MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm sao để giảm phụ thuộc nguồn giống cây trồng nhập khẩu?

09-09-2016 - 07:23 AM | Thị trường

GS,TS. Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam khẳng định: Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng, tiến tới giảm phụ thuộc nhập khẩu, tuy nhiên, điều quan trọng là phải tổ chức sản xuất hiệu quả, đồng thời làm tốt khâu bảo vệ bản quyền, thương hiệu.

Ông đánh giá như thế nào về tình hình nhập khẩu giống cây trồng của Việt Nam hiện nay?

Việt Nam hiện nhập khẩu gần 90% các loại giống yêu cầu công nghệ cao, nhất là giống hoa, rau cao cấp. Đối với giống lúa thuần thì trong nước tự sản xuất được 100%, song lúa lai cũng đang phải phụ thuộc nhập khẩu 70%.

Tuy nhiên, điều này cũng không đáng lo ngại bởi lúa lai chỉ chiếm khoảng 10% diện tích trồng lúa, tương đương 500-600 nghìn ha. Trong khi đó, đầu tư cho giống lúa lai rất tốn kém. Nhiều nước trên thế giới đi trước Việt Nam mấy chục năm, đầu tư hàng tỷ USD nên Việt Nam muốn “chạy” theo cũng khó.

Trong bối cảnh hội nhập cạnh tranh, muốn giảm phụ thuộc nguồn giống nhập khẩu, Việt Nam phải từng bước nâng cao chất lượng chọn tạo giống, đầu tư hơn nữa kinh phí, nhân lực trong việc chọn tạo giống, không chỉ Nhà nước mà phải xã hội hóa, thu hút các doanh nghiệp tư nhân cùng làm.

Theo ông, Việt Nam có đủ sức tạo ra các loại giống cây trồng đảm bảo chất lượng, năng suất ngang bằng với giống nhập ngoại không?

Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện tạo ra được những giống cây trồng chất lượng. Điều quan trọng là phải tập trung vào nguồn nhân lực và phương thức tổ chức cho phù hợp. Công bằng mà nói lực lượng làm giống của Việt Nam không thiếu. Chúng ta không phải không có giống tốt. Trong hơn 100 giống lúa khu vực ĐBSCL hiện nay thì ít nhất có 4 giống có thể sản xuất ra gạo bán được với mức giá từ 600-800 USD/tấn… Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là khi đã có giống tốt, khâu tổ chức quản lý, sản xuất, cơ giới hóa lại làm chưa tốt khiến cho sản phẩm nông sản làm ra kém sức cạnh tranh.

Ngoài gạo, ngô là mặt hàng cho thấy rất rõ điều này. Việt Nam có những giống ngô đạt năng suất 8-10 tấn/ha nhưng năng suất bình quân ngô của Việt Nam hiện nay mới đạt mức 4,3 tấn/ha. Lý do là bởi 85% diện tích trồng ngô tại Việt Nam đều không có tưới.

Có ý kiến cho rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn vào khâu chọn tạo, sản xuất giống cây trồng là yếu tố quan trọng nhất để có thể tạo ra sự bứt phá trong lĩnh vực này. Quan điểm của ông như thế nào?

Đúng là các doanh nghiệp là yếu tố quyết định trong việc nâng cao giá trị giống nói riêng và giá trị nông sản nói chung. Hiện nay, không ít cơ sở nghiên cứu, chọn tạo giống của Nhà nước có nhiều phòng thí nghiệm hiện đại, đầu tư hàng triệu USD, tuy nhiên, sử dụng lại kém hiệu quả. Trong khi các doanh nghiệp tư nhân muốn có các phòng thí nghiệm như vậy lại không phải điều đơn giản.

Vấn đề là muốn thu hút hơn nữa doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này cần có những cơ chế chính sách, lộ trình tiếp cận cho phù hợp hơn, thúc đẩy liên kết giữa đơn vị Nhà nước với doanh nghiệp, thậm chí biến hai thành một.

Các nhà khoa học làm việc tại nhiều cơ quan Nhà nước không nên trông chờ vào “túi tiền” Nhà nước mà phải tự quyết định số phận của mình thông qua việc cộng tác cùng doanh nghiệp.

Khi đã nỗ lực tạo ra các loại giống tốt, chất lượng, doanh nghiệp tham gia lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống sẽ mua bản quyền giống của các nhà khoa học và đưa vào sản xuất, thương mại. Có lợi nhuận, doanh nghiệp quay trở lại trả công tương xứng cho nhà khoa học. Khi đó, lương của nhà khoa học hàng trăm triệu một tháng cũng không phải là vấn đề lớn. Trong “câu chuyện” này, cơ quan quản lý Nhà nước phải hỗ trợ tối đa cho hình thức hợp tác công-tư, chủ yếu giữ vai trò quản lý, tham gia thanh kiểm tra để đảm bảo giống nghiên cứu, sản xuất ra đạt chất lượng tốt.

Có được giống chất lượng là điều quan trọng, song bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng quan trọng không kém. Ông có cho rằng, đây là điều phải đặc biệt lưu ý trong thời gian tới?

Từ trước tới nay, có nhiều giống cây trồng Việt Nam không bảo vệ được bản quyền, điển hình như giống lúa Jasmine 85. Mặc dù Việt Nam có giống lúa này từ cách đây 20 năm, xuất khẩu sang Mỹ đạt khoảng 600 USD/tấn gạo, song gần đây một số nước đã lấy giống lúa đó đem sản xuất, bán gạo có thương hiệu.

Tiếp tới là các loại giống bản địa, chỉ có Việt Nam có, song một số quốc gia có công nghệ tiên tiến lấy về cải tiến một chút, đem ra thương mại. Nhiều nguồn gen quý hiếm của Việt Nam đang ngày càng mất đi, bởi kinh phí cho chọn tạo giống của chúng ta hạn chế, trong khi nước ngoài nguồn lực lại rất dồi dào.

Rõ ràng vấn đề bảo vệ bản quyền, thương hiệu nguồn giống rất quan trọng. Nếu cứ giữ đà hiện tại, rồi sẽ đến lúc Việt Nam mất hết các nguồn gen quý hiếm. Điều này chỉ có thể thay đổi khi các doanh nghiệp thực sự tham gia đầu tư vào lĩnh vực chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, nhất là các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Nguyễn

Báo hải quan

Trở lên trên