MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát hơn 20%, đồng nội tệ lao dốc không phanh, TTCK của một quốc gia bất ngờ ngừng giao dịch

18-12-2021 - 08:55 AM | Tài chính quốc tế

Lạm phát hơn 20%, đồng nội tệ lao dốc không phanh, TTCK của một quốc gia bất ngờ ngừng giao dịch

Hôm 17/12, sàn chứng khoán chính của Thổ Nhĩ Kỳ đã ngừng giao dịch sau cuộc khủng hoảng tiền tệ của quốc gia này. Đồng lira lao dốc mạnh đã ảnh hưởng lớn đến trái phiếu và lan sang cả thị trường chứng khoán.

Sở giao dịch chứng khoán Borsa Istanbul thông báo hoạt động giao dịch bị tạm dừng khi chỉ số chính Bist 100 giảm 5%. Sau khi giao dịch trở lại, chỉ số này tiếp tục giảm 8%. Đợt bán tháo diễn ra khi đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm thêm 7% xuống mức thấp nhất mọi thời đại là thấp hơn 17 lần so với đồng USD. Trước đó 1 ngày, NHTW nước này tiếp tục hạ lãi suất bất chấp tỷ lệ lạm phát đã lên đến hơn 20%.

Cho đến nay, trong 1 năm sau khi chứng kiến một loạt đợt hạ lãi suất, đồng lira đã giảm 1 nửa giá trị. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có quan điểm đi ngược lại với những chính sách kinh tế thông thường rằng lãi suất cao sẽ giúp kiềm chế lạm phát, ông tiếp tục kiểm soát chặt chẽ quyết định của NHTW.

Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm gần 1 nửa giá trị so với đồng USD trong năm nay và lạm phát tại quốc gia này cũng đang tăng vọt. Vấn đề chính của những rắc rối mà Thổ Nhĩ Kỳ đang gặp phải là chính sách kinh tế "không giống ai" mà ông Erdogan áp dụng trong nhiều năm. Ông lập luận rằng lãi suất cao sẽ đẩy lạm phát tăng cao và lãi suất thấp sẽ khiến lạm phát giảm. Điều này hoàn toàn trái ngược với những bước đi mà các nền kinh tế trên thế giới thực hiện để ứng phó với tác động của đại dịch. 

Lạm phát hơn 20%, đồng nội tệ lao dốc không phanh, TTCK của một quốc gia bất ngờ ngừng giao dịch - Ảnh 1.

Timothy Ash - chuyên gia đến từ BlueBay Asset Management, nhận định: "NHTW Thổ Nhĩ Kỳ đã mất hoàn toàn quyền kiểm soát."

Sàn giao dịch chứng khoán nước này cũng cho biết họ đã tạm dừng các giao dịch repo trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ khi đà giảm kéo dài trong thời gian gần đây. Lợi suất trái phiếu Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng 0,3 điểm phần trăm vào hôm thứ Sáu lên 21,5%.

Thị trường chứng khoán Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay phần lớn vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều trước diễn biến hỗn loạn của đồng tiền tệ. Nhà đầu tư đặt cược rằng đồng lira yếu hơn sẽ tạo lợi thế xuất khẩu cho quốc gia này. Ngay cả khi giảm điểm hôm thứ Sáu, chỉ số Bist 100 vẫn tăng 40% trong năm nay (tính theo đồng nội tệ). Trong khi đó, tính theo đồng USD, chỉ số này giảm 35%.

Tuy nhiên, sự lao dốc nhanh chóng của đồng lira có thể làm dấy lên về "sức khoẻ" tài chính của các công ty đã đi vay bằng ngoại tệ. Theo Ash, nhiều khả năng, người gửi tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể bắt đầu rút tiền mặt ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Ông nói thêm: "Diễn biến của đồng lira quá cực đoan. Mọi người đang lo lắng rằng chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến thời điểm các con nợ sẽ gặp vấn đề lớn."

NHTW Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục can thiệp vào thị trường nhằm nỗ lực hỗ trợ đồng lira bằng cách bán ngoại tệ vào hôm thứ Sáu. Ngày càng nhiều dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ của họ khiến các doanh nghiệp trong nước không hài lòng.

Erdal Bahcivan - trưởng Phòng Công nghiệp Istanbul, cho biết trong bài đăng trên Twitter: "Chúng tôi rất ngạc nhiên khi chứng khiến NHTW hạ lãi suất vào ngày hôm qua, khiến thị trường giao dịch ngoại hối tích cực vào ngày hôm nay."

Hôm thứ Năm, ông Erdogan thông báo tăng 50% lương tối thiểu nhằm bảo vệ người lao động trước tác động của việc giá cả tăng nhanh. Đây là một động thái mà các nhà kinh tế cảnh báo sẽ tiếp tục thúc đẩy lạm phát.

Quan điểm của ông Erdogan cũng đi khác hoàn toàn so với hầu hết những gì các NHTW ở thị trường mới nổi thực hiện trong năm nay. Những quốc gia như Nga, Mexico hay Brazil đều nâng lãi suất để chống lạm phát và tránh tác động từ việc đồng USD mạnh hơn - khiến các khoản nợ bằng ngoại tệ khó thanh toán hơn. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải gần như mọi quan chức kinh tế phản đối quan điểm của ông. Hiện tại, rất ít dấu hiệu cho thấy ông sẽ thay đổi quyết định. 

Tham khảo Financial Times

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên