MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lạm phát năm 2019: Liệu có trong tầm kiểm soát?

Chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) năm 2019 được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và cho rằng sức ép lạm phát ngày càng lớn.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, trong đó đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm 2019 vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát . Điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường và yêu cầu quản lý; điều chỉnh giá dịch vụ công cần theo lộ trình phù hợp, tránh gây ra những tác động bất lợi đến chỉ số giá tiêu dùng.

Lạm phát năm 2019: Liệu có trong tầm kiểm soát? - Ảnh 1.

quốc hội "chốt" chỉ tiêu CPI năm 2019 khoảng 4%. (Ảnh minh họa)


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đây là chỉ tiêu được nhiều đại biểu quan tâm. Một số ý kiến đề nghị quyết định chỉ tiêu CPI ở mức cụ thể là "dưới 4%", có ý kiến đề nghị "dưới 4,1%", chứ không ghi là "khoảng 4%".Chỉ tiêu CPI khoảng 4% là phù hợp?

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, chỉ tiêu CPI khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.

Lạm phát năm 2019: Liệu có trong tầm kiểm soát? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện củaQuốc hội

Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện của Quốc hội đánh giá, việc chỉ số giá tiêu dùng CPI dự kiến cả năm 2018 tăng dưới 4%, thấp hơn mục tiêu mà Quốc hội giao. Điều này thể hiện sự nỗ lực rất cao của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế.

Tuy nhiên, bà Hải cũng lưu ý, qua báo cáo của Chính phủ, để có thể kiểm soát được chỉ số CPI thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp rất tích cực và quyết liệt, trong đó có cả giải pháp mang tính hành chính như là quản tăng giá điện, thuế môi trường thông qua xăng dầu và các giá dịch vụ khác.

Theo bà Hải, có 2 mặt của một vấn đề cần quan tâm là: Ngân sách nhà nước năm nay ít nhiều cũng bị ảnh hưởng trong cân đối thu chi trong thời gian còn lại của năm 2018 và áp lực này sẽ dồn đẩy sang năm 2019 trong việc điều hành thực hiện kiềm chế lạm phát. Do đó, Chính phủ cần phải có kế hoạch thật tốt cho việc thực hiện kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng và kiềm chế lạm phát trong năm 2019.

Mục tiêu khoảng 4% có vẻ "mơ hồ"?

Đề cập vấn đề lạm phát, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho rằng: Trong khi lạc quan về tăng trưởng, Chính phủ có vẻ "thiếu tự tin" đối với mục tiêu kiềm chế lạm phát.

Ông Lộc phân tích: Trong ba năm qua, đặc biệt là năm 2018, Việt Nam vẫn luôn giữ được lạm phát ở mức dưới 4%, bất chấp những biến động mạnh về giá dầu, giá thực phẩm, về tỷ giá diễn ra đồng thời. Lạm phát thấp đã và đang tạo điều kiện cho việc ổn định giá cả, ổn định lãi suất, thúc đẩy tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn. "Vậy, tại sao chúng ta lại không tiếp tục kiên định mục tiêu, kiềm chế lạm phát dưới 4%?" - ông Lộc đặt vấn đề.

Lạm phát năm 2019: Liệu có trong tầm kiểm soát? - Ảnh 3.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

Chủ tịch VCCI băn khoăn: Tới đây Quốc hội sẽ đánh giá việc hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào? Nếu lạm phát là 4,1%, 4,2% thì có thể chấp nhận được nhưng nếu 4,3%, 4,4% hay 4,5% thì có thể coi là hoàn thành nhiệm vụ được không?

Ông Vũ Tiến Lộc đánh giá, việc chuyển từ mục tiêu cứng rõ ràng "dưới 4%" sang một mục tiêu mềm có phần mơ hồ hơn, "khoảng 4%" là một bước lùi trong hoạch định chính sách và hậu quả sẽ khó lường. Bởi khi Chính phủ không bị ràng buộc bằng một mục tiêu kiềm chế lạm phát cứng thì sự quyết liệt trong việc thực hiện sẽ giảm đi nhiều, các bộ, ngành sẽ không còn phải cân nhắc nhiều khi đưa ra những đề xuất tăng giá, phá giá, điều chỉnh giá hay đưa ra các sắc thuế mới.

Nếu Chính phủ bằng lòng với mục tiêu lạm phát trên 4% thì người dân có quyền đặt câu hỏi liệu trong tương lai mục tiêu lạm phát có được điều chỉnh thành khoảng 5% hay 6% và liệu các nhà đầu tư có tin rằng ổn định kinh tế vĩ mô sẽ luôn là mục tiêu xuyên suốt và lâu dài của Chính phủ, lãi suất, tỷ giá liệu có "té nước theo mưa" cùng với sự điều chỉnh mục tiêu lạm phát của Chính phủ.

Khi thay đổi mục tiêu lạm phát từ dưới 4% thành khoảng 4%, Chính phủ dường như đang rút khỏi một "cam kết vàng" đang được người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước đồng lòng ủng hộ. Với sự điều chỉnh này Chính phủ sẽ khó bảo đảm thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội là đưa lạm phát về dưới 3% vào cuối nhiệm kỳ này, Chủ tịch VCCI thẳng thắn chỉ rõ./.

Một số chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế năm 2019:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%;

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%;

- Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%;

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP...

Áp lực lạm phát lớn nhưng chu kỳ 10 năm không lặp lại? VOV.VN - Giới chuyên gia nhận định, giữ lạm phát dưới 4% năm nay là khả thi nhưng vẫn còn quan ngại cho năm kế tiếp.

Áp lực dồn đẩy lạm phát sang năm 2019? VOV.VN - ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, ngân sách bị ảnh hưởng cân đối thu chi, áp lực dồn đẩy lạm phát sang năm 2019.

Trần Ngọc

VOV

Trở lên trên