MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đã trở lại trên thế giới?

22-06-2020 - 14:23 PM | Tài chính quốc tế

Thế giới chưa phục hồi xong với làn sóng Covid-19 thứ nhất thì đã đối mặt ngay với làn sóng Covid-19 đang trực chờ.

Cùng với những diễn biến căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên và quan hệ Mỹ-Trung, làn sóng Covid-19 thứ 2 trở lại đang đặt nhiều quốc gia trước những nguy cơ mới. Tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, hơn 200 ca nhiễm Covid-19 đã được phát hiện kể từ hôm 11/6. Ấn Độ đã báo cáo mức tăng kỷ lục Covid-19 lên tới 14.516 ca mắc mới Covid-19, nâng tổng số ca mắc Covid-19 ở nước này lên gần 400.000 ca với gần 13.000 trường hợp tử vong.

Làn sóng Covid-19 thứ 2 đã trở lại trên thế giới? - Ảnh 1.

Kiểm soát Covid-19 tại khu dân cư ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Ảnh: VOV.

Tại châu Mỹ, Brazil và Mỹ tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới kỷ lục khó có thể kiểm soát. Đáng chú ý, có 6 thành viên nhóm vận động tranh cử Tổng thống của ông Donald Trump dương tính với Covid-19. Tại Trung Đông các ca lây nhiễm cũng tăng theo cấp số nhân tương tự. Một loạt các nước châu Âu chỉ vừa mới mở cửa lại biên giới, nay đã chuẩn bị phong toả trở lại.Và trong một diễn biến mới nhất, Tổng giám đốc WHO đã đưa ra cảnh báo “Thế giới bước vào giai đoạn COVID-19 mới và nguy hiểm”.

Diễn biến “làn sóng Covid-19 thứ 2” ở Bắc Kinh

Thực tế các chuyên gia Trung Quốc không coi đây là "làn sóng Covid-19 thứ 2", mà chỉ là đợt dịch bùng phát quy mô nhỏ và vẫn trong tầm kiểm soát. Theo ông Trương Văn Hồng, một chuyên gia nổi tiếng về bệnh truyền nhiễm của Trung Quốc, cái gọi là "làn sóng thứ 2" dùng để chỉ đợt dịch Covid-19 lần thứ 2 bùng phát trên phạm vi toàn cầu vào mùa thu đông. Đến nay, dịch toàn cầu vẫn đang tăng và chưa hết "làn sóng thứ nhất", do vậy nói đến "làn sóng thứ 2" vào lúc này là quá sớm.

Về đợt dịch lần này tại Bắc Kinh, có thể thấy, số người bệnh vẫn tăng đều khoảng 20 ca mỗi ngày và đến ngày 20/6 đã có 227 người mắc Covid-19 ở 10/16 quận trên toàn thành phố. Theo dự báo của chuyên gia, dịch ở Bắc Kinh có thể sẽ còn kéo dài trong nhiều tuần tới, do vậy tác động khá lớn đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là học sinh sinh viên khi các kỳ thi cuối cấp, đại học đang tới gần.

Do dịch khởi phát từ chợ đầu mối lớn nhất Bắc Kinh, thậm chí là châu Á, nên mức độ ảnh hưởng là không nhỏ. Gần 2,3 triệu người đã được lấy mẫu xét nghiệm nhằm ngăn chặn đà lan rộng của dịch bệnh. Chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc nhận định, nếu không được phát hiện kịp thời, dịch bệnh ở Bắc Kinh còn nghiêm trọng hơn Vũ Hán.

Do trong số các mẫu phẩm dương tính với SARS-CoV-2 lấy được tại khu chợ có tới 40 mẫu liên quan đến thực phẩm và môi trường, đặc biệt là đồ đông lạnh nhập khẩu, nên đã gây lo lắng cho người dân. Nhiều nhà hàng, xưởng sản xuất thực phẩm và công ty đồ uống đã buộc phải đóng cửa do có bệnh nhân Covid-19. Hàng loạt các khuyến cáo về xử lý, bảo quản, chế biến đồ ăn đã được chuyên gia đưa ra nhằm trấn an người dân.

Hải quan Trung Quốc cũng đã bắt đầu siết chặt kiểm dịch đối với các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu. Ít nhất 1 công ty thực phẩm của Mỹ và 1 công ty của Đức đã bị tạm ngừng nhập khẩu thịt do có nhân viên mắc Covid-19.

