MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm rõ thực hư vụ trúng thầu mỏ cát hơn 2.800 tỉ đồng

12-04-2021 - 07:44 AM | Xã hội

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home, đơn vị trúng đấu giá quyền khai thác mỏ cát ở An Giang, gây nhiều tò mò bởi không chỉ mức bỏ thầu cao khó hiểu mà còn khá mới mẻ với giới kinh doanh vật liệu xây dựng

Ngày 11-4, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết sẽ chỉ đạo các ngành chức năng rà soát lại các văn bản liên quan đến việc đấu thầu quyền khai thác cát sông tại địa phương gây xôn xao dư luận những ngày qua.

Đấu giá ảo?

Cụ thể, trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang thông báo mời tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ cát trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới với giá khởi điểm hơn 7,2 tỉ đồng. Sau đó, đơn vị trúng đấu giá là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home với số tiền trên 2.811 tỉ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, trước khi đưa ra mức giá khởi điểm để các doanh nghiệp (DN) tham gia đấu thầu mỏ cát thuộc thủy phận xã Bình Phước Xuân, các đơn vị chức năng đã thẩm định đầy đủ về trữ lượng. Tuy nhiên, việc các DN tự đưa ra mức giá để giành quyền khai thác đôi khi cũng rất vô chừng. Bởi trên thế giới cũng từng diễn ra chuyện một bức tranh chỉ đáng giá 1 USD nhưng vẫn có người chấp nhận mua cao hơn đến hàng triệu lần.

"Hiện tại cũng mới chỉ là giai đoạn 1 nên UBND tỉnh sẽ gặp DN trúng thầu đó để thương thảo và xem thực hư như thế nào. Việc họ có đấu giá ảo hay không thì địa phương cũng sẽ có cách giải quyết tiếp theo. Trước mắt là trong hôm nay (12-4), UBND tỉnh An Giang sẽ yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát lại các văn bản có liên quan đến Nghị định 158 của Chính phủ để bảo đảm việc đấu thầu đúng quy định và có lợi cho địa phương trước khi ra quyết định cấp phép khai thác cho đơn vị trúng thầu" - ông Bình nói.

 Làm rõ thực hư vụ trúng thầu mỏ cát hơn 2.800 tỉ đồng  - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp đang khai thác cát trên sông Tiền thuộc khu vực gần mỏ cát vừa đấu giá ở xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang Ảnh: THỐT NỐT

Doanh nghiệp trúng đấu giá cầm chắc lỗ (!?)

Là một trong những người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác cát sông, ông Bùi Văn On, Giám đốc DNTN Phúc Thành (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp), cho biết vừa qua ông có đại diện cho con trai là Giám đốc Công ty TNHH Phúc Thành Tân Châu để tham gia đấu thầu 3 mỏ cát trên sông Hậu thuộc thủy phận xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú), Phú Hiệp (huyện Phú Tân) và trên sông Tiền thuộc thủy phận xã Bình Phước Xuân. Với 2 mỏ cát thuộc thủy phận xã Khánh Hòa và Phú Hiệp, gia đình ông đã vượt qua 16 đối thủ để trúng thầu với tổng số tiền hơn 270 tỉ đồng. Hai mỏ cát này có tổng trữ lượng được phép khai thác trong vòng 5 năm tới là khoảng 1,4 triệu m3.

"Riêng mỏ cát trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân thì các đơn vị chức năng đưa ra mức đấu thầu chỉ 7,2 tỉ đồng cho tổng trữ lượng gần 2,4 triệu m3. Trong lần đấu thầu đầu tiên, có DN đưa ra giá cao gấp 3 lần so với mức khởi điểm, tương đương hơn 21 tỉ đồng. Qua hàng chục lần đấu thì giá cứ nhân 3 lên nên tôi "đeo" theo được đến số tiền hơn 1.400 tỉ đồng rồi mới chịu bỏ cuộc. Một trong 2 ứng cử viên nặng ký còn lại đều đến từ TP HCM đã giành quyền làm "bá chủ" khi đưa ra mức giá làm ai nấy đều giật mình vì số tiền lên đến hơn 2.800 tỉ đồng" - ông On nhớ lại.

Ông Bùi Văn On cũng cho rằng DN trúng thầu mỏ cát này thật sự quá liều lĩnh khi chấp nhận đưa ra mức giá không tưởng như thế so với trữ lượng cát hiện có. Bởi lẽ, mỏ cát này chỉ có thể được đấu ở mức từ 500 tỉ đồng đối với các DN có trang thiết bị, máy móc phục vụ cho quá trình khai thác. Trong trường hợp DN phải thuê phương tiện thì cầm chắc lỗ nặng với số tiền hơn 1.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, ông Lê Anh Tuấn - giám đốc một công ty vật liệu xây dựng có trụ sở tại quận 9, TP HCM - cho biết cát san lấp thực tế đang khan hiếm và "sốt" giá. Tuần trước, tại TP HCM, giá cát dao động 120.000 đồng/m3 và hiện đã lên 190.000 đồng/m3, riêng cát tô tường xây dựng tăng lên 300.000 đồng/m3. Ông Tuấn tính toán với sản lượng cát gần 2,4 triệu m3 và khai thác trong 5 năm thì chắc chắn chỉ thu về số tiền không quá 1.500 tỉ đồng, tức DN trúng đấu giá sẽ phải lỗ 1.311 tỉ đồng.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết từng tìm hiểu mỏ cát trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa mà Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang mời thầu giá khởi điểm 4,4 tỉ đồng. Số tiền trúng thầu 273 tỉ đồng là hợp lý. Nhưng lần này, mức trúng thầu cao bất thường, khó hiểu.

"DN nếu không vì mục đích trúng thầu thì không dại gì phải lấy tiếng bằng cách bỏ thầu thật cao để phải mất tiền cọc 1,5 tỉ đồng. Ngoài ra, DN phải đối mặt với cảnh mất một năm không được đấu thầu tại tỉnh An Giang. Người kinh doanh không dại gì làm việc này" - ông Lê Anh Tuấn phân tích.

Luật sư Lê Anh Minh, Đoàn Luật sư TP HCM, cho biết Nghị định 158 của Chính phủ quy định quy mô, mức trúng thầu theo quy định của gói thầu. Thực tế có tình trạng gói mở thầu chỉ vài tỉ đồng nhưng khi trúng thầu lên đến vài trăm tỉ đồng. Tuy nhiên, lần này với số tiền trúng thầu khiến nhiều người khó tin. Đơn vị thẩm định cần xem xét lại giá khởi điểm. Nếu quy định gói thầu nhỏ với giá tiền thấp thì cần chia ra nhiều hạng mục khác nhau.

DN trúng thầu "rất lạ"!

Theo ông Lê Anh Tuấn, DN ông tham gia lĩnh vực kinh doanh cát san lấp nhiều năm và lần đầu tiên biết đến Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home. "Công ty này lạ lắm. Giới kinh doanh cát cũng xôn xao và tò mò về hoạt động công ty này. Theo quy định, khi trúng thầu, công ty phải chi trả năm đầu tiên 140 tỉ đồng. Nếu không phải công ty quy mô lớn hoặc nhiều cổ phần thì khó có thể có nguồn vốn lớn như vậy" - ông Tuấn nhận định.

Theo Thốt Nốt - Lê Phong

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên