Làm rõ lý do doanh nghiệp có xe “biển xanh”
Siết “biển xanh” và chưa nên đấu giá biển số đẹp là những vấn đề Bộ Tư pháp kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ
- 06-03-2017Nhận 6,5 triệu/tháng, chủ tịch tỉnh không đi làm ô tô biển xanh
- 26-02-2017Cẩu 2 xe biển xanh trước quán nhậu quận 1 về trụ sở công an
- 10-02-2017Đề nghị xử nghiêm xe biển xanh lấn làn buýt nhanh
- 23-01-2017Xe biển xanh, đỏ thi nhau đi vào làn BRT
- 22-12-2016Đề xuất xóa xe biển xanh, biển đỏ
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp ngày 26-4, ông Đỗ Đức Hiển, người phát ngôn kiêm Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp, cho biết thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát các quy định về việc thực hiện đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy.
Văn bản chưa thống nhất
Nói về tình trạng nhiều xe không đúng tiêu chuẩn, nhất là một số doanh nghiệp (DN) lại có xe biển số xanh, ông Đỗ Đức Hiển cho rằng hiện nay, việc thực hiện đăng ký, cấp biển số ô tô, xe máy tập trung chủ yếu vào Thông tư số 15/2014 và Thông tư số 41/2016 của Bộ Công an về đăng ký xe.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp phát hiện Thông tư số 15/2014 còn một số điểm chưa có sự thống nhất dẫn đến việc có thể mở rộng đối tượng cấp “ biển xanh ” cho xe hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác bảo đảm an ninh. Do vậy, Bộ Tư pháp đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 15/2014 theo hướng quy định cụ thể đối tượng cấp biển số ô tô, xe máy nhằm bảo đảm đúng loại hình, đối tượng và nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Mặt khác, để sàng lọc những xe biển số xanh cấp chưa đúng quy định, Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công an tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Thông tư 41/2016 ngày 1-1-2017 quy định về quy trình đăng ký xe, nhất là quy định về cấp biển số xe mới, cấp lại đăng ký, biển số xe, đăng ký sang tên di chuyển xe, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe và quy định bỏ việc chuyển đổi hệ biển số trắng sang biển số xanh và ngược lại.
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đăng ký, cấp biển số 80A, 80B cho xe của DN. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an nghiêm túc thực hiện việc cấp biển số ô tô ký hiệu 80 theo nguyên tắc chỉ cấp cho các cơ quan trung ương, một số ban, bộ, ngành... Điều kiện xe được cấp biển số 80 là phải được mua sắm với nguồn gốc từ ngân sách nhà nước. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không cấp biển số ô tô ký hiệu 80 cho DN, bất kể loại hình nào.
Chưa thể đấu giá biển số đẹp
Liên quan đến đề xuất đấu giá biển số xe đẹp, theo bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp, hiện vẫn còn tồn tại những luồng ý kiến khác nhau. Đề xuất này thực tế đã được đưa ra từ năm 2011 khi xây dựng nghị định về đấu giá tài sản. Ngay từ khi được đưa ra, quan điểm trên đã làm nảy sinh các ý kiến trái chiều về việc biển số xe là tài sản công hay là công cụ quản lý của nhà nước đối với phương tiện giao thông đường bộ.
Ở khía cạnh pháp lý, bà Mai chỉ rõ: “Khi quan điểm chưa rõ biển số xe có phải là tài sản hay không thì không thể đưa ra bán đấu giá”. Mặt khác, điều 80 Luật Giao thông đường bộ cấm mua bán các biển số của phương tiện cơ giới. Do đó, việc đưa biển số xe đẹp ra bán đấu giá lại càng không thực hiện được. Bên cạnh đó, với phương án biển số xe sẽ đấu giá thế nào, chỉ nên đấu giá biển số đẹp hay đưa tất cả biển số xe ra để người dân có thể đấu giá và mua, bà Mai cho rằng đang nghiên cứu vì hiện nay, tâm lý của người Việt Nam mới chỉ chuộng biển số xe đẹp, còn biển số thông thường thì rất khó để người dân bỏ tiền ra mua.
Cuối cùng, bà Mai nhấn mạnh các cơ quan có thẩm quyền vẫn đang tính toán các phương án cho thỏa đáng vì đây không chỉ là tài sản đơn thuần mà còn là công cụ quản lý, điều tiết của nhà nước để quản lý trật tự, an ninh. Cụ thể, Bộ Tư pháp đang tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xây dựng cơ chế về đấu giá biển số xe đẹp để trình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5-2017.
Nhà báo được ngụy trang ghi âm, chụp hình
Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp), thông tin dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, chụp hình, định vị do Bộ Công an chủ trì xây dựng đã được Bộ Tư pháp thẩm định.
Theo đó, quan điểm của Bộ Tư pháp là nghị định này chỉ quy định những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng những điều kiện gì thì được kinh doanh và không điều chỉnh thành phần sử dụng thiết bị. Nghị định không điều chỉnh về đối tượng, không điều chỉnh ai được sử dụng thiết bị này. Hiến pháp đã quy định nguyên tắc mọi tổ chức, cá nhân được làm điều pháp luật không cấm, muốn cấm phải bằng luật.
“Nếu Luật Báo chí cho phép tác nghiệp như thế nào thì các nhà báo cứ tác nghiệp theo luật. Hay Bộ Luật Dân sự quy định đời tư được bảo vệ thế nào, người nào sử dụng thiết bị không được phép, xâm phạm đời tư của cá nhân mà không được họ cho phép thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật” - ông Hải khẳng định.
Người lao động