Lạm phát và lãi suất
Lãi suất tăng hay giảm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như thị trường và cung cầu vốn, khả năng thanh khoản…
- 17-01-2017Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh do áp lực thanh khoản
- 16-01-2017Dự báo năm nay, mặt bằng lãi suất sẽ tăng thêm 0,5-1%/năm
- 16-01-2017Ổn định lãi suất: Bài toán khó
- 13-01-20172017: Kỳ vọng cho lãi suất
Hầu như năm nào cũng vậy, ngay từ đầu năm vấn đề điều hành lãi suất bao giờ cũng được đặt ra, và mối quan hệ với lạm phát thường được giới chuyên gia, người dân phân tích. Nhưng năm nay, một số điều chỉnh khiến câu chuyện dự báo mặt bằng lãi suất trở nên khó khăn hơn.
Áp lực trong điều hành
Nếu như hồi đầu năm 2016, nhiều người từng lo ngại về khả năng cơ quan điều hành chính sách tiền tệ có thể giữ ổn định mặt bằng lãi suất, thì kết thúc năm không những mặt bằng lãi suất giữ ổn định mà lãi suất cho vay của các NHTM còn giảm từ 0,5 - 1%/năm. Lạm phát cũng được kiểm soát dưới mức 5% mà Quốc hội thông qua. Tuy nhiên với năm 2017, giới chuyên gia nhận định rằng điều hành lãi suất sẽ là một thách thức không nhỏ trong nhiệm vụ của chính sách tiền tệ và hoạt động NH, nhất là khi phải cân bằng với việc kiểm soát lạm phát.
Điểm đáng chú ý là thay đổi chỉ tiêu về lạm phát trong năm nay. Sau nhiều năm sử dụng chỉ tiêu CPI tháng 12 năm kế hoạch so với tháng 12 năm trước làm chỉ tiêu lạm phát thì sang năm 2017, CPI bình quân năm được đưa vào sử dụng. CPI bình quân năm 2016 là 2,66% (so với năm 2015), còn sang năm 2017 mục tiêu đặt ra là dưới 4%, tức là còn cao hơn.
Phải chăng những dự báo về diễn biến giá cả trong nước và thế giới sẽ khó lường hơn trong năm 2017 được phản ánh vào chỉ tiêu được Quốc hội thông qua kể trên? Bởi theo quan điểm của cơ quan thống kê, sử dụng chỉ tiêu CPI bình quân năm sẽ phản ánh đầy đủ những diễn biến của giá cả hàng hóa trên thị trường, sát thực tế hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế…
Trong khi đó bàn về câu chuyện lạm phát và lãi suất, lâu nay căn cứ so sánh lãi suất có thực dương hay không lại thường so với CPI theo tháng. Một chuyên gia về thống kê giải thích: Ví dụ kỳ hạn 3 tháng mà gửi tiền từ tháng 1 đến tháng 3 thì tính toán CPI tháng 3 so với tháng 1, chứ không sử dụng CPI bình quân 3 tháng. Còn theo dõi nhiều năm mối liên hệ giữa CPI theo tháng và CPI bình quân lại cũng không có quy luật nào là cái này luôn cao hơn cái kia, hoặc ngược lại. Như vậy, căn cứ để so sánh lãi suất với chỉ tiêu lạm phát năm nay được Quốc hội thông qua là chưa hợp lý, mà so sánh phù hợp hơn là lạm phát kỳ vọng.
Nhưng ở một khía cạnh khác, lãi suất huy động không phải lúc nào cũng bám sát lạm phát “như hình với bóng” mà còn phụ thuộc vào thị trường và cung cầu vốn, khả năng thanh khoản của các NH... Ở Việt Nam gửi tiết kiệm NH không chỉ để giữ tiền an toàn mà còn được xem giống như kênh đầu tư, kiếm lời. Cũng chính bởi vậy, có những thời điểm, do các kênh đầu tư khác là bất động sản, chứng khoán hấp dẫn, NH muốn huy động được vốn thì phải đưa ra mức lãi suất cạnh tranh...
Ngược lại, cũng có những nhân tố từ hoạt động nội tại của NH có thể hỗ trợ kéo giảm lãi suất. Chẳng hạn để đưa mặt bằng lãi suất giảm, đặc biệt với lãi suất cho vay, thì ngoài điều kiện quan trọng là lãi suất huy động phải giảm, các NH còn có thể tiết giảm các chi phí trong hoạt động để giảm lãi suất - việc này vài năm qua các NH đã tích cực triển khai khi tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm, điện, sáp nhập các phòng giao dịch gần nhau...
Các phân tích trên cho thấy, để giữ ổn định lãi suất thì công tác điều hành chính sách tiền tệ chịu nhiều áp lực. Không chỉ là phải lường đón các tác động từ thế giới mà còn phải chủ động kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ và thúc đẩy các NH tích cực giảm chi phí để có điều kiện ổn định (hoặc giảm) lãi suất. Nhưng trong quá trình điều hành đó, rất nhiều biến số có thể xảy ra, vì vậy yêu cầu linh hoạt về giải pháp một lần nữa được đặt ra.
Còn cơ hội hạ lãi suất?
Với các NHTM, có thể nói rằng “bài toán” lãi suất NH năm 2017 còn khó hơn năm 2016. Hầu hết các NH cho rằng, giữ được lãi suất ổn định như hiện nay đã là thành công, khi mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM Nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Trong khi nhìn vào lạm phát để giảm lãi suất trong năm 2017 sẽ rất khó, bởi hiện nay hầu hết các dự báo đều cho rằng lạm phát năm 2017 kiểm soát không dễ chút nào. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) mới đây đưa ra những dự báo thiếu lạc quan về lạm phát này, với CPI có thể tăng tới 5,9%.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng những phân tích về lạm phát và lãi suất năm nay cũng rất khó khăn, bởi 2 lĩnh vực này chịu tác động từ nhiều yếu tố, có thể có những bất ngờ. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng phân tích, 2017 là năm kinh tế toàn cầu đối diện nhiều biến động. Đặc biệt, những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể tác động không nhỏ tới kinh tế - xã hội toàn cầu nên rất khó đưa ra dự báo. Nhiệm vụ của NHNN một mặt điều hành, chỉ đạo đưa tín dụng ra nền kinh tế để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% nhưng cũng phải đảm bảo cung tiền ở mức hợp lý để kiểm soát lạm phát. Bởi theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong khi nguồn vốn ODA và FDI không còn thuận lợi như trước, thị trường vốn chưa phát triển thì cung ứng vốn cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào NH.
Bên cạnh đó, giá dầu đang tăng liên tiếp gần đây có thể ảnh hưởng tới giá của các mặt hàng khác làm cho kiểm soát lạm phát khó khăn. Để hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát và điều hành lãi suất, theo các chuyên gia, cần sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa, nhất là trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. Tính toán thời điểm và liều lượng phát hành trái phiếu Chính phủ, lãi suất ở mức hợp lý.
“Muốn giữ ổn định hoặc giảm mặt bằng lãi suất xuống thì lãi suất huy động vẫn đóng vai trò là yếu tố quan trọng, nhưng NH vẫn phải đảm bảo biên độ giữa lãi suất huy động và lãi suất cho vay từ 2,5 -3%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh và cho rằng, các NH vẫn sẽ cho vay các chương trình ưu đãi với những đối tượng thuộc thị trường và khách hàng riêng của họ. Mặt khác, các chương trình cho vay ưu đãi như đóng tàu, nhà ở xã hội… vẫn được tiếp tục triển khai với mức lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, giới chuyên gia NH cũng cho rằng không phải là không có cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát ở mức đúng với mục tiêu đề ra. Còn ở phía cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, NHNN có khả năng điều tiết và can thiệp chủ động hơn thì cũng cho biết sẽ nỗ lực để giảm lãi suất trung và dài hạn theo chỉ đạo của Chính phủ.