MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lần đầu tiên Việt Nam sở hữu công nghệ sản xuất động cơ ô tô tiên tiến, một tỉnh miền Trung được rót hơn 5.700 tỷ đồng để xây dựng nhà máy

Theo UBND Thừa Thiên Huế, đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014.

photo-1724426655981

Mới đây, tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế tổ chức lễ động thổ xây dựng nhà máy sản xuất chế tạo động cơ Kim Long Motor. 

"Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, không chỉ với Kim Long Motor mà còn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, nhằm hiện thực hóa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16/7/2014", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nhận định tại buổi lễ.

Theo đó, Công ty Cổ phần Kim Long Motor Huế và Công ty Cổ phần YuChai (Trung Quốc) chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện về sản xuất, chế tạo động cơ tại Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng không chỉ với Kim Long Motor Huế mà còn đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Được biết, nhà máy sản xuất, chế tạo động cơ Kim Long Huế có tổng mức đầu tư là 260 triệu USD (khoảng hơn 5.700 tỷ đồng) được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 tập trung vào sản xuất, chế tạo các loại động cơ phục vụ ngành công nghiệp ô tô dự kiến đi vào hoạt động vào đầu quý 2/2025, mức độ tự động hóa lên đến 90%. 

Cũng trong giai đoạn này, nhà máy ưu tiên sản xuất, lắp ráp các dòng động cơ đốt trong (Diesel), động cơ CNG và động cơ điện với công suất hơn 12.000 động cơ mỗi năm và gia tăng công suất trong những năm tiếp theo. Giai đoạn tiếp theo sẽ tập trung đầu tư sản xuất, chế tạo cầu, hộp số hệ thống truyền động xe ô tô.

Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Việt Nam được bàn giao công nghệ tiên tiến hàng đầu để chủ động sản xuất động cơ ô tô hiện đại và động cơ cho các ngành công nghiệp khác, góp phần hiện thực hóa giấc mơ lâu nay của nhiều thế hệ người Việt và cũng góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sản phẩm của nhà máy được kỳ vọng không chỉ đáp ứng nhu cầu sản xuất của Kim Long Motor, phục vụ thị trường trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu sang khu vực Asean, Hàn Quốc và các thị trường khác. 

Theo UBND Thừa Thiên Huế, dự án Khu liên hợp sản xuất lắp ráp Kim Long Motors Huế là dự án trọng điểm của tỉnh, với những thành công bước đầu đã đạt được, hiện nay, nhà đầu tư đang lập hồ sơ điều chỉnh nâng tổng vốn đầu tư dự án lên khoảng 21.000 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển ngành công nghiệp ô tô, tạo sức lan tỏa để thu hút lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ô tô đầu tư vào địa bàn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Theo Dự thảo Đề cương chiến lược phát triển các ngành thép, ô tô, sữa, thị trường bán lẻ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Công Thương, cả nước hiện có 377 doanh nghiệp ô tô, trong đó có 169 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ 46,43%. Số lượng nhà sản xuất, cung ứng trong nước cho ngành công nghiệp ô tô còn khá khiêm tốn. Tổng số sản phẩm trong ngành này là 1.221, trong đó đa số là sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị của một chiếc ô tô.

Về tỷ lệ nội địa hóa, Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Mục tiêu đề ra là 30 - 40% vào năm 2020, 40 - 45% vào năm 2025 và 50 - 55% vào năm 2030.

Hoàng Nguyễn

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên