Làm gì để tránh mắc bẫy tín dụng đen dịp Tết?
Tình trạng tín dụng đen núp bóng dưới những lời mời mọc cho vay với lãi suất hấp dẫn, giải ngân nhanh đang tăng cao dịp cận Tết. Làm sao để tránh rơi vào "bẫy"?
- 25-01-2022Bị lừa khi “vay vốn nhanh” qua Facebook
- 22-01-2022Ổn định lãi suất vay mua nhà
- 18-01-2022Tạm giữ hình sự đối tượng cho hơn 500 người vay lãi suất "cắt cổ"
Chỉ còn 3 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu vay tiền tiêu dùng dịp Tết cũng tăng cao. Trên các mạng xã hội, các diễn đàn cũng như các ứng dụng trên thiết bị di động xuất hiện rất nhiều các quảng cáo về việc cho vay với các điều kiện hấp dẫn. Thế nhưng, đằng sau những lời mời mọc hấp dẫn đó lại có thể là những cái bẫy tín dụng đen mà người vay khó có thể dứt ra được.
Tín dụng đen có thể núp bóng dưới rất nhiều hình thức ví dụ như các lời mời mọc, cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng, không cần xác minh nhân thân,… Gần đây nhiều các "app tài chính" với danh nghĩa là hỗ trợ cho vay tài chính nhưng theo các luật sư, thực sự đằng sau đó là tín dụng đen trá hình.
Các luật sư đưa ra những gợi ý giúp người dân có thể tránh được bẫy tín dụng đen.
Thứ nhất: Xác định rõ bên cho vay
Việc xác định bên cho vay sẽ giúp giảm thiểu được khả năng sa bẫy tín dụng đen. Người muốn vay tiền cần tìm hiểu kỹ thông tin về số điện thoại, các thông tin về đăng ký doanh nghiệp. Tuyệt đối không vay tại các nguồn không rõ uy tín, không được pháp luật bảo hộ.
Thứ hai: Đọc kỹ hợp đồng cho vay
Phải đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng cho vay, đặc biệt là mục lãi suất. Theo luật sư Phan Văn Tú, mức lãi suất trong cho vay dân sự là do các bên tự thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm. Khi mức lãi suất cho vay vượt quá 5 lần mức lãi suất theo quy định, hoạt động cho vay sẽ được xem là cho vay nặng lãi.
Thứ ba: Lưu giữ các chứng từ cho vay
Người vay cần lưu giữ lại các chứng từ cho vay. Đây chính là những tài liệu giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bạn nếu trong quá trình cho vay phát sinh tranh chấp hoặc nếu bạn lỡ sa bẫy tín dụng đen.
Thứ tư: Trình báo với cơ quan chức năng nếu phát sinh tranh chấp hoặc sa bẫy tín dụng đen
Nếu như phát sinh tranh chấp và sa bẫy tín dụng đen, người vay nên đến cơ quan chức năng trình báo. Cụ thể ở đây là cơ quan công an xã, phường địa phương đang cư trú. Trong đó, bạn phải chuẩn bị đơn tố cáo, bằng chứng và chứng cứ về việc các đối tượng trên đã cho bạn vay với hình thức cho vay lãi nặng.