Lãnh đạo liên tục bị khởi tố, VEAM hoạt động ra sao?
Tính đến cuối tháng 6-2024, giá trị tổng tài sản của VEAM đạt 30.040 tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chỉ chiếm 1,2% (tương đương 370 tỉ đồng).
- 12-06-2024VEAM mang 'đất vàng' số 4 Chu Văn An đi hợp tác với công ty nào?
- 09-04-2024VEAM chấp thuận đơn từ nhiệm của thành viên HĐQT
- 29-12-2023Chuyển nhượng đất gây thất thoát 165 tỷ đồng, dàn cựu lãnh đạo Tổng Công ty VEAM lĩnh án
Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM, mã chứng khoán: VEA) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, trong nửa đầu năm, doanh thu thuần của VEAM đạt gần 1.923 tỉ đồng, giảm 2,8% so với cùng kỳ.
Nhờ phần lãi trong công ty liên doanh liên kết tăng 4,4%, lên mức 2.865 tỉ đồng cùng các chi phí giảm nên lãi sau thuế của VEAM đạt đến 3.257 tỉ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lợi nhuận của VEAM vẫn duy trì ở mức ngàn tỉ và tăng trưởng nhẹ trong bối cảnh nhiều nhân sự cấp cao liên tiếp bị khởi tố.
Cụ thể, hồi tháng 6-2024, Công an TP Hà Nội đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Phan Phạm Hà, Tổng Giám đốc VEAM, về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đầu tháng 10-2023, ông Nguyễn Thanh Giang, cựu Tổng Giám đốc VEAM, và Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc VEAM, cũng bị Công an TP Hà Nội khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Thế nhưng, dù có lãi ngàn tỉ nhưng VEAM vẫn bị đơn vị kiểm toán là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY ngoại trừ khá nhiều vấn đề. Cụ thể, Kiểm toán lưu ý tại ngày 30-6, VEAM chưa đánh giá khả năng thu hồi đối với các khoản phải thu đã quá hạn thanh toán với giá trị gần 46 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, VEAM chưa đánh giá giá trị thuần có thể thực hiện của hàng tồn kho, chậm luân chuyển tại công ty gần 72 tỉ đồng.
Một số khoản chi phí treo lại chờ xử lý tại ngày 30-6 với giá trị 466 tỉ đồng (bao gồm chi phí lãi vay, khấu hao, tiền thuê đất của nhà máy xốp ngừng hoạt động từ năm 2015 và chi nhánh Bắc Kạn của Công ty CP Vật tư Thiết Bị Toàn bộ (Matexim) đang được phản ánh trên khoản mục chi phí trả trước và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
Tại báo cáo tài chính này, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh người đọc về dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung đang tồn đọng, giá trị chi phí xây dựng cơ bản dở dang có thể phụ thuộc vào phán quyết của cơ quan có thẩm quyền trong tương lai.
Ngoài ra, "Dự án di chuyển và xây mới nhà máy sản xuất máy kéo nhỏ" được phê duyệt ngày 31-7-2024, thời gian thực hiện từ quý IV/2016 đến quý I/2023 nhưng VEAM chưa hoàn tất các thủ tục gia hạn dự án...
Tính đến cuối tháng 6-2024, tổng tài sản của VEAM có giá trị 30.040 tỉ đồng, tăng 10% so với đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền chiếm tỉ trọng chỉ 1,2% (tương đương 370 tỉ đồng).
Nợ phải trả của VEAM giảm 16% so với đầu năm 2024, xuống còn 1.173 tỉ đồng, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 137 tỉ đồng, giảm 5 tỉ đồng so với đầu năm 2024.
Người Lao động