Làm gì để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,48%?
Xây dựng hành lang pháp lý minh bạch; cải thiện môi trường kinh doanh; có chính sách điều hành linh hoạt về xuất nhập khẩu, tỉ giá, bảo vệ môi trường là những việc cần làm trong năm 2020
Ngày 16-1, tại tọa đàm công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2019 do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức, nhóm nghiên cứu của VEPR đã phân tích, dự báo về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát năm 2020 của Việt Nam.
Cần nhiều nỗ lực
Dẫn lại Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,8%, nhóm chuyên gia của VEPR cho rằng có thể đạt được nhưng cần nhiều nỗ lực.
PGS-TS Phạm Thế Anh, chuyên gia kinh tế trưởng của VEPR, dự báo quý I/2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam là 6,33%; quý II: 6,27%; quý III: 6,58%; quý IV: 6,64% và cả năm là 6,48%. Tương tự, tỉ lệ lạm phát ở các mức 4,88%; 4,49%; 4,13% và 4,04%.
Theo các chuyên gia, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6,48% nhưng phải nỗ lực nhiều Ảnh: MINH CHIẾN
Năm 2020, hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế kỳ vọng sẽ khởi sắc sau việc ký kết các hiệp định thương mại tự do như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Tuy nhiên, theo VEPR, Việt Nam cần thận trọng trong quan hệ thương mại quốc tế. Dù kết quả tăng trưởng 7,02% trong năm 2019 có sự đóng góp của việc cải thiện môi trường kinh doanh nhưng chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng công cuộc này cần triển khai quyết liệt và thực chất hơn nữa.
Bên cạnh đó, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2020, Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý minh bạch và cụ thể, theo kịp tốc độ phát triển của kinh tế để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh.
Tăng trưởng gắn với bảo vệ môi trường
PGS-TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, lưu ý việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế. Dẫn ra việc Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ông Thành cảnh báo: "Mỹ là đối tác rất tinh khôn và cứng rắn trong thương mại quốc tế, Việt Nam nên thận trọng để không trở thành sân sau của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ". Ông lấy ví dụ việc thép bị đánh thuế đến hơn 400% trong năm 2019 vừa qua đặt ra các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam.
Từ bức tranh kinh tế năm 2019, nhóm chuyên gia của VEPR cũng cho rằng vấn đề tăng trưởng bền vững gắn với môi trường cần quan tâm hơn nhiều, đặc biệt là tại các TP lớn như Hà Nội và TP HCM.
Dẫn chứng tình trạng ô nhiễm không khí ở 2 TP này thời gian gần đây, VEPR cho rằng đây không đơn thuần là các con số về môi trường mà còn phản ánh Việt Nam đang thiếu các chính sách, chiến lược, cơ chế để ứng phó trong bối cảnh nền kinh tế phát triển nhanh.
Chủ động tránh cáo buộc thao túng tiền tệ
Liên quan đến việc Việt Nam là 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Mỹ, chuyên gia Võ Trí Thành cho rằng cùng với lượng dự trữ ngoại hối tăng tới hơn 71 tỉ USD, Việt Nam có nguy cơ bị Mỹ cáo buộc thao túng tiền tệ. Ông Thành khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc lên danh sách các quốc gia cần giám sát về thao túng tiền tệ của Mỹ mang nặng tính chính trị nên Việt Nam cần chủ động để tránh tình trạng rơi vào "thao túng kỹ thuật". "Nếu cần điều chỉnh tỉ giá thì điều chỉnh, cần mua ngoại tệ thì mua ngoại tệ, còn thặng dư hơn nữa thì vẫn phải làm để giữ ổn định kinh tế vĩ mô" - ông Hiếu nhấn mạnh.
TS Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng BIDV cũng vừa có báo cáo về động thái Mỹ tiếp tục đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước cần theo dõi thao túng tiền tệ và đưa ra một số khuyến nghị đối với Chính phủ, bộ, ngành.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Cấn Văn Lực nhận định thời gian qua, việc Việt Nam chủ động chuẩn bị nội dung trao đổi thông tin, giải trình với phía Mỹ cùng với một số động thái cụ thể như tăng mua hàng hóa của Mỹ đã mang lại những kết quả tích cực.
Dù vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan chú trọng minh bạch hóa các dữ liệu liên quan tới dự trữ ngoại hối, các động thái can thiệp thị trường và cán cân thương mại (như phía Mỹ đề nghị trong báo cáo tháng 1-2020).
"Việt Nam cần tăng cường có hành động cụ thể, nhất là cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ. Trong năm 2020, Việt Nam cần kiên định điều hành chính sách tỉ giá theo hướng tiếp tục chủ động, linh hoạt, hạn chế can thiệp trực tiếp, một chiều và liên tục vào thị trường ngoại hối nhằm tránh kịch bản bất lợi..." - TS Cấn Văn Lực đề xuất.
Người lao động