vậy, nếu không có tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải để san sẻ áp lực với đường bộ, hiệu suất khai thác bến cảng bị ảnh hưởng, khiến tàu phải chờ lâu, cụm cảng này sẽ dần mất đi sức hấp dẫn với các hãng tàu lớn.

Làm đường sắt kết nối cảng cửa ngõ Hải Phòng tăng thông quan hàng hóa - Ảnh 1.

Làm đường sắt kết nối cảng cửa ngõ Hải Phòng tăng thông quan hàng hóa.

 Theo ông Dương Hồng Anh, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Cục vừa trình Bộ GTVT danh mục các dự án mới kêu gọi đầu tư nước ngoài lĩnh vực đường sắt, trong đó có dự án đầu tư đường sắt vào cảng Lạch Huyện. Dự án này đang ở bước lập dự án để thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng do hạn chế khai thác bởi ảnh hưởng giao thông đô thị.

Dự án có điểm đầu là ga Dụ Nghĩa trên khu gian Dụ Nghĩa - Vật Cách, tuyến đường sắt Gia Lâm - Hải Phòng, điểm cuối là ga Tiền Cảng (ga phân loại) với hướng tuyến cải tạo ga Dụ Nghĩa (ga nối ray) và mở mới ga Nam Hải Phòng (ga lập tàu). Từ ga Dụ Nghĩa tuyến đường vượt qua sông Lạch Tray theo hướng xuống phía Nam TP Hải Phòng tới ga Nam Hải Phòng (khu vực xã Minh Tân), tới bán đảo Đình Vũ, qua cầu Tân Vũ đến ga Đình Vũ. Từ ga Đình Vũ, tuyến song song với đường bộ qua cửa Nam Triệu đến ga phân loại. Từ ga phân loại, tuyến rẽ phải chạy dọc cầu tàu để cập bến trong cảng Lạch Huyện.

Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 32.600 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.

Ưu tiên vốn đầu tư đường sắt kết nối cảng biển Hải Phòng

Quy hoạch mạng lưới đường sắt của Bộ GTVT đề xuất ưu tiên vốn đầu tư đường sắt kết nối khu vực cảng Hải Phòng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển các tuyến đường sắt kết nối cảng biển, nhằm thúc đẩy vận tải hàng hóa, trong đó, TP Hải Phòng là trung tâm đầu mối cảng biển phía Bắc.

Cụ thể, đến năm 2030, nghiên cứu, triển khai, xây dựng tuyến đường sắt mới nối Hà Nội với TP Hải Phòng theo hướng tuyến song song với tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (đến ga Nam Hải Phòng) để kết nối cảng biển cửa ngõ quốc tế Hải Phòng với các khu bến cảng Đình Vũ, Nam Đồ Sơn và Lạch Huyện. Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng đoạn đường sắt nối từ khu vực ga Mạo Khê (tuyến Yên Viên - Hạ Long - Cái Lân) qua khu vực ga Dụ Nghĩa (trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng hiện tại) đến ga Nam Hải Phòng.

Về nguồn vốn đầu tư, quy hoạch trên đề xuất ưu tiên bố trí vốn ngân sách Trung ương để triển khai đầu tư các dự án đường sắt kết nối cảng biển khu vực Hải Phòng giai đoạn 2021-2030, gồm: Hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - cảng Cái Lân, nâng cấp, cải tạo đoạn Yên Viên - Lim, đoạn Phả Lại - Hạ Long, với nhu cầu vốn dự kiến 6.000 tỷ đồng; xây dựng đường sắt kết nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - cảng Cái Lân (đoạn Mạo Khê - Dụ Nghĩa - Nam Hải Phòng và đoạn Nam Hải Phòng nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ), với nhu cầu vốn dự kiến 48.400 tỷ đồng.

Theo quy hoạch trên, các ga kết nối cảng biển gồm: Ga Hùng Vương (mới), ga Nam Hải Phòng (mới), ga Nam Đình Vũ (mới), ga Đình Vũ (mới) và ga tiền cảng Lạch Huyện. Ngoài ra, quy hoạch nhánh đường sắt tiềm năng từ ga Nam Hải Phòng (ga mới) đến khu vực cảng Nam Đồ Sơn. Giai đoạn khai thác tuyến đường sắt mới khổ tiêu chuẩn 1.435 mm Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Lạch Huyện, tuyến mới sẽ kết nối với dự án nhánh nối Hải Phòng - cảng cửa ngõ Lạch Huyện tại ga Nam Hải Phòng.

Ngoài ra, quy hoạch đường sắt cũng đề xuất di dời cảng Hoàng Diệu, chuyển đổi công năng bến cảng Chùa Vẽ để tiếp nhận một phần hàng hóa bến cảng Hoàng Diệu, phần còn lại phân bố về các cảng tổng hợp, container hiện hữu trên sông Cấm, bao gồm cả cảng Vật Cách; đồng thời, xây dựng tuyến mới vào cảng cửa ngõ quốc tế, kết nối từ ga Hùng Vương đến cụm cảng Đình Vũ và Lạch Huyện. Giai đoạn sau khi hoàn thành và khai thác tuyến đường sắt mới từ Hùng Vương đến Đình Vũ, Lạch Huyện, các đoạn tuyến từ ga Hải Phòng ra các cảng hiện tại sẽ chuyển giao cho địa phương sử dụng thành đường sắt đô thị.

Theo Đăng Sơn

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên