MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu phát biểu sau khi TQ bị Mỹ giáng đòn, ông Tập nhận tràng pháo tay giòn giã vì 1 câu nói

15-05-2019 - 16:49 PM | Tài chính quốc tế

"Việc trao đổi và học tập lẫn nhau của các nền văn minh phải là chuyện bình đẳng và có đi có lại",

Ông Tập nói về "suy nghĩ xuẩn ngốc"

Trong bài phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Đối thoại các Nền Văn minh Châu Á ngày hôm nay (15/5), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kịch liệt lên án những suy nghĩ "xuẩn ngốc" của nước ngoài về việc tái định hình các quốc gia khác, Bloomberg đưa tin.

Theo Bloomberg, bài phát biểu của ông Tập tuy không trực tiếp nhắc đến cuộc xung đột thương mại với Mỹ, nhưng được đưa ra trong bối cảnh cuộc chiến này đang rất "nóng" do căng thẳng trong quan hệ của hai nước ngày càng leo thang.

"Việc ai đó cho rằng chủng tộc và nền văn minh của mình thượng đẳng hơn, và nhất mực muốn biến đổi hoặc thậm chí là thay thế các nền văn minh khác, chính là suy nghĩ xuẩn ngốc và hành động tồi tệ", Chủ tịch Trung Quốc phát biểu.

Bài phát biểu của ông Tập tại lễ khai mạc sự kiện ngày 15/5 được rất nhiều người quan tâm theo dõi, bởi đây là bài phát biểu chính thức đầu tiên của ông này kể từ sau khi lệnh tăng thuế của Mỹ đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực.

Theo Bloomberg, sau câu nói về "suy nghĩ xuẩn ngốc", ông Tập đã nhận được tràng pháo tay lớn của những người có mặt trong hội trường.

Hãng thông tấn Reuters nhận định, bài phát biểu của ông Tập cho thấy ông đang muốn hướng sự tập trung của các đại biểu trong hội nghị nói riêng và thế giới nói chung tới hình ảnh một Trung Quốc cởi mở, và không phải là mối đe dọa đối với các nước khác.

"Không quốc gia nào tồn tại được một mình", ông Tập khẳng định. Reuters nhận định rằng có lẽ ông đang ám chỉ chính sách "Nước Mỹ Trước tiên" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. "Các nền văn minh sẽ mất đi sức sống, nếu các quốc gia quay trở về trạng thái cô lập với phần còn lại của thế giới".

"Việc trao đổi và học tập lẫn nhau của các nền văn minh phải là chuyện bình đẳng và có đi có lại", ông Tập nói. "Điều đó phải được đa dạng hóa và đa hướng, chứ không phải là ép buộc, không nên là chuyện một chiều".

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP - Hồng Kông), vấn đề tư tưởng và văn minh đã từng được bà Kiron Skinner, Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ đề cập từ 2 tuần trước đó. Cụ thể, theo bà Skinner, cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ và Trung Quốc là "trận chiến giữa hai nền văn minh và hai hệ tư tưởng rất khác biệt".

Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ nhận định trên của bà Skinner, và trong bài phát biểu ngày hôm nay, ông Tập cũng đã nhấn mạnh rằng các nền văn minh và văn hóa tuy có sự khác biệt, nhưng không thể so sánh trên khía cạnh tốt hay tệ.

Lần đầu phát biểu sau khi TQ bị Mỹ giáng đòn, ông Tập nhận tràng pháo tay giòn giã vì 1 câu nói - Ảnh 1.

Ảnh: Reuters.

Trung Quốc quyết tâm chiến đấu đến cùng trong cuộc thương chiến với Mỹ

Tính đến nay, cuộc xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã kéo dài hơn một năm và vẫn chưa có dấu hiệu sẽ sớm đến hồi kết. Những bất đồng chưa thể giải quyết đã khiến hai bên gần đây lại tiếp tục giáng những đòn "ăn miếng, trả miếng", cùng những lời cảnh báo cứng rắn tới đối phương.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc vừa qua đã liên tục đăng tải các bài bình luận và khẩu hiệu "máu lửa" để khích lệ tinh thần người dân nước này trong cuộc chiến thương mại được dự đoán sẽ còn kéo dài.

Trong đó, mới đây Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã khẳng định Bắc Kinh sẽ chiến thắng trong cuộc chiến thương mại, và khẳng định sẽ quyết tâm "chiến đấu đến cùng" nếu như đó là điều Mỹ mong muốn.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos bên lề Hội nghị Đối thoại các Nền Văn minh Châu Á, ông Tập cũng đã khẳng định rằng "niềm tin của nhân dân Trung Quốc đã đoàn kết lại, và với lòng quyết tâm sắt đá, họ sẽ bảo vệ đoàn kết dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, cũng như các lợi ích và tự trọng của quốc gia", theo Bloomberg.

Theo Hồng Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên