VEAM mang 'đất vàng' số 4 Chu Văn An đi hợp tác với công ty nào?
Mang 3,6ha “đất vàng” Chu Văn An đi góp vốn, song VEAM lại chỉ nắm 26% tỷ lệ sở hữu tại công ty dự án thông qua công ty con, còn lại do đối tác nắm giữ.
Ngày 11/6/2024, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đã có văn bản số 331/VEAM-VPHĐQT công bố thông tin về việc doanh nghiệp này nhận được Thông báo của Cơ quan CSĐT - Công an TP.Hà Nội liên quan đến Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Phan Phạm Hà- cựu Tổng Giám đốc VEAM.
Ông Hà bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Thông tin cụ thể về sai phạm của ông Phan Phạm Hà chưa được công bố.
Ngày 10/6/2024, HĐQT VEAM đã ban hành Quyết định số 34/QĐ-HĐQT về việc bãi nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc đối với ông Phan Phạm Hà.
Trước đó, hồi tháng 10/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại VEAM.
Được biết, VEAM là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Công Thương. Tập đoàn có vốn điều lệ 13.288 tỷ đồng, trong đó Bộ Công Thương sở hữu 88,5% vốn.
Là doanh nghiệp Nhà nước, VEAM có lợi thế nắm giữ nhiều tài sản là những khu đất có vị trí đắc địa như: Lô D, khu D1, Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội) hiện là tòa nhà VEAM Tây Hồ; 920m2 đất số 25 Vũ Ngọc Phan (phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội); Khu đất hơn 28,8ha làm cơ sở sản xuất kinh doanh nhà máy ô tô VEAM tại phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa); Nhà đất số 37 Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM)…
Công ty con của VEAM là Công ty TNHH MTV Máy kéo và máy nông nghiệp (TAMAC) đang sở hữu khu đất hơn 3,6ha tại số 4 phố Chu Văn An (phường Yết Kiêu, Hà Đông, Hà Nội).
Khu đất này từ năm 2010 đã được TAMAC mang đi hợp tác đầu tư cùng CTCP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (CIRI) để làm dự án tổ hợp thương mai, văn phòng cho thuê và nhà ở Five Star Hà Đông.
Để thực hiện dự án, TAMAC và CIRI lập ra công ty dự án là Công ty TNHH Năm Sao Hà Nội. Năm sao Hà Nội được thành lập vào tháng 4/2011, ngành nghề kinh doanh chính là Hoạt động xây dựng chuyên dụng khác.
Vốn điều lệ ban đầu là 172 tỷ đồng, trong đó TAMAC góp 44,72 tỷ đồng nắm 26% vốn điều lệ; 74% vốn còn lại thuộc sở hữu của CIRI. Tháng 10/2017, Năm Sao Hà Nội tăng vốn lên 500 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu không thay đổi.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của VEAM, giá gốc khoản đầu tư của doanh nghiệp này tại dự án Five Star Hà Đông là 45,112 tỷ đồng (bằng giá trị đánh giá lại của năm 2017).
Theo Hợp đồng nguyên tắc số 03/2010/HĐNT giữa TAMAC và CIRI, phía Công ty Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất đã chuyển gần 89 tỷ đồng cho chủ sở hữu đất di dời nhà máy đến địa điểm mới để thực hiện dự án Five Star Hà Đông trên khu đất số 4 Chu Văn An.
Về đối tác CIRI của VEAM, doanh nghiệp này được biết đến là "hạt nhân" của Tập đoàn GFS.
Chủ tịch HĐQT của GFS là ông Phạm Thành Công (SN 1958). Ông Công cũng giữ chức danh lãnh đạo của nhiều đơn vị thành viên trong hệ thống Tập đoàn GFS.
GFS hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án nhà ở tại Thủ đô với thương hiệu “Five Star” gồm: Five Star Mỹ Đình, Five Star Residence, Five Star Hà Đông, Five Star West Lake và Five Star Trường Chinh.
An ninh tiền tệ