MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo ngân hàng có quan ngại khi áp dụng Basel II?

20-11-2016 - 08:29 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo chuyên gia khi các ngân hàng áp dụng Basel II sẽ thay đổi gần như toàn bộ phương thức kinh doanh cũng như quản lý rủi ro từ khâu quản trị doanh nghiệp đến quy trình, giải pháp, công cụ hệ thống đánh giá,…Đây là tiêu chuẩn không mới đối với các ngân hàng trong khu vực nhưng đầy thách thức với các ngân hàng Việt Nam.

Các ngân hàng ở Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm nay nhờ nhu cầu tín dụng mạnh mẽ, điều kiện kinh tế vĩ mô lành mạnh và quá trình hợp nhất đang diễn ra của các ngân hàng. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn còn có những quan ngại về tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi ở mức cao. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần nhấn mạnh rằng tốc độ và chất lượng tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát chặt chẽ, đặc biệt là tín dụng sử dụng cho các doanh nghiệp với những rủi ro tiềm ẩn cao.

Tại Hội thảo về Thách thức và sáng kiến trong quản lý rủi ro tín dụng dành cho ngành ngân hàng do HPT, SAS và EY Việt Nam tổ chức mới đây, ông Lê Trung Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết nhắc đến kinh doanh ngân hàng là phải nói đến quản lý rủi ro tín dụng, đây là rủi ro cố hữu và là rủi ro lớn nhất mà ngân hàng gặp phải.

HIện nay các ngân hàng đều có bộ phận quản lý rủi ro, tuy nhiên trong thời gian tới, các ngân hàng sẽ áp dụng Basel II nên đứng trước nhiều thách thức.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước này được coi là tiêu chuẩn tối thiểu để đánh giá các rủi ro mà ngân hàng phải đối mặt, cũng như nhằm tăng cường hiệu quả trong các hoạt động kinh doanh và quản lý nguồn vốn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Basel II có 3 trụ cột chính. Trụ cột thứ I liên quan tới việc duy trì vốn bắt buộc. Theo đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I. Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường. So với Basel I, cách tính chi phí vốn đối với rủi ro tín dụng có sự sửa đổi lớn, đối với rủi ro thị trường có sự thay đổi nhỏ, nhưng hoàn toàn là phiên bản mới đối với rủi ro vận hành. Trọng số rủi ro của Basel II bao gồm nhiều mức (từ 0%-150% hoặc hơn) và rất nhạy cảm với xếp hạng.

Trụ cột thứ II: liên quan tới việc hoạch định chính sách ngân hàng, Basel II cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những “công cụ” tốt hơn so với Basel I. Trụ cột này cũng cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại (residual risk).

Basel II nhấn mạnh 4 nguyên tắc của công tác rà soát, giám sát: Thứ nhất, các ngân hàng cần phải có một quy trình đánh giá được mức độ đầy đủ vốn nội bộ theo danh mục rủi ro và phải có được một chiến lược đúng đắn nhằm duy trì mức vốn đó. Thứ hai, các giám sát viên nên rà soát và đánh giá việc xác định mức độ vốn nội bộ và chiến lược của ngân hàng, cũng như khả năng giám sát và đảm bảo tuân thủ tỉ lệ vốn tối thiểu; giám sát viên nên thực hiện một số hành động giám sát phù hợp nếu họ không hài lòng với kết quả của quy trình này. Thứ ba, giám sát viên khuyến nghị các ngân hàng duy trì mức vốn cao hơn mức tối thiểu theo quy định. Thứ tư, giám sát viên nên can thiệp ở giai đoạn đầu để đảm bảo mức vốn của ngân hàng không giảm dưới mức tối thiểu theo quy định và có thể yêu cầu sửa đổi ngay lập tức nếu mức vốn không được duy trì trên mức tối thiểu.

Trụ cột thứ III, các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.

Như vậy, quá trình phát triển của Basel và những Hiệp ước mà tổ chức này đưa ra, các ngân hàng thương mại càng ngày càng được yêu cầu hoạt động một cách minh bạch hơn, đảm bảo vốn phòng ngừa cho nhiều loại rủi ro hơn và do vậy, hy vọng sẽ giảm thiểu được rủi ro.

Theo đại diện của NHNN, các yếu tố khách quan từ môi trường kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính ngân hàng thay đổi nhanh, chịu tác động lớn từ bên ngoài do quá trình hội nhập khiến việc dự báo các diễn biến liên quan đến rủi ro tín dụng trở nên khó khăn và kém chính xác hơn. Ví dụ như câu chuyện tỷ giá, lãi suất, … các cú sốc khiến dự báo càng khó khăn và phức tạp hơn.

Ngoài ra, môi trường cạnh tranh ngày càng cao, ngân hàng tìm kiếm các phân khúc thị trường mới như cho vay tiêu dùng, mở rộng thị trường các nước xung quanh, vùng sâu xa, trong bối cảnh rủi ro quản lý rủi ro còn bất cập, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng dịch vụ.

Môi trường pháp lý chưa đồng bộ khiến cho việc áp dụng theo thông lệ quốc tế vào quản trị rủi ro tín dụng chưa thuận lợi. NHNN chưa đưa ra quy chuẩn nào về quản trị rủi ro, thiếu cơ sở pháp lý cho các ngân hàng vận hành; quy định về chuẩn mực kế toán liên quan đến hạch toán kế toán nợ xấu vẫn chưa được áp dụng đầy đủ, trích lập dự phòng, quy định xử lý tài sản đảm bảo. Thêm nữa, thị trường chính thức tại Việt Nam còn chưa phát triển nên việc xác định giá trị tài sản bảo đảm theo giá thị trường.


Ông Lê Trung Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN.

Ông Lê Trung Kiên – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN.

“Thông tin tín dụng còn bất cập so với các yêu cầu theo tiêu chuẩn quôc tế. Khi triển khai Basel II, chúng tôi đã tiến hành phân tích kép các khoảng cách so với Basel II, hiện nay các thông tin tín dụng chỉ đáp ứng được 45% yêu cầu còn 55% yêu cầu nữa cần được cải thiện để đảm bảo có đủ thông tin để phát triển các mô hình và hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ”, đại diện NHNN cho biết.

Điều quan trọng nữa là Việt Nam hiện chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, số lượng khách hàng có xếp hạng tín nhiệm không đáng kể.

Về phía chủ quan của ngân hàng, từ khi NHNN yêu cầu các TCTD áp dụng Basel II thì nhận thức về vai trò quản lý của HĐQT, Ban điều hành và các bộ phận của các ngân hàng đã có cải thiện đáng kể nhưng vẫn còn bất cập do quan ngại khi áp dụng chuẩn mực mới sẽ ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh, thị phần trong vài năm tới. Vì khi áp dụng Basel II sẽ thay đổi gần như toàn bộ phương thức kinh doanh cũng như quản lý rủi ro từ khâu quản trị doanh nghiệp đến quy trình, giải pháp, công cụ hệ thống đánh giá,…

Ông Kiên dẫn chứng, theo khảo sát hiện rất ít ngân hàng đạt được chuẩn mực như trên mặc dù các ngân hàng đã làm nhiều giải pháp nhưng việc chỉ ra 1 con số tác động cụ thể đến kinh doanh hay thiết thực nhất là cổ tức của cổ đông HĐQT vẫn chưa đưa ra được câu trả lời rõ ràng.

Cũng theo phân tích của vị chuyên gia trên, nguồn nhân sự quản lý rủi ro tín dụng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu khi quản lý rủi ro tín dụng theo thông lệ quốc tế; Cơ sở dữ liệu, CNTT, quản trị thông tin còn lạc hậu, chưa tạo đầy đủ cơ sở hạ tầng để quản lý rủi ro; Khả năng đầu tư dành cho quản lý rủi ro còn hạn chế do chi phí cao nhất là đối với các ngân hàng quy mô nhỏ...

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên