MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát của Việt Nam đang cao hay thấp so với các nước láng giềng Đông Nam Á?

Ảnh: Linh Pham/Bloomberg

Ảnh: Linh Pham/Bloomberg

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, lạm phát tại Việt Nam chưa phải là vấn đề quá nóng như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do vậy Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để làm sao mức tăng CPI dao động dưới 4% đúng mục tiêu đề ra.

Theo Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 6/2022 của Việt Nam tăng 3,37%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Các nhóm hàng tăng giá:

– Nhóm giao thông tháng 6/2022 tăng cao nhất với 21,41% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 2,07 điểm phần trăm, trong đó giá xăng dầu tăng 61,62% do giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít.

– Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,22% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

– Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 3,4% do giá tour và khách sạn, nhà hàng tăng khi nhu cầu du lịch trong nước đang khôi phục trở lại.

– Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,53% do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng.

– Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,27%, chủ yếu do dịch Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng 4,48%; giá lương thực tăng 2,87%.

– Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng Sáu tăng 1,49% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,99%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,37%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,21%.

Các nhóm hàng giảm giá:

– Nhóm giáo dục tháng 6/2022 giảm 2,13% so với cùng kỳ năm trước do từ học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí trong đại dịch.

– Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,5% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, lạm phát tại Việt Nam chưa phải là vấn đề quá nóng như các nước châu Âu hay Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nguy cơ và sức ép là hiện hữu, do vậy Việt Nam phải hết sức thận trọng trong việc điều hành giá cả để làm sao mức tăng CPI dao động dưới 4% đúng mục tiêu đề ra.

Malaysia

Malaysia hiện đang quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất Đông Nam Á khi chỉ tăng lên 2,8% vào tháng 5. Song, con số này vẫn vượt mức dự báo 0,2% và là mức cao nhất kể từ đầu năm.

Theo Bộ trưởng Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Annuar Musa, Trưởng ban đặc nhiệm chống lạm phát, tỷ lệ lạm phát của Malaysia vẫn nằm trong số nước thấp nhất trên thế giới do Chính phủ Malaysia đã thực thi các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa và nhu yếu phẩm, đồng thời chính phủ cam kết tiếp tục duy trì ổn định giá tiêu dùng vì đời sống của người dân.

Indonesia

Theo cơ quan thống kê Indonesia - Statistics Indonesia (BPS), CPI tháng 6 của quốc gia này tăng 4,35% so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn dự báo của ngân hàng trung ương và một số chuyên gia kinh tế. Chi phí lương thực, đồ uống và thuốc lá tiếp tục là những động lực chính thúc đẩy lạm phát khi đóng góp tới 0,47% trong mức tăng 0,61% so với tháng trước đó.

Singapore

Singapore chưa công bố kết quả lạm phát trong tháng 6. Nhưng giá tiêu dùng tại quốc gia này đã tăng lên mức cao nhất trong 13 năm trở lại đây vào tháng 5/2022. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng với các yếu tố khác, đã đẩy lạm phát cơ bản của tháng 5 lên 3,6% - mức cao nhất mà Singapore từng phải đối mặt kể từ tháng 12/2008, khi lạm phát chạm mức 4,2%.

Philippines

Philippines cũng chưa công bố kết quả lạm phát tháng 6/2022. Nhưng Philippines cũng được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng lạm phát nhanh nhất Đông Nam Á.

Giá năng lượng tăng cao kéo theo giá lương thực, đẩy lạm phát của Philippines trong tháng 5 lên 5,4%, mức cao nhất trong 42 tháng qua.

Giá thực phẩm và đồ uống không cồn trong tháng 5 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng lạm phát thực phẩm đã tăng tốc lên 5,2 % từ mức 4 % của tháng 4, do giá cá, thịt, cũng như rau tăng nhanh hơn. Chi phí vận tải cũng tăng 14,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệu ứng lạm phát được cho là tiếp tục gia tăng nếu những cú sốc về nguồn cung kéo dài.

Campuchia

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, tỷ lệ lạm phát bình quân trong quý I năm 2022 của quốc gia này là 5,9%. Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 7 năm qua tại nước này.

Thái Lan

Theo Bloomberg, lạm phát của Thái Lan đã tăng tốc trong tháng 6 lên mức cao nhất trong 14 năm trở lại đây. CPI tháng 6 tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước.

Chống lạm phát trở thành một nhiệm vụ cấp bách vì giá cả leo thang khiến nhiều người Thái Lan có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo, nhất là khi giá lương thực-thực phẩm và năng lượng tăng liên tục vì ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine.

Lào

Theo Vientiane Times, tỷ lệ lạm phát tại Lào trong tháng 6/2022 đã tăng 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất từng được ghi nhận trong 22 năm qua.

Cục Thống kê Lào cho biết, giá nhiên liệu, khí đốt và các mặt hàng nhập khẩu khác tăng vọt cùng việc đồng kip giảm giá là một trong những yếu tố chính thúc đẩy lạm phát. Chỉ số giá tiêu dùng tăng mạnh vượt cả mức trần 12% do Chính phủ Lào đặt ra.

Theo Cục Thống kê Lào , mức tăng giá tiêu dùng cao nhất trong tháng 6/2022 được ghi nhận trong lĩnh vực truyền thông và vận tải, lên tới 55,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng gia dụng tăng 22,3%, nhóm hàng hóa và dịch vụ tăng 29,7%, khách sạn và nhà hàng tăng 20,7%, và nhóm nhà ở, nước, điện và khí đốt tăng 20%. Giá thực phẩm, gia vị, đồ uống không cồn, quần áo, giày dép, thuốc men, thiết bị xây dựng, xe cộ, phụ tùng và các mặt hàng nhập khẩu khác đều tăng mạnh.

https://cafef.vn/lam-phat-cua-viet-nam-dang-cao-hay-thap-so-voi-cac-nuoc-lang-gieng-dong-nam-a-20220705160059946.chn

Thái Quỳnh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên