MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo Hiệp hội Thép: Mức độ ảnh hưởng môi trường của các nhà máy thép phụ thuộc quy trình xử lý

Trong bối cảnh dư thừa sản xuất thép trên thế giới và cả Việt Nam, việc cấp phép đầu tư cho các dự án thép có quy mô lớn như Formosa cần phải tính toán và cân nhắc kỹ lưỡng.

Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã nói với chúng tôi như vậy xunh quanh câu chuyện cá chết trắng dọc ven biển miền Trung và nghi vấn xả thải từ nhà máy luyện gang thép của Formosa tại Hà Tĩnh.

Thưa ông, nếu một dự án thép có đường ống xả xuống biển như của Formosa, thì liệu rằng những chất thải từ sản xuất thép có làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức cá chết hàng loạt dọc biển miền Trung?

Vấn đề này tôi không thể trả lời được. Bởi tôi không nắm được thiết kế, quy trình sản xuất của Formosa hiện tại. Cần phải chờ đợi thực tế kiểm tra của các cơ quan chuyên ngành về đánh giá tác động môi trường, kiểm tra môi trường mà công ty này đã làm.

Vậy không nói riêng gì công trình của Formosa, mà với các công trình thép nói chung thì nếu trong trường hợp có sự xả thải ra môi trường, đặc biệt ở vùng biển thì liệu có tác động ra môi trường hay không?

Có thể có nếu như chất thải đó không xử lý hoặc xử lý chưa tốt. Những nhà máy gang thép đều có ảnh hưởng đến môi trường, còn mức độ ảnh hưởng lớn như thế nào thì tùy thuộc vào từng nhà máy cụ thể, từng thiết bị xử lý môi trường của nhà máy đó.

Trong một phát biểu ngày hôm qua (25/4) của GĐ Đối ngoại của Formosa nói rằng đã xả thải thì phải tác động đến môi trường, nên phải chọn hoặc là thép hoặc tôm cá. Ông nghĩa sao về lời phát biểu này?

Với phát biểu này, nghĩa là người ta đã công nhận thải chất độc hại ra ngoài, nên mới nói là chọn tôm cá hay nhà máy thép, muốn chọn cái nào? Đó là sự công nhận của những người ở Formosa.

Vấn đề này đặt ra cho cơ quan chức năng quản lý về môi trường, đã phê duyệt thì phải đánh giá tác động môi trường, sau đó phải thường xuyên kiểm tra tác động của dự án đến môi trường như thế nào, các cơ quan chức năng phải làm liên tục.

Đường ống xả thải được cấp phép là đương nhiên phải có rồi, nhưng vấn đề là họ xả thải như thế nào, xử lý chất thải đó có đạt tiêu chuẩn về xả thải hay không?

Đây là dự án đầu tư nước ngoài có quy mô lớn. Vậy nếu Formosa đi vào hoạt động thì nhà máy thép này có vị trí như thế nào đối với ngành thép?

Riêng trong giai đoạn I, khi Formosa đi vào hoạt động đã trở thành nhà máy thép lớn nhất Việt Nam, lớn nhất Đông Nam Á nữa. Dự án này đầu tư chủ yếu sản phẩm thép dẹt, trong khi Việt Nam đang dư thừa thép dài, là thép cây, thép dây cuộn, thép hình nhỏ và một số sản phẩm gia công sau cán như ống thép và tôn mạ.

Song với thép dẹt và nhất là khâu đầu tiên là cán nóng thì ta chưa có cơ sở nào. Do đó, nếu dự án này đi vào hoạt động giai đoạn đầu thì có thêm phần cân đối cho thị trường.

Ông có biết được công nghệ mà Formosa sử dụng trong sản xuất gang thép ở dự này hay không?

Tôi chưa cầm thông tin và dự án của Formosa nên chưa đánh giá được vấn đề này.

Từ câu chuyện này ông nhìn nhận thế nào về việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao, đặc biệt trong ngành thép?

Riêng việc thu hút đầu tư vào ngành thép, tôi cho rằng trong bối cảnh thế giới hiện nay ngành thép đang cung lớn hơn cầu, đặc biệt thể hiện rõ ở Trung Quốc.

Giải quyết cung lớn hơn cầu không phải một sớm một chiều mà kéo dài trong nhiều năm. Do vậy thu hút đầu tư vào ngành thép như thế nào là câu hỏi đang phải suy nghĩ và xem xét hết sức cẩn trọng.

Cẩm An (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên