MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Láng giềng Việt Nam mạnh tay cấm xuất khẩu hàng loạt khoáng sản thô: Át chủ bài để "giàu bền vững"?

16-04-2023 - 15:35 PM | Tài chính quốc tế

Láng giềng Việt Nam mạnh tay cấm xuất khẩu hàng loạt khoáng sản thô: Át chủ bài để "giàu bền vững"?

Đặt mục tiêu phát triển mạnh ngành chế biến kim loại trong nước, Indonesia đang có những động thái để "bảo vệ" ngành công nghiệp nội địa và nâng cao thu nhập của người dân.

Lệnh cấm xuất khẩu

Là nguyên liệu đầu vào quan trọng trong sản xuất pin lithium-ion cần thiết cho xe điện (EV), niken đang dần trở thành mặt hàng "nóng" với mức tiêu thụ ngày càng cao trên các thị trường. Trong khi đó, Indonesia là quốc gia có trữ lượng quặng niken lớn nhất thế giới.

Do nhu cầu về xe điện dự kiến sẽ tăng cao trong những năm tới, các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên đang khám phá những cách hiệu quả nhất để tận dụng tình hình.

Trong thời gian gần đây, các quan chức Indonesia tỏ ra không hài lòng với các hoạt động khai thác và xuất khẩu kim loại quý thô với giá trị tương đối thấp. Quốc gia này đang hiện đang muốn gia tăng thêm nhiều giá trị hơn cho kim loại thô bằng cách đẩy mạnh chế biến và sản xuất trong nước.

Đây là lý do đằng sau một loạt lệnh cấm xuất khẩu quặng niken gần đây. Chiến lược này được cho là sẽ giúp thu hút khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD vào ngành công nghiệp chế biến niken hạ nguồn của Indonesia.

Láng giềng Việt Nam mạnh tay cấm xuất khẩu hàng loạt khoáng sản thô: Át chủ bài để "giàu bền vững"? - Ảnh 1.

Với các hoạt động khai thác và luyện kim ngày càng được địa phương hóa, một số công ty công nghệ hàng đầu toàn cầu đã đưa ra những cam kết lớn để đầu tư vào sản xuất pin và xe điện ở Indonesia. Ít nhất là trong ngắn hạn, quyết định cấm xuất quặng niken chưa qua chế biến ra thị trường toàn cầu đã giúp Indonesia đạt được mục tiêu thúc đẩy đầu tư vào các hoạt động kinh tế làm tăng giá trị cho kim loại này, cũng như tạo ra nguồn lợi lớn hơn cho đất nước về lâu dài.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia Arsjad Rasjid, giá trị xuất khẩu niken của nước này đạt 20,9 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến sẽ vượt 30 tỷ USD vào năm 2022, từ mức chỉ 1,1 tỷ USD vào cuối năm 2014. Ông Arsjad tin rằng lệnh cấm xuất khẩu có thể mang lại lợi ích cho nền kinh tế Indonesia.

Tuy nhiên, Indonesia vẫn cần thận trọng với chiến lược dài hơi này. Nếu việc thắt chặt nguồn cung niken làm tăng chi phí sản xuất pin điện lên quá cao, các công ty công nghệ lớn sẽ đầu tư để tìm ra công nghệ thay thế để làm ra pin mà không cần tới niken.

Indonesia sẽ rơi vào một "canh bạc lớn" nếu cho rằng pin xe điện sẽ luôn phụ thuộc vào niken. Nếu giá quá cao và chuỗi cung ứng bị chính trị hóa quá mức, các công ty sẽ bắt đầu tìm cách phát triển pin không chứa niken — và trên thực tế các nghiên cứu đã được tiến hành.

Mặt trái của việc từ chối các đối tác vì lợi ích kinh tế ngắn hạn cũng cần được xem xét. Mặc dù Indonesia có niken, nhưng nước này không thể sản xuất pin hoặc xe điện nếu không có công nghệ và bí quyết từ những công ty lớn mạnh trong ngành như CATL của Trung Quốc, Tập đoàn LG của Hàn Quốc hoặc các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Indonesia cần sự hỗ trợ của họ để nâng cao chuỗi giá trị cũng như họ cần niken của Indonesia.

Các thị trường giàu tài nguyên như Indonesia thường chịu thiệt trong chuỗi cung ứng sản phẩm, đặc biệt trong các ngành công nghiệp khai khoáng. Indonesia đang thể hiện mục tiêu tự vươn lên thông qua các lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ và than đá vào đầu năm 2022, do giá cả toàn cầu cao đe dọa đến tình trạng thiếu hụt trong nước. Điều này cũng thể hiện rõ qua cách Indonesia bác bỏ phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng lệnh cấm xuất khẩu quặng niken vi phạm các cam kết của Indonesia theo Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại.

Mục tiêu lớn của Indonesia

Bauxite cũng là một kim loại mà Indonesia cấm xuất khẩu thô ra nước ngoài. Thông qua lệnh cấm xuất bauxite thô, Tổng thống Indonesia Joko Widodo hy vọng có thể tạo ra nhiều giá trị hơn trong nước, tạo ra nhiều việc làm hơn, tăng dự trữ ngoại hối nhiều hơn và có thể đạt được tăng trưởng kinh tế công bằng hơn.

Láng giềng Việt Nam mạnh tay cấm xuất khẩu hàng loạt khoáng sản thô: Át chủ bài để "giàu bền vững"? - Ảnh 2.

Indonesia đặt kỳ vọng tăng trưởng kinh tế rất lớn đối với các khu vực có trữ lượng bauxite và nơi chuỗi công nghiệp bauxite sắp được phát triển.

"Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán việc phân phối trong nước để giá trị gia tăng trong nước tiếp tục phục vụ cho sự tiến bộ và phúc lợi của người dân", Tổng thống Widodo viết trên Facebook vào ngày 21/12/2022.

Các lệnh cấm xuất niken và bauxite thô sẽ không phải lệnh cấm cuối cùng tại Indonesia.

Theo Luật Khai thác mỏ của Indonesia, việc xuất khẩu các loại khoáng sản chưa qua chế biến khác như đồng cũng sẽ bị dừng lại, mặc dù thời điểm cấm xuất khẩu các loại khoáng sản khác chưa được xác định cụ thể.

Mục tiêu quyết liệt này được thể hiện qua tuyên bố của Tổng thống Widodo: "Về cơ bản, xét cho cùng thì chúng tôi không muốn bán nguyên liệu thô. Chúng tôi muốn bán thứ gì đó đã được chế biến qua."

Theo Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên