"Làn sóng áo vàng" tàn phá như thế nào với kinh tế nước Pháp?
Các cuộc biểu tình "áo vàng" là "một thảm họa" đối với nền kinh tế Pháp, Bộ trưởng Tài chính nước này lên tiếng.
- 10-12-2018Biểu tình “áo vàng” lan từ Pháp sang Bỉ
- 10-12-2018Tổng thống Macron sẽ lên tiếng về cuộc biểu tình “Áo vàng” ở Pháp
- 05-12-20185 con số tiết lộ nguyên nhân đằng sau cuộc biểu tình “Áo vàng” ở Pháp
- 05-12-2018Kinh tế Pháp thiệt hại nặng vì phong trào biểu tình "áo vàng"
- 01-09-2015Cập nhật: Thái Lan bắt nghi phạm đánh bom áo vàng
Nước Pháp đã phải hứng chịu các đợt biểu tình chống tăng thuế nhiên liệu, chi phí sinh hoạt cao và những vấn đề khác suốt bốn ngày cuối tuần liên tiếp.
Khoảng 125.000 người biểu tình đã xuống đường vào thứ Bảy vừa qua, và hơn 1.200 người bị bắt giữ.
Tổng thống Emmanuel Macron dự kiến sẽ công bố các biện pháp chống khủng hoảng trong bài phát biểu với cả nước vào thứ Hai này.
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire gọi tình huống này là "một cuộc khủng hoảng" cho cả xã hội lẫn nền dân chủ.
"Đây là một thảm họa cho việc kinh doanh, và cho nền kinh tế của chúng ta", ông nói trong một chuyến thăm các cửa hàng ở Paris bị hư hại do biểu tình gây ra.
Thủ đô Paris đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề, với các cửa sổ bị đập vỡ, xe hơi bị đốt cháy và nhiều cửa hàng bị cướp phá, vì đã có 10.000 người tham gia biểu tình tại đây.
"Hôm qua có nhiều thiệt hại hơn so với tuần trước" bởi vì các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy vừa qua lan nhanh hơn, phó thị trưởng Emmanuel Gregoire nói với đài phát thanh địa phương.
Tuy nhiên, ông cho biết thêm rằng có ít thương vong hơn so với tuần trước.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian đã đáp trả một cách giận dữ với những dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi ông này cho rằng "Thỏa thuận khí hậu Paris" là lý do dẫn đến tình trạng bất ổn trên.
"Tôi muốn nói điều này với Donald Trump, và Tổng thống của chúng tôi cũng muốn nói như vậy: Đừng can thiệp vào đất nước chúng tôi!", ông Le Drian nói.
Tổng thống Emmanuel Macron - người đang bị dân biểu tình đòi phải từ chức - sẽ có bài phát biểu với cả nước vào lúc 20 giờ tối thứ Hai, theo giờ địa phương.
Theo dự kiến, ông Macron sẽ gặp gỡ các lãnh đạo công đoàn và doanh nghiệp vào buổi sáng cùng ngày, nguồn tin công đoàn cho biết.
Cho đến nay ông Macron vẫn chưa chính thức lên tiếng về điều gì để tránh "đổ thêm dầu vào lửa".
Biểu tình gây thiệt hại kinh tế thế nào?
Vẫn còn quá sớm để tính toàn bộ phí tổn đối với nền kinh tế - nhưng rõ ràng thiệt hại là nghiêm trọng.
Báo Le Parisien cho biết tại thủ đô Paris, khoảng 50 phương tiện đã bị đốt cháy và hàng chục doanh nghiệp bị phá hoại, trong đó có một số bị cướp phá. Chính quyền trong thành phố nói rằng bạo loạn đã gây ra thiệt hại lên đến hàng triệu euro.
Hôm thứ Sáu vừa qua, liên đoàn bán lẻ Pháp nói với hãng tin Reuters rằng các nhà bán lẻ ở nước này đã mất khoảng 1 tỷ euro (khoảng 1,1 tỷ USD) kể từ khi cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 17 tháng 11.
Trước khi các cuộc biểu tình gần đây nhất xảy ra, tuần trước, ông Bruno Le Maire cho biết doanh số của các nhà hàng ở đây đã giảm từ 20% đến 50%.
Francois Asselin, người đứng đầu liên minh các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nói với tờ báo Du du Dimanche rằng tổng cộng, các cuộc biểu tình có thể khiến những thành viên của ông phải mất 10 tỷ euro.
Ngoài ra, có những lo ngại rằng các cuộc biểu tình có thể dẫn đến lượng du khách bị giảm. Trong năm 2017, Paris đã đón một lượng khách du lịch kỷ lục: hơn 40 triệu, văn phòng du lịch Paris cho biết vào tháng trước.
Phong trào "áo vàng" là gì?
Phong trào này khởi đầu là một cuộc biểu tình chống lại sự tăng thuế đối với diesel, loại dầu được sử dụng rộng rãi bởi những người lái xe Pháp và trước giờ vẫn bị đánh thuế nặng hơn các loại nhiên liệu khác.
Giá dầu diesel đã tăng khoảng 23% trong 12 tháng qua - và quyết định của ông Macron về việc tăng thuế thêm 6,5 cent đối với dầu diesel và 2,9 cent đối với xăng dầu kể từ ngày 1 tháng 1 đã khiến những người biểu tình giận dữ.
Ông Macron đổ lỗi cho giá dầu thế giới tăng, nhưng cũng cho rằng đánh thuế cao hơn đối với nhiên liệu hóa thạch là việc làm cần thiết để có ngân sách tài trợ cho các khoản đầu tư năng lượng tái tạo.
Các cuộc biểu tình này được gọi là phong trào "áo vàng" (hay "gilets jaunes" theo tiếng Pháp) vì dòng người tham gia phản đối đã mặc những chiếc áo phản quang màu vàng dễ nhận thấy, như theo quy định của luật pháp nước này dành cho người lái xe.
Kết quả là Chính phủ Pháp đã đồng ý bỏ việc tăng thuế nhiên liệu và giữ nguyên giá điện và khí đốt cho năm 2019.
Tuy nhiên, các cuộc biểu tình cũng "đòi hỏi" về những vấn đề khác, như kêu gọi mức lương cao hơn, thuế thấp hơn, lương hưu tốt hơn và yêu cầu đầu vào đại học dễ dàng hơn.
Mục đích cốt lõi của phong trào - đó là làm nổi bật sự thất vọng kinh tế và mất lòng tin chính trị của các gia đình lao động nghèo hơn - hiện vẫn nhận được sự ủng hộ rộng rãi.
Một cuộc thăm dò ý kiến vào thứ Sáu vừa qua cho thấy tỉ lệ ủng hộ các cuộc biểu tình này đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức khá cao: 66%. Trong khi đó, tỉ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Macron đã giảm xuống mức 23%.
Một vài con số đáng chú ý:
• 17/11: 282.000 người biểu tình - 1 người chết, 409 người bị thương - 73 người bị bắt giam
• 24/11: 166.000 người biểu tình - 84 người bị thương - 307 người bị bắt giam
• 1/12: 136.000 người biểu tình - 263 người bị thương - 630 người bị bắt giam
• 8/12: 136.000 người biểu tình - 118 người bị thương – 1.220 người bị bắt giam