Làng thần kỳ Nhật Bản: Từ nghèo nhất nước tới thu nhập bình quân hơn 200.000 USD/năm nhờ trồng xà lách
Từng là ngôi làng nghèo nhất Nhật Bản thập niên 60, 70 của thế kỷ 20, hiện tại nhờ trồng xà lách, Kawakami được gọi là "làng thần kỳ" bởi những đổi thay mà loại rau này mang lại cho người dân nơi đây.
- 28-05-2016Toàn văn bài phát biểu lay động lòng người của Tổng thống Mỹ Obama tại Hiroshima, Nhật Bản
- 26-05-2016Giới trẻ Nhật Bản muốn "làm việc cho đến chết"
- 26-05-2016Ông Obama nói lời xin lỗi ở Nhật Bản
Có một ngôi làng nhỏ bé nằm ở tỉnh Nagano của Nhật Bản mang tên Kawakami - đất đai cằn cỗi, nằm sâu trong vách núi, xa đường lớn, dân số khoảng 3.960 người và là làng nghèo nhất nước Nhật vào thập niên 60 – 70 của thế kỷ 20.
Tuy nhiên, năm 2014, tuần san nổi tiếng của Nhật Bản là Shukan Gendai đã dành hẳn 3 trang giấy đề nói về sự “thần kỳ” của ngôi làng này. Dĩ nhiên có rất nhiều lý do để tờ Shukan Gendai làm như vậy.
Đầu tiên: Hiện tại Kawakami là ngôi làng giàu có nhất Nhật Bản. Thu nhập bình quân hàng năm của các hộ dân ở đây là 25 triệu yên (tương đương hơn 200.000 USD).
Bạn có thể tin được không, 25 triệu yên? Vậy thu nhập này tới từ đâu, chủ yếu là nhờ trồng… rau xà lách.
Thứ 2: Kawakami là một trong những nơi có người dân khỏe mạnh và tuổi thọ cao nhất của Nhật Bản.
Thứ 3: Những người trẻ tuổi tại Kawakami không đổ xô tới những thành phố lớn mà đa phần họ ở lại quê hương và phát triển tương lai ở đây.
Cho tới giờ, làng Kawakami đã trở thành biểu tượng cho tiềm năng nông nghiệp Nhật Bản. Vậy điều gì đã tạo nên sự "thần kỳ" của Kawakami?
Khát vọng đổi đời
Mayor Tadahiko Fujiwara, 76 tuổi một người dân của ngôi làng Kawakami đồng thời là tác giả cuốn sách có tựa để “Farm Village with a ¥25 Million Average Income” (Ngôi làng có thu nhập bình quân hàng năm 25 triệu yên) vẫn còn nhớ rõ thời điểm cả dân làng chìm trong cảnh nghèo khổ.
Bước ngoặt đổi đời của nông dân Kawakimi tới vào trước thời điểm chiến tranh với Mỹ nổ ra. Người Mỹ muốn ăn xà lách và họ nhận ra khí hậu khô, lạnh của Kawakami là môi trường hoàn hảo để trồng loại rau này. Sau khi người Mỹ rời đi, khẩu vị người Nhật cũng dần bị “tây hóa” và họ trở nên ưa thích loại rau này bởi nó có lợi cho sức khỏe và rất ngon.
Nhận thấy nhu cầu cao, năm 1980, một vị trưởng làng đã đứng lên kêu gọi người dân canh tác rau theo tiêu chuẩn chung của làng, những người vi phạm sẽ bị cấm sản xuất. Làng có hẳn một kênh truyền hình để thông tin về thị trường hàng ngày và thông qua hướng dẫn của kênh truyền hình này, kỹ thuật canh tác đảm bảo 100 hộ như một. Rau của làng Kawakami sản xuất ra có thể ăn tươi ngay tại vườn.
Ngoài việc áp dụng nghiêm ngặt những kỹ thuật cao vào canh tác, nếu có dịp tới thăm Kawakami, bạn sẽ phải thốt lên kinh ngạc khi chứng kiến những người cao tuổi trong làng vẫn hăng hái làm việc trên các cánh đồng rau.
Theo thống kê, nông dân tại Kawakami có khoảng 10% trong độ tuổi 30 còn 20% khoảng 40 tuổi so với mức trung bình của cả nước lần lượt là 3,2% và 5%.
Tuy nhiên điều đáng nói là 63% người dân địa phương trên 65 tuổi vẫn làm việc và không hề bất ngờ khi chứng kiến những người đã 70 – 80 tuổi vẫn làm việc chăm chỉ, đặc biệt là vào mùa hè.
Các công việc của nông dân Kawakami bao gồm – thu hoạch, vận chuyển, trồng cấy thường diễn ra trong 4 tháng (tháng 6 đến tháng 10), 8 tháng còn lại do nhiệt độ xuống quá thấp (dưới 20 độ C) nên không thể canh tác được.
Một ngày làm việc lúc mùa vụ của nông dân Kawakami thường bắt đầu vào lúc 2 giờ sáng dưới sự trợ giúp của ánh đèn pha. Họ trở về nhà lúc 5 giờ chiều, tắm rửa, ăn tối và đi ngủ.
Dù thời gian canh tác ít là vậy nhưng năng suất cao nên người dân Kawakami có thu nhập đáng ngưỡng mộ. Riêng năm 2014, Kawakami đã cung cấp ra thị trường trong nước được 60.000 tấn rau xà lách, thu về 16 tỉ yên.
Thống kê cho thấy thu nhập bình quân hàng năm của các hộ dân ở Kawakami đạt 25 triệu yen (tương đương hơn 200.000 USD), đưa Kawakami trở thành ngôi làng giàu có nhất Nhật Bản thời điểm hiện tại.
Đến mùa đông khi không phải canh tác, một vài người trong làng chọn cách bay tới Hawaii hoặc Thái Lan để nghỉ dưỡng một số khác không để sự giàu có biến mình trở nên lười biếng, họ tới các resort và nhà máy gần đó để làm thêm.
Mang làng thần kỳ tới Việt Nam
Dựa trên mô hình “làng thần kỳ” Kawakami, ông Hironosi Tsuchiya đã bắt ta hợp tác hiện thực hóa mô hình này tại thôn Đạ Nghịt, Đà Lạt tỉnh Lâm Đồng trên diện tích 13 ha.
Hiện tại sản phẩm xà lách của liên doanh này được xuất khẩu qua Nhật để phục vụ trước tiên cho nhu cầu tiêu dùng của người dân làng Kawakami trong các tháng không thể canh tác được do thời tiết giá lạnh.
Mục tiêu lớn hơn của họ là sản phẩm này sẽ được phân phối vào hàng chục ngàn siêu thị và cửa hàng tiện lợi của người Nhật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trí thức trẻ/Cafebiz