Đợt dịch này đang tạo ra không ít thay đổi về thói quen ăn uống của người dân và hướng nghiên cứu về nguồn gốc cũng như cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 trong giới khoa học Trung Quốc.

Ấn Độ phong tỏa nhiều nhưng số ca Covid-19 vẫn tăng theo cấp số nhân

Tới ngày hôm nay, Ấn Độ đã bước sang tuần thứ 5 kể từ khi kết thúc các đợt phong tỏa đất nước phòng chống dịch bệnh Covid-19 và khởi động lại các hoạt động kinh tế. Kinh tế đang dần phục hồi nhưng với tiến triển rất mong manh bởi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được phát hiện hàng ngày đang gia tăng đáng kể. Có thể nói, kể từ tháng 3, Ấn Độ đã rất nỗ lực để kiềm chế dịch bệnh Covid-19, với một chiến dịch phong tỏa lớn và khắc nghiệt nhất thế giới, khi mọi hoạt động kinh tế xã hội của gần 1,4 tỷ người đã phải dừng lại trong vòng 8 tuần để dành thời gian cho khoanh vùng, chống dịch. Tuy nhiên, hệ quả của chiến dịch phong tỏa toàn quốc này là nền kinh tế Ấn Độ bị đẩy tới ngưỡng khủng hoảng, hàng trăm triệu người mất việc làm và sinh kế, ngân sách cạn kiệt. Đó chính là nguyên nhân Ấn Độ phải tiến hành mở cửa trở lại nền kinh tế.

Trở lại với tình hình lây nhiễm Covid-19 tại Ấn Độ, trong hơn 10 ngày qua, nước này liên tục lập kỷ lục mới về số ca nhiễm được phát hiện trong 24 giờ. Giờ đây, Ấn Độ đã trở thành vùng dịch lớn thứ 4 thế giới với hơn 422.000 người mắc Covid và 13.500 người tử vong. Theo thống kê, Ấn Độ mất 64 ngày để tiến từ ca nhiễm thứ 100 lên con số 100.000 ca nhiễm, mất 15 ngày để vượt qua con số 200.000 người nhiễm, nhưng chỉ mất 10 ngày tiếp theo để tổng số ca nhiễm vượt 300.000.

Vấn đề của Ấn Độ là việc phong tỏa kéo dài nhưng không đi cùng với truy dấu ca bệnh, khoanh vùng, cách ly chống dịch gắt gao và hiệu quả. Bởi vậy nên, chiến dịch chống Covid-19 của Ấn Độ diễn ra không triệt để, chỉ có thể làm chậm lại quá trình tăng chứ chưa thể tạo ra đỉnh dịch hay làm phẳng đồ thị tăng. Nguy cơ lây nhiễm lại càng lớn hơn khi hoạt động của xã hội được cho phép trở lại. Thời gian dịch Covid-19 tại Ấn Độ bùng phát dữ dội mấy tuần gần đây tương ứng với thời điểm mở cửa trở lại.

Cần phải thấy rằng dù đã rất cố gắng, nhưng chính phủ Ấn Độ cũng như chính quyền các bang đã không thể ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm bùng phát. Thứ nhất, cơ sở vật chất và đội ngũ y tế của Ấn Độ chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu ngăn chặn Covid-19. Thứ hai, Ấn Độ tồn tại những điểm nóng tiềm năng cho dịch bùng phát, ví dụ như các sự kiện tôn giáo từ giữa tháng 3 làm phát tán nguồn bệnh, các khu ổ chuột với điều kiện vệ sinh kém, mật độ dân số đông khiến dịch dễ lây lan. Thứ ba là hàng chục triệu người lao động nhập cư mất việc tại các thành phố vì Covid-18 và phải trở về quê mấy tháng qua. Việc họ di chuyển cũng có thể là nguyên nhân khiến các ca bệnh trở nên phức tạp, mất kiểm soát. Mặc dù chính phủ Ấn Độ vẫn tuyên bố nước này chưa có lây nhiễm trong cộng đồng, nhưng với con số ca nhiễm mới như hiện tại, rất khó có thể đảm bảo được điều đó. Người ta còn đưa ra dự báo, Ấn Độ sẽ chỉ có thể đạt đỉnh dịch vào tháng 11 với tốc độ lây lan như hiện tại.

Theo Bích Thuận - Phan Tùng - Hồ Điệp

VOV

Trở lên trên