MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao việc giảm hệ số CAR xuống 8% không áp dụng ngay mà phải chờ đến 3 năm nữa?

17-01-2017 - 11:36 AM | Tài chính - ngân hàng

Dường như NHNN đã xác định được rất nhiều khó khăn mà hệ thống đang gặp phải...

NHNN vừa qua đã ban hành Thông tư số 41/2016/TT-NHNN (thông tư 41) quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo quy định tại Thông tư 41, kể từ ngày 1/1/2020, ngân hàng không có công ty con, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thường xuyên duy trì tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối thiểu 8%.

Đối với các ngân hàng có công ty con, Thông tư quy định ngân hàng đó phải có tỷ lệ an toàn vốn xác định trên cơ sở báo cáo tài chính của ngân hàng tối thiểu 8%. Đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất xác định trên cơ sở báo cáo tài chính hợp nhất của ngân hàng tối thiểu 8%.

Như vậy, hệ số CAR sẽ được điều chỉnh giảm từ mức 9% đang áp dụng xuống còn 8% sau 3 năm nữa.

Giới phân tích cho rằng, việc hạ yêu cầu về CAR là mở đường cho việc áp dụng basel II của toàn hệ thống theo lộ trình tại dự thảo đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn 2. Bởi với basel II, một trong các yêu cầu mà các ngân hàng phải tuân thủ là có hệ số CAR từ 8% trở lên.

Nhưng câu hỏi đặt ra là, vì sao cơ quan quản lý không cho các ngân hàng áp dụng luôn yêu cầu mới về CAR này ngay trong năm nay, khi mà thời gian thí điểm áp dụng basel II với 10 ngân hàng lớn nhất hệ thống đang đến gần, dự kiến thực hiện từ tháng 9/2017?

Trao đổi với chúng tôi, Tiến sĩ, luật sư Bùi Quang Tín cho rằng, việc ban hành thông tư 41 vào đầu năm nay và cho phép các ngân hàng có 3 năm để chuẩn bị để áp dụng thông tư này là hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, NHNN đã xác định được rất nhiều khó khăn mà hệ thống đang gặp phải, và rằng Thông tư 41 gần như là 100% theo nội dung của basel 2 nhưng theo phiên bản Việt Nam mà thôi.

TS. LS Tín phân tích, trong 3 trụ cột của Basel II thì Thông tư 41 đều có, đó là tỷ lệ an toàn vốn theo 3 loại rủi ro (rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động) , giám sát và công bố thông tin.

Tại Mục 5 (Điều 19 và 20) của Thông tư 41 yêu cầu về báo cáo thông tin mà Thông tư 36/2014 không có. Điều 17 của thông tư có đề cập về giám sát rủi ro thị trường gồm các trạng thái rủi ro thị trường được nhận diện, đo lường, theo dõi, quản lý và giám sát chặt chẽ;

Và công thức tính chỉ số CAR tại thông tư 41 là theo đúng công thức trong basel 2, có bổ sung thêm rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động so với công thức CAR trong Thông tư 36/2014

Theo kết quả nghiên cứu của Ủy ban Basel cho thấy, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng thêm 1% thì chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,3%. Tuy nhiên, có thể bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp gồm tăng lợi nhuận ngoài lãi như: phí, hoa hồng…, tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động. Theo nghiên cứu của Elliot (2009, 2010), nếu các ngân hàng không sử dụng các phương thức bù đắp này thì lãi suất cho vay có thể tăng lên 0,8% trong dài hạn. Ngân hàng sẽ khó tìm được khách hàng vay khi đưa ra mức lãi suất cho vay cao hơn đối thủ cạnh tranh và như vậy lợi nhuận sẽ giảm.

Từ những phân tích này, TS.LS Tín kết luận rằng NHNN đưa ra thời hạn áp dụng thông tư từ đầu năm 2020 nhằm dành cho các NHTM có thêm thời gian để có giải pháp tăng thu từ dịch vụ, giảm chi phí hoạt động ... để giảm chi phi huy động vốn, bởi nếu không có giải pháp thì ngân hàng sẽ bị mất khách hàng.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần phải có ít nhất 3 năm để chuẩn bị cho việc áp dụng CAR mới vì các lý do:

Thứ nhất, với quản trị rủi ro: Cần phải thiết lập hệ thống quản trị rủi ro tập trung và hiệu quả. Không chỉ xác định, định lượng và phát triển các mô hình quản trị rủi ro khác nhau mà còn thúc đẩy áp dụng công tác quản trị rủi ro ở rất nhiều các phòng ban, chi nhánh, phòng giao dịch, thậm chí đến từng nhân viên phải ý thức dc về quản trị rủi ro ngân hàng. việc này rất mất thời gian, thậm chí 3 năm là không đủ và nhiều áp lực.

Thứ hai, hệ thống thông tin cần tin cậy và chính xác: Sự thành công của Basel II phụ thuộc vào độ chính xác, tin cậy và chất lượng của nguồn dữ liệu. Vì vậy, cần phải áp dụng hệ thống báo cáo tin cậy, kịp thời. Việc đầu tư này là vô cùng tốn kém.

Thứ ba, đầu tư lớn về tài chính: Việc thiết lập hệ thống quản trị rủi ro, chi phí cho hệ thống IT, thuê các nhân viên IT mới có trình độ kỹ thuật cao hơn… đòi hỏi các ngân hàng phải đầu tư chi phí lớn khi áp dụng Basel II, khiến chi phí hoạt động tăng cao.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên