MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làn sóng hạ lãi suất lan rộng trên toàn cầu

02-08-2024 - 16:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Quyết định của các ngân hàng trung ương lớn trong tuần này cho thấy chính sách tiền tệ trong thời kỳ đại dịch sắp đến hồi kết thúc, nhưng cũng nhấn mạnh rằng con đường trở lại

Làn sóng hạ lãi suất lan rộng trên toàn cầu- Ảnh 1.

Đồng bảng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 1/8 đã cắt giảm lãi suất từ 5,25% xuống 5%. Nói về quyết định này, Thống đốc BoE Andrew Bailey cho biết: "Chúng tôi cần đảm bảo lạm phát ở mức thấp và phải thận trọng để không cắt giảm lãi suất quá nhanh hoặc quá mạnh".

Với động thái này, BoE đã góp mặt cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Canada (BoC) và các ngân hàng trung ương khác trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ thắt chặt, vốn đã được áp dụng để đẩy lùi tình trạng lạm phát leo thang trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Làn sóng lạm phát đó phần lớn hiện đã lắng xuống và lãi suất sẽ giảm từ đây, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong tuần này đã đặt nền tảng cho đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Chín, trong bối cảnh lạm phát ở nước này hiện chỉ cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức mục tiêu 2%.

Chỉ vài tháng trước đây, việc thoát khỏi cuộc chiến chống lạm phát và tình trạng lãi suất cao vẫn còn là một dấu chấm hỏi, khi lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên vào đầu năm, làm Fed phải trì hoãn kế hoạch hạ lãi suất, vốn ban đầu dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng Sáu.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Fed, BoE, BoC và ECB đều biết con đường phía trước - đặc biệt là tốc độ và mức độ cắt giảm lãi suất.

Cuộc tranh luận về vấn đề này đang diễn ra sôi nổi tại ECB. Trong đó, Chủ tịch Christine Lagarde cho biết mọi khả năng đều có thể xảy ra tại cuộc họp tháng Chín của ECB, và một số nhà hoạch định chính sách cho rằng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa nếu số liệu diễn biến như dự kiến.

Trong khi đó, tại Canada, BoC đã chuyển hướng sang hỗ trợ một nền kinh tế hoạt động kém hiệu quả trong thời gian gần đây. Ngân hàng này được dự đoán sẽ hạ lãi suất lần thứ ba liên tiếp vào tháng Chín.

Còn tại Mỹ, thị trường hiện đang dự đoán tình hình kinh tế sẽ diễn biển đủ thuận lợi trong thời gian tới để Fed có thể hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp tiếp theo, chứ không chỉ 0,25 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell lưu ý rằng theo Quy tắc Sahm nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tiến đến suy thoái, khi tỷ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng 0,7 điểm phần trăm kể từ mùa Hè năm ngoái. Quy tắc Sahm nói rằng khi tỷ lệ thất nghiệp trung bình trong ba tháng cao hơn 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp nhất trong 12 tháng trước đó nền kinh tế đã rơi vào suy thoái.

Tình trạng lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ ở những kỳ hạn ngắn cao hơn các kỳ hạn dài trong suốt hơn hai năm qua cũng là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ suy thoái.

Nhưng tăng trưởng và chi tiêu tiêu dùng vẫn mạnh, tỷ lệ thất nghiệp 4,1% vẫn còn thấp so với mặt bằng trong lịch sử, và gần như không có dấu hiệu cho thấy tình trạng căng thẳng trên diện rộng.

Nhận thấy tất cả những điều đó, ông Powell nhận định rủi ro suy thoái hiện tại là thấp. Ông cho biết thời kỳ đại dịch này đi ngược lại rất nhiều quy tắc.

Đó là lý do tại sao đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ chỉ là sự khởi đầu của một hành trình, trong đó các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tìm cách định hình bảng cân đối kế toán và chính sách lãi suất để phù hợp với những thực tế mà chính họ cũng không hiểu một cách đầy đủ.

Chủ tịch Fed cho biết: "Lãi suất sẽ giảm từ đây, nhưng tôi không muốn cố gắng đưa ra những định hướng cụ thể về thời điểm và tốc độ của việc này, vì tôi nghĩ rằng điều đó thực sự sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế".

Theo Khánh Ly/TTXVN

Báo tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên