MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào biết người thân đã mất có để lại sổ tiết kiệm và thủ tục thừa kế, rút tiền nhanh nhất?

21-02-2022 - 13:19 PM | Tài chính - ngân hàng

Làm thế nào biết người thân đã mất có để lại sổ tiết kiệm và thủ tục thừa kế, rút tiền nhanh nhất?

Sổ tiết kiệm là một di sản thừa kế rất thường gặp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người thân mất đột ngột không để lại di chúc, làm thế nào để thừa kế, rút tiền từ tài khoản ngân hàng của người đã mất là câu hỏi mà không phải ai cũng biết.

Dưới đây là tư vấn của Luật sư Đỗ Thành Trung, Giám đốc Công ty Luật New Key liên quan đến các vấn đề trong thừa kế sổ tiết kiệm, thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm của người thân đã mất. 

Trong trường hợp người chết để lại di chúc thì đương nhiên sẽ chia tài sản thừa kế theo di chúc, nhưng nếu người chết đột ngột và người thân không biết đến sổ tiết kiệm của người chết thì sẽ mất số tiền của người chết để lại?

Trong trường hợp người có sổ tiết kiệm gửi Ngân hàng nhưng đột ngột qua đời và người thân không biết đến sổ tiết kiệm đó thì số tiền này cũng sẽ không đương nhiên bị mất. Trong trường hợp này các đồng thừa kế của người chết có thể trực tiếp đến các Ngân hàng nhờ xác minh xem người đó có mở sổ tiết kiệm tại các Ngân hàng đó không. Việc xác minh thực hiện bằng cách người được hưởng thừa kế gửi giấy chứng tử của người chết, giấy tờ tùy thân (để chứng minh quan hệ thừa kế) và kèm theo đơn yêu cầu nhờ phối hợp kiểm tra, xác minh đến từng ngân hàng nơi mà người chết có thể đã mở sổ tiết kiệm. Sau khi xác minh nếu người chết có sổ tiết kiệm gửi tại Ngân hàng thì các đồng thừa kế của người chết làm thủ khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

Khi người mất không để lại di chúc thì sổ tiết kiệm sẽ được chia thừa kế ra sao?

Khi người chết không để lại di chúc định đoạt tài sản của mình (ở đây là sổ tiết kiệm) cho người khác thì việc thừa kế sẽ được thực hiện chia theo pháp luật. Cụ thể tại Điều 651 BLDS năm 2015 có quy định các hàng thừa kế theo pháp luật như sau:

+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; 

+ Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

+ Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy khi người chết không để lại di chúc thì di sản thừa kế là sổ tiết kiệm sẽ được chia theo thứ tự các hàng thừa kế theo quy định trên.

Các bước, thủ tục thừa kế và rút tiền từ sổ tiết kiệm của người thân đã mất như thế nào?

Thủ tục thừa kế sổ tiết kiệm như sau: Để được nhận thừa kế sổ tiết kiệm thì những người thừa kế phải thực hiện các bước khai nhận di sản (nếu là thừa kế theo di chúc) hoặc phân chia di sản thừa kế (nếu là thừa kế theo pháp luật) tại Văn phòng công chứng. Người thừa kế chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau: Phiếu yêu cầu công chứng; Giấy chứng tử của người chết để lại sổ tiết kiệm; Sổ tiết kiệm; Di chúc (nếu có di chúc); Bản tường trình về quan hệ nhân thân; Giấy tờ tùy thân để chứng minh quan hệ thừa kế (như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân; Hộ chiếu; Sổ hộ khẩu; Giấy khai sinh; Đăng ký kết hôn…). Sau khi nộp hồ sơ, trình bày nội dung sự việc, công chứng viên sẽ giải thích quyền, nghĩa vụ của những người thừa kế và niêm yết thông báo khai nhận/thỏa thuận phân chia thừa kế tại UBND xã/phường/thị trấn trong thời gian 15 ngày. Sau thời gian trên nếu không có ý kiến khiếu nại, tố cáo gì thì Văn phòng công chứng sẽ tiến hành công chứng văn bản về thừa kế.

Thủ tục rút tiền từ sổ tiết kiệm tại ngân hàng do người chết để lại: Sau khi đã làm xong văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/văn bản khai nhận di sản thừa kế (đã được công chứng) những người thừa kế mang theo sổ tiết kiệm, giấy tờ tùy thân cùng văn bản về thừa kế đến ngân hàng nơi người chết gửi sổ tiết kiệm để được rút tiền và nhận tiền. Các đồng thừa kế có thể cùng nhau đến ngân hàng nhận tiền hoặc ủy quyền cho một người trong số những đồng thừa kế để đại diện đến Ngân hàng nhận tiền.

Trong trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của người chết và người khác thì sẽ được xử lý ra sao? 

Trong trường hợp sổ tiết kiệm là tài sản chung của hai hoặc nhiều người thì khi người đứng tên trong sổ tiết kiệm chết, người còn lại phải chứng minh được số tiền trong sổ tiết kiệm là tài sản chung và cùng các đồng thừa kế của người chết đến ngân hàng để kê khai nhận tiền trong sổ tiết kiệm. Nếu sổ tiết kiệm là tài sản chung của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân thì sổ đó sẽ được chia làm 2 phần bằng nhau. Các đồng thừa kế của người chết sẽ được nhận đối với phần của người chết để lại.

https://cafef.vn/lam-the-nao-biet-nguoi-than-da-mat-co-de-lai-so-tiet-kiem-va-thu-tuc-thua-ke-rut-tien-nhanh-nhat-20220221101956719.chn

Thanh Anh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên