MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm thế nào để siết chặt quản lý quảng cáo trực tuyến?

17-03-2023 - 07:20 AM | Kinh tế số

Nhiều quảng cáo sai quy định. Ảnh minh họa.

Nhiều quảng cáo sai quy định. Ảnh minh họa.

\Nhiều thương hiệu lớn, chính thống nhưng quảng cáo lại gắn trong những clip đánh nhau, chửi thề, phản cảm, hay trên các trang web trực tuyến xấu độc.

Làm thế nào để siết chặt quản lý quảng cáo trực tuyến?

Với lợi thế đo được hiệu quả cụ thể bằng các thông số như: lượt người xem, lượt người kích chuột truy cập, lượt người tương tác... quảng cáo online khiến nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đổ tiền. Tuy nhiên, việc chỉ cần con số mang tính thành tích (hoặc nhằm đạt yêu cầu được giao, đúng thỏa thuận hợp đồng...) đã khiến nhiều doanh nghiệp hoặc các đơn vị trung gian, công ty quảng cáo quảng cáo trên mọi kênh, trang mạng, bất chấp nội dung xấu độc hay kênh, trang vi phạm pháp luật... Không khó để thấy các quảng cáo của nhãn hàng, thương hiệu Việt Nam bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, sai sự thật; khiêu dâm, giật gân, câu view, vi phạm bản quyền ở rất nhiều video xấu độc trên YouTube, Facebook…

Tiếp diễn vi phạm quảng cáo trên mạng

Mới đây, một số cơ quan báo chí phản ánh: vẫn xuất hiện một số clip quảng cáo nhãn hàng trong các video clip có nội dung nhảm nhí, phản cảm trên mạng xã hội. Thậm chí, hình ảnh một thương hiệu lớn còn xuất hiện trong đoạn phim ngắn dàn dựng cảnh bắt cóc trẻ em.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tình trạng quảng cáo vi phạm trên mạng vẫn tiếp diễn, chủ yếu là do hầu hết các nhãn hàng, thương hiệu khi quảng cáo chỉ yêu cầu đối tác đảm bảo lượng view… nên một số đại lý quảng cáo chỉ chú trọng đến lợi nhuận thay vì kiểm soát xem quảng cáo gắn ở nội dung nào. Việc các nhãn hàng, thương hiệu bị gắn tràn lan vào nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; nội dung sai sự thật; trái với thuần phong mỹ tục... gây ảnh hưởng lớn đến an toàn, uy tín của các thương hiệu.

Các đại lý quảng cáo cho biết: lý do khác của việc quảng cáo vi phạm vẫn tiếp diễn, đó là do việc sử dụng bộ lọc vi phạm của Google, Facebook hiện nay chưa đủ đảm bảo an toàn. Do bộ lọc quảng cáo vi phạm của các nền tảng xuyên biên giới còn sơ sài, lỏng lẻo, đặc biệt các nền tảng không chủ động cập nhật website/tài khoản/kênh nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật.

Tại Hội nghị Triển khai các giải pháp quản lý quảng cáo trên mạng diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sẽ xử phạt nghiêm các đại lý, nhãn hàng quảng cáo hợp tác với các nền tảng quảng cáo không thực hiện thông báo với Bộ theo quy định. Bộ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo trên mạng.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay: "Những năm qua, quy định pháp luật chưa hoàn thiện đầy đủ thì nền tảng xuyên biên giới có nhiều lợi thế, đến nay chúng ta khẳng định rằng cơ sở pháp lý ý chí của cơ quan quản lý đã hội tụ đầy đủ để mà đưa vấn đề này quản lý trên cùng một quy định của pháp luật. Và phải nhìn nhận quảng cáo là nguồn lực quan trọng để đi nuôi và phát triển những nội dung mà khi xem nội dung, thì người ta sẽ xem quảng cáo đi liền với nó...".

Nghị định 70 về hoạt động quảng cáo

Ngày 20/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên mạng tại Việt Nam.

+ Theo đó người kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài phải thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

+ Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước và nước ngoài (đại lý quảng cáo, Facebook, Google...) không đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật.

+ Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có giải pháp kỹ thuật để người phát hành quảng cáo, người quảng cáo tại Việt Nam có thể kiểm soát và loại bỏ các sản phẩm quảng cáo vi phạm pháp luật Việt Nam trên hệ thống cung cấp dịch vụ.

Người dùng gây sức ép với các nhãn hàng

Người xem, người tiêu dùng rõ ràng cảm thấy thiếu niềm tin, thậm chí là sự tôn trọng với những nhãn hàng, thương hiệu xuất hiện trong những clip bẩn, trang web thiếu đứng đắn, phản cảm… thậm chí là gây sức ép với chính các nhãn hàng. Đầu năm nay, mạng xã hội Twitter đã đối mặt với làn sóng di cư của các thương hiệu sau khi ông chủ mới Elon Musk hồi sinh hàng loạt tài khoản đã bị cấm trước đó, gồm nhiều nhân vật lan truyền thông tin thù hằn, sai lệch.

Theo Đài CNN, hơn một nửa trong số 1.000 bên đặt quảng cáo hàng đầu, bao gồm Coca-Cola, Unilever... đã tẩy chay mạng xã hội này trong tháng 1 năm nay khiến doanh thu của Twitter giảm đến 60%. Một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu IPSOS tại châu Âu cho thấy hầu hết người tiêu dùng đều lo ngại việc nội dung độc hại tràn lan trên mạng với 85% ý kiến khẳng định sẽ không mua hàng của các thương hiệu quảng cáo trên các nội dung độc hại Chính phủ các nước cũng mạnh tay đưa ra các quy định bảo vệ người dân khỏi các nội dung độc hại với mức phạt lên đến hàng tỉ USD đối với các mạng xã hội...

Làm thế nào để siết chặt quản lý quảng cáo trực tuyến? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng hai mạng lưới quảng cáo của Google và Facebook đã chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam. Đáng chú ý, dù hai hãng công nghệ ngoại này đều chưa có pháp nhân tại Việt Nam, nhưng có đến 70% khách hàng tại Việt Nam ký hợp đồng mua dịch vụ quảng cáo trực tiếp với Facebook, tức là không thông qua đại lý. Trong khi tỷ lệ này với Google là hơn 50%.

Người tiêu dùng, người xem giờ đây ngày càng thông thái trong việc xem gì, mua gì và những nhãn hiệu cũng sẽ phải thông thái hơn trong cách tiếp cận khách hàng. Không thể đánh đổi tên tuổi và hình ảnh của mình chỉ bằng lượng view, hay những con số quảng cáo, marketing… Chính doanh nghiệp phải có trách nhiệm và cũng phải đặt câu hỏi, vậy mục đích quảng cáo đã trúng chưa? Ai đang xem quảng cáo của họ trên những trang web các nội dung xấu độc, nội dung chống phá Đảng và Nhà nước; hay sai sự thật; trái thuần phong mỹ tục; giật gân, câu view; vi phạm bản quyền... Cùng với các giải pháp quyết liệt từ cơ quan quản lý, các nhãn hàng cũng cần ý thức rõ quyền và trách nhiệm của mình.

Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT sẽ cùng bàn luận để làm rõ hơn về vấn đề này.

Theo PV

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên