MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm quần quật 10 tiếng/ngày nhưng thu nhập thấp hơn lương tối thiểu: Hơn 1.000 tài xế Grab và Gojek ở một nước Đông Nam Á đình công, yêu cầu có nhiều quyền mặc cả về giá cước

06-09-2024 - 09:46 AM | Kinh tế số

Các tài xế kêu gọi được Chính phủ Indonesia tăng cường bảo vệ trước những hành vi được cho là không công bằng từ các công ty gọi xe.

Làm quần quật 10 tiếng/ngày nhưng thu nhập thấp hơn lương tối thiểu: Hơn 1.000 tài xế Grab và Gojek ở một nước Đông Nam Á đình công, yêu cầu có nhiều quyền mặc cả về giá cước- Ảnh 1.

Tài xế Grab và Gojek tại thủ đô Jakarta, Indonesia (Ảnh: Nikkei)

Reuters đưa tin ngày 29/8, hơn 1.000 tài xế xe ôm công nghệ đã đình công tại một số thành phố của Indonesia để phản đối mức lương thấp và kêu gọi Chính phủ tăng cường bảo vệ trước những hành vi được cho là không công bằng từ các công ty gọi xe.

Nhiều tài xế mặc áo khoác xanh lá cây tập trung bên ngoài Bộ Thông tin và Truyền thông và gần văn phòng tại Jakarta của công ty công nghệ lớn nhất Indonesia GoTo và công ty gọi xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á Grab.

Xe ôm xuất hiện ở khắp Indonesia, kể cả thủ đô Jakarta, nơi nổi tiếng là một trong những địa điểm có tình trạng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới, và các cuộc biểu tình đã gây ra một số lời phàn nàn trên mạng xã hội về dịch vụ chậm chạp.

Người phát ngôn của đơn vị gọi xe Gojek thuộc GoTo cho biết hôm thứ Năm (29/8 - PV) rằng hoạt động của họ vẫn diễn ra bình thường và họ sẵn sàng tiếp nhận ý kiến đóng góp của tài xế.

Tirza Munusamy, Giám đốc Quan hệ công chúng của Grab Indonesia cho biết, giá cước của Grab được thiết kế để đảm bảo nhu cầu ổn định cho các dịch vụ của công ty, đồng thời cân nhắc đến thu nhập của tài xế. Công ty có trụ sở tại Singapore này đã không trả lời câu hỏi về việc liệu cuộc đình công có làm gián đoạn hoạt động của công ty hay không.

Andi Kristiyanto, đại diện của Liên minh Taxi trực tuyến quốc gia, đơn vị tổ chức cuộc biểu tình, cho biết các tài xế muốn các công ty gọi xe tăng mức chia sẻ lợi nhuận và muốn Chính phủ trao cho họ quy chế đặc biệt trong các điều khoản tuyển dụng để họ có nhiều quyền mặc cả hơn về giá cước.

Tài xế Wandi cho biết, anh làm việc 10 tiếng mỗi ngày nhưng hầu hết các ngày anh kiếm được chưa đến 150.000 rupiah (9,73 USD). Điều này có nghĩa là thu nhập hàng ngày của anh thấp hơn mức lương tối thiểu của Jakarta là 5 triệu rupiah (324,5 USD).

"Chúng tôi muốn các nền tảng lắng nghe chúng tôi", tài xế Wandi chia sẻ với Reuters.

Nabiyla Risfa Izzati, giảng viên luật lao động tại Đại học Gadjah Mada, Indonesia cho biết các công ty công nhận tài xế là đối tác, do đó họ không có nghĩa vụ pháp lý phải đặt mức lương tối thiểu, trả bảo hiểm an sinh xã hội hoặc giới hạn giờ làm việc.

Bà cho biết, cần phải đặt ra mức phí sàn và phí trần cho tất cả các ngành đối với tài xế, chẳng hạn như dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn.

Bộ Nhân lực Indonesia không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận, trong khi Bộ Giao thông vận tải cho biết họ không quản lý phí, đồng thời kêu gọi các nền tảng lắng nghe tài xế.

Nguyệt Lượng

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên