MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát được kiểm soát tốt

Tính đến hết tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng trên 3,1%. Với kết quả này, Việt Nam thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát tại châu Á.

Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 mới đây nhận định: Chỉ số giá tiêu dùng cả năm nay ước chỉ tăng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%.

Nhóm hàng lương thực, thực phẩm chiếm khoảng 1/4 chi tiêu tiêu dùng của người dân. Đây cũng là nhóm hàng có tác động lớn tới chỉ số giá tiêu dùng. Nguồn cung dồi dào, giá bán ổn định nên những người nội trợ cũng yên tâm khi mua sắm.

Với các doanh nghiệp, chính sách hỗ trợ như giảm 2% thuế giá trị gia tăng đã góp phần giúp doanh nghiệp giảm chi phí ngay từ đầu vào, qua đó giảm giá thành sản phẩm để kích cầu tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập Đoàn Central Retail Việt Nam, cho biết: "Giá rất tốt, giảm khoảng 25% so với thị trường. Chúng tôi mong mỏi người tiêu dùng có thể ủng hộ, mua sắm nhộn nhịp hơn".

Lạm phát được kiểm soát tốt - Ảnh 1.

Chỉ số giá nhóm xăng dầu và gas trong nước 9 tháng qua giảm 10- 15%, tác động lớn đến việc kéo giảm chỉ số CPI chung. Những dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế cũng được điều hành thận trọng.

Ông Frederic Neumann, Giám đốc Khối Nghiên cứu kinh tế châu Á, Ngân hàng HSBC, nhận định: "Chúng tôi dự báo lạm phát bình quân của Việt Nam cả năm nay là 3,4%. Thời gian qua Việt Nam triển khai giảm kịp thời thuế giá trị gia tăng và thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Bên cạnh đó, nỗ lực đảm bảo nguồn cung trong nước dồi dào và kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu đã giúp thị trường không có biến động bất thường".

Dù vậy việc giá xăng dầu thế giới liên tục leo thang những ngày gần đây cần được theo dõi sát bởi theo Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam, giá xăng dầu tăng 10% có thể làm cho chỉ số CPI của Việt Nam tăng 0,36 điểm phần trăm.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, cho biết: "Giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng tới lạm phát bởi chi phí xăng dầu hiện chiếm khoảng 3,5% tổng chi phí sản xuất của nền kinh tế… Trước các biến động mới của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là diễn biến giá xăng dầu có thể còn dư địa tăng cao, nhiệm vụ kiểm soát giá cả trong nước sẽ cần đặc biệt chú ý hơn để bảo vệ thành quả đã đạt được trong 9 tháng đầu năm nay".

Kiểm soát tốt nhưng không chủ quan với lạm phát. Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành cần đánh giá kỹ, khách quan về bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước, từ đó có phản ứng chính sách kịp thời, chính xác. Chủ động, ổn định thị trường cung cầu, giá cả hàng hoá, nhất là với hàng hoá thiết yếu từ nay tới Tết Nguyên đán.

Theo Ban thời sự

VTV

Trở lên trên