MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

VietinBank, BIDV và Vietcombank sẽ tăng vốn theo kịch bản nào?

28-11-2016 - 16:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong số 3 ngân hàng quốc doanh hiện nay, BIDV là ngân hàng hệ số CAR thấp nhất, "room" dành cho NĐTNN vẫn còn nhưng ngân hàng lại gặp khó khăn khi tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài trong vài năm qua.

Để chỉ ra một chỉ số cần được cải thiện cấp thiết nhất của các ngân hàng Việt Nam hiện nay thì chính là vấn đề vốn. Các ngân hàng Việt đang đối mặt với những khó khăn, xoay sở mọi cách để tăng vốn.

Theo số liệu cập nhật mới nhất được công bố của Ngân hàng Nhà nước, hệ số CAR của toàn hệ thống ngân hàng là 12,73%. Con số này có vẻ cao nhưng có bao gồm cả các ngân hàng nước ngoài và công ty tài chính còn hệ số CAR bình quân của khối ngân hàng thương mại Nhà nước tại thời điểm cuối tháng 9/2016 là 9,48% trong khi của các NHTMCP là 12,1%.

Kế hoạch áp dụng Basel 2 trong thời gian tới đang là "deadline" cận kề khiến các ngân hàng thấp thỏm, tăng vốn đã trở thành vấn đề cấp thiết đối với hầu hết các ngân hàng.

Trong các NHTMCP, ACB và Eximbank có tỷ lệ CAR cao với tài sản giảm trong khi đó MBBank đã tăng vốn trong năm ngoái. Và điều kiện của Sacombank cũng đang gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề tồn đọng sau sáp nhập với Southernbank. Trong khi, các tiêu chí áp dụng cho các ngân hàng quốc doanh, ngoại trừ Agribank là ngân hàng chưa niêm yết và được coi là một trường hợp đặc biệt, sẽ khắt khe nhất do các ngân hàng này có quy mô lớn.

Tác động của Basel 2 đối với hệ số CAR của các ngân hàng sẽ tùy thuộc từng ngân hàng cụ thể. Tuy nhiên theo ông Fiachra Mac Cana - Giám đốc Khối Phân tích của CTCK HSC ước tính với những tiêu chí khắt khe hơn của Basel 2, thì hệ số CAR hiện nay (được tính dựa trên Thông tư 36 và 06) sẽ giảm 25-30% (khi được tính theo Basel 2).

VietinBank và BIDV sẽ sớm phải tăng vốn

Về nhu cầu tăng thêm vốn cấp 1 và vốn cấp 2, ở thời điểm hiện tại Vietcombank là ngân hàng thoải mái nhất vì ngân hàng có nhiều phương án tăng vốn với thời gian không bị hạn hẹp. Trong khi đó VietinBank cần phải sớm cải thiện hệ số CAR và sẽ phải tăng vốn cấp 1 nhiều hơn so với vốn cấp 2.

Trong số 3 ngân hàng quốc doanh hiện nay, BIDV là ngân hàng hệ số CAR thấp nhất và hiện không còn dư địa để nâng vốn cấp 2 nên sẽ ít lựa chọn hơn cả đối với việc tăng vốn. Chính phủ hiện quyết định không bơm thêm vốn cho các ngân hàng quốc doanh trong khi yêu cầu những ngân hàng này phải nâng vốn đủ để đáp ứng các tiêu chí của Basel 2 nên nguồn vốn tư nhân sẽ đóng vai trò chủ đạo.


Số liệu HSC ước tính.

Số liệu HSC ước tính.

Vậy có những hướng đi nào để tăng vốn một cách khả thi nhất cho các ngân hàng quốc doanh hiện nay?

Tăng vốn từ lợi nhuận chưa phân phối?

Cách tăng vốn từ lợi nhuận chưa phân phối sẽ là phương án khó khả thi. Mới đây BIDV đã phải thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt thay vì trả bằng cổ tức như ban đầu.

Có vẻ lợi nhuận chưa phân phối và cổ tức bằng cổ phiếu được coi là một phần của ngân sách. Do vậy Bộ Tài chính đã không đồng ý với quyết định không trả cổ tức của VietinBank và trả cổ tức bằng cổ phiếu của BIDV với tỷ lệ 8,5% cho năm 2015. BIDV cuối cùng đã phải trả cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 8,5% và rất có khả năng VietinBank có thể cũng sẽ phải làm như vậy. Theo đó tỷ lệ lợi nhuận sau thuế dùng để trả cổ tức của BIDV cho 2015 là 49,7%; và do đó nguồn tiền để phục vụ cho việc tăng vốn bị giảm đáng kể.

Tăng vốn cấp 1

Nếu chính phủ không bổ sung vốn cho các ngân hàng cổ phần Nhà nước thì liệu các ngân hàng có thể phát hành thêm và giảm tỷ lệ sở hữu của nhà nước? Hiện tỷ lệ sở hữu của nhà nước tại BIDV là 95,28%; Vietcombank là 77,1% và VietinBank là 64,46%. Với room hiện đã đầy ở gần 30% và tỷ lệ sở hữu nhà nước ở 64,46%, thì VietinBank sẽ không thể phát hành thêm cho NĐT cả trong và ngoài nước trừ khi nhà nước cho phép nới các giới hạn này.

Trong trường hợp của BIDV, thì room dành cho NĐTNN vẫn còn nhưng ngân hàng lại gặp khó khăn khi tìm kiếm NĐT chiến lược nước ngoài trong vài năm qua.

Trong trường hợp của Vietcombank