Lần đầu tiên trong 10 năm, tiêu thụ nội địa của mặt hàng này giảm, "Kỳ Lân Xanh" của VN sống thế nào?
Doanh nghiệp này đang nắm giữ thị phần cao nhất ở phía Nam.
- 30-08-2024Xi măng Xuân Thành giảm 40% lợi nhuận trong nửa đầu năm, sở hữu khối tài sản gần tỷ đô, chủ yếu từ vay nợ
- 03-08-2024Xi măng Fico-YTL: Bước tiến xanh trên hành trình sản xuất bền vững
- 23-07-2024Nhiệt điện, sắt thép và xi măng được ưu tiên phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Năm 2023 chứng kiến tình hình sản xuất kinh doanh xi măng suy giảm trên toàn ngành sau khi chịu tác động kép từ cả kênh nội địa và xuất khẩu. Lần đầu tiên trong 10 năm vừa qua, sản lượng tiêu thụ nội địa dưới 60 triệu tấn/năm, giảm khoảng 9,4% so với năm 2022.
Là một doanh nghiệp lớn trong ngành, CTCP VICEM Hà Tiên (HT1) cũng chịu tác động chung của thị trường.
CTCP VICEM Hà Tiên hiện đang là đơn vị sản xuất xi măng lớn nhất trực thuộc Tổng Công ty VICEM. Với công suất thiết kế là 7,5 triệu tấn xi măng/năm, từ ngày thành lập năm 1964 đến nay, các sản phẩm mang biểu tượng Kỳ Lân Xanh nổi tiếng của công ty có mặt tại hầu hết các công trình dân dụng và công nghiệp trên khắp miền Nam. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng nắm giữ thị phần cao nhất ở phía Nam.
Theo báo cáo soát xét bán niên 2024 được VICEM Hà Tiên công bố, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của công ty đạt 3.400 tỷ đồng, giảm hơn 280 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 21,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với khoản lỗ 27 tỷ của cùng kỳ năm trước.
Cơ hội nào cho VICEM Hà Tiên?
Đánh giá của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA), năng lực sản xuất của các doanh nghiệp phía Nam chỉ đáp ứng được từ 40 – 60% nhu cầu hàng năm, trái ngược hoàn toàn so với miền Bắc do đặc thù các mỏ đất sét, đá vôi tập trung đến 90% ở Bắc và Bắc Trung Bộ.
Với việc nắm giữ thị phần cao nhất (34,7%) và độ bao phủ tốt (5 nhà máy) ở miền Nam, Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá HT1 đang có lợi thế cạnh tranh đáng kể trong việc đảm bảo đầu ra so với các đối thủ trong khu vực, đặc biệt so với phía Bắc.
KBSV cho biết, HT1 đang có xu hướng dịch chuyển một phần đầu ra sang phân khúc xây dựng hạ tầng, công nghiệp và dự kiến sẽ được bù đắp phần nào sản lượng từ các dự án đầu tư công đang được tăng tốc từ nay đến 2025 (năm cuối kế hoạch đầu tư công trung hạn) tại phía Nam.
Theo chia sẻ của Ban lãnh đạo, hầu hết các công trình hạ tầng trọng điểm phía Nam (trong đó có Sân bay Long Thành) doanh nghiệp đều tham gia cung cấp từ 50 – 100% khối lượng xi măng. Nửa cuối năm sẽ là giai đoạn đẩy nhanh tiến độ thi công, vì vậy KBSV dự phóng sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý 3 và 4 của HT1 có thể đạt ngưỡng 3,1 triệu tấn (tăng 19%), từ đó tổng sản lượng tiêu thụ xi măng 2024 vào khoảng 5,6 triệu tấn (tăng 8,4%).
Năm 2023, sản phẩm xi măng Power Cement giá rẻ mới của công ty được cho ra mắt độc lập hoàn toàn so với thương hiệu VICEM Hà Tiên nhằm cạnh tranh trực tiếp với dòng xi măng giá rẻ ăn sâu vào thị phần của doanh nghiệp. Đồng thời đây cũng là dòng sản phẩm mới kỳ vọng thúc đẩy doanh số trong bối cảnh các nhà máy phải giảm giá bán để kích cầu. Dự kiến sản lượng tiêu thụ của Power Cement có thể đạt khoảng 600 nghìn tấn trong 2024.
Theo VNCA, HT1 đang có sự chuyển đổi, tận dụng nguyên vật liệu thay thế và nhiệt thừa khí thải để tối ưu chi phí sản xuất. Việc áp dụng sớm công nghệ phụ trợ kỳ vọng sẽ đem lại lợi thế trong tương lai. Theo chia sẻ của doanh nghiệp, hiện nay tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu thay thế vào khoảng hơn 20%, đặc biệt tại nhà máy Kiên Lương là hơn 40%, từ đó chi phí nguyên vật liệu dự kiến tối ưu được vào khoảng 3 - 5%, tương ứng 150 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, dự kiến dự án BOT Phú Hữu sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ quý 3/2024 với thời gian khai thác theo phương án hợp đồng là 24 năm, sau khi UBND TP.HCM đã phê duyệt mức giá thu phí tối đa.
Tại ĐHCĐ năm 2024, Vicem Hà Tiên cho biết đã thực hiện đấu thầu và khởi công xây dựng Hệ thống thu phí điện tử tự động không dừng từ ngày 20/3/2024 và dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2024. KBSV cho biết, nếu bắt đầu vận hành trong 2 quý cuối 2024, dự án sẽ đóng góp khoảng 24 tỷ đồng vào lợi nhuận chung 2024 của HT1.
"Chúng tôi cho rằng lợi nhuận của HT1 đã tạo đáy trong năm 2023 và sẽ bắt đầu hồi phục rõ nét hơn trong 2 quý cuối năm 2024. Mặc dù sản lượng tiêu thụ dự kiến chưa có quá nhiều sự cải thiện, KBSV đánh giá việc tập trung tối ưu các chi phí sẽ giúp cho HT1 vượt xa được kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong 2024 (23,2 tỷ đồng), rơi vào khoảng 107,9 tỷ đồng (tăng 509%) với biên lợi nhuận gộp có thể đạt 9,4% (tăng 0,83ppt", công ty chứng khoán này khẳng định.
Đời sống & pháp luật