MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để người lao động không xem việc rút BHXH là chuyện đương nhiên?

Xem xét "chốt đơn" việc rút BHXH một lần ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia BHXH mới với các nguyên tắc đóng - hưởng rõ ràng, minh bạch để hướng người lao động đến chính sách an sinh lâu dài là chế độ hưu trí

Sau khi được đưa ra thảo luật tại Quốc hội vào ngày 23-11, nội dung về phương án rút BHXH một lần tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) hiện vẫn nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động, cán bộ Công đoàn cũng như các chuyên gia lao động.

Tại tờ trình của Chính phủ, ban soạn thảo đưa ra 2 phương án giải quyết BHXH một lần. Phương án 1: người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật này có hiệu lực, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm thì được rút BHXH một lần. Phương án 2: người lao động chỉ được giải quyết không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, phần còn lại bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Làm gì để người lao động không xem việc rút BHXH là chuyện đương nhiên? - Ảnh 1.

Người lao động xếp hàng làm thủ tục hưởng BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM

Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Cơ Khí Xây dựng Thương mại Đại Dũng (KCN An Hạ, huyện Bình Chánh, TP HCM), cho rằng phương án 1 khả thi và phù hợp với nguyện vọng, đảm bảo quyền lợi người lao động khi tham gia BHXH. Nếu phương án 2 được thông qua thì sẽ có nguy cơ người lao động ồ ạt nghỉ việc để rút BHXH một lần trước khi Luật BHXH mới có hiệu lực. Điều này không chỉ khiến chính sách BHXH một lần không đạt được mục tiêu đảm bảo an sinh đề ra đồng thời còn gây bất lợi cho doanh nghiệp do biến động lao động. "Phương án 1 cũng không hẳn tối ưu khi người lao động tham gia BHXH sau khi luật BHXH mới có hiệu lực bị hạn chế quyền hưởng BHXH một lần. Tôi cho rằng người lao động sẽ hiểu rõ nhu cầu của bản thân nhất nên hãy để họ lựa chọn việc rút hay không rút BHXH một lần. Việc của những người làm chính sách là làm sao xây dựng được chính sách BHXH, nhất là chế độ hưu trí hấp dẫn để người lao động thay đổi sự chọn lựa, không xem việc rút BHXH một lần là ưu tiên hàng đầu"- ông Hùng nói.

  • Rút BHXH một lần: Rút 46% hay 50#phantram thì bao giờ người lao động được rút số tiền còn lại?

Theo Luật sư Phan Thị Lan, Đoàn Luật sư TP HCM, ngoài để giải quyết các vấn đề cấp bách của cuộc sống thì lý do mà người lao động chọn rút BHXH một lần là vì việc làm không được bảo hộ. Ở độ tuổi trên 40, người lao động đã đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm nhưng khó có cơ hội tiếp cận việc làm mới, bền vững để tham gia BHXH lâu dài. Trong khi đó tuổi nghỉ hưu cao, thời gian chờ đợi lâu nhưng tiền lương hưu nhận được khá ít ỏi do số năm đóng BHXH ngắn, dẫn đến người lao động quyết định rút BHXH một lần. Theo bà Lan, để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần thì nhà nước cần cải cách cách tính lương hưu và xem xét lại độ tuổi nghỉ hưu để hấp dẫn người lao động. Đồng thời, có giải pháp bảo hộ việc làm cho người lao động lớn tuổi cũng như có chính sách khuyến khích DN sử dụng lao động lớn tuổi để người lao động duy trì được nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, không phải trông cậy vào khoản BHXH một lần.

Làm gì để người lao động không xem việc rút BHXH là chuyện đương nhiên? - Ảnh 3.

Người lao động nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần tại BHXH TP Thủ Đức, TP HCM

TS Đinh Thị Chiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, cho rằng phương án 1 sẽ tốt hơn cho giải pháp BHXH một lần vì chấm dứt triệt để việc rút BHXH một lần đối với những người tham gia BHXH sau khi Luật BHXH mới có hiệu lực. Tuy nhiên, khi chọn phương án 1, tình trạng rút BHXH một lần vẫn có thể diễn ra đối với nhóm lao động đang tham gia BHXH hiện tại. Để hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, bà Chiến cho rằng cần nghiên cứu quy định theo hướng giảm mức hưởng BHXH một lần khi người lao động rút ở thời điểm chưa đến tuổi nghỉ hưu và tăng mức hưởng khi rút ở thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Đồng thời, xem xét việc đánh thuế thu nhập đối với khoản BHXH một lần mà người lao động rút ra khi chưa đến tuổi nghỉ hưu. "Quy định này là phù hợp bởi lẽ tương lai khi người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hàng tháng. Khoản trợ cấp này do ngân sách nhà nước chi trả nên khi rút BHXH một lần người lao động phải có trách nhiệm đóng thuế cho nhà nước"- bà Chiến phân tích. Bên cạnh đó, bà Chiến cũng đề xuất nghiên cứu rút thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng xuống thấp hơn với thời gian hưởng hàng tháng ít hơn. Ví dụ người lao động đóng BHXH từ 10 năm đến dưới 15 năm thì được hưởng lương hưu từ khi đủ tuổi nghỉ hưu cho đến khi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

  • Ngăn “làn sóng” rút BHXH một lần: Qua ngưỡng 40 đã lo mất việc

Theo PGS-TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), hiện có một thực tế là khoảng cách giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của người lao động khá lớn. Trong khi đó, để tiếp cận được lương hưu, người lao động phải đáp ứng hai điều kiện là đủ năm đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, đây là thách thức không dễ vượt qua, đặc biệt trong bối cảnh người lao động gặp khó khăn trong việc ổn định việc làm, thu nhập như hiện nay. Trước thực trạng này, để hướng người lao động đến chế độ hưu trí, theo ông Lộc, cách duy nhất là "chốt đơn" việc rút BHXH một lần ở thời điểm này và bắt đầu xây dựng một thế hệ tham gia mới với các nguyên tắc đóng - hưởng rõ ràng, minh bạch. Những người sắp bước vào thị trường lao động phải hiểu tham gia BHXH là bắt buộc nhằm đảm bảo lương hưu và các chính sách khi họ hết tuổi lao động. Những người đã tham gia BHXH từ giai đoạn này về trước có thể chọn rút một lần hoặc tiếp tục ở lại theo nguyên tắc tự quyết và tự chịu trách nhiệm. Cách làm này cũng sẽ giữ được nguyên tắc công bằng của chính sách BHXH. Ông Lộc cũng cho rằng khi giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách BHXH thì không chỉ bó hẹp trong phạm vi nguyên tắc đóng - hưởng, mà cần thêm các giải pháp thúc đẩy, đảm bảo thị trường lao động, tỉ lệ thất nghiệp thấp, người lao động an tâm làm việc… Từ đó, các chính sách khác sẽ dễ dàng triển khai, hạn chế tình trạng người lao động quyết nhận "1 cục".

Theo Nhóm PV

NLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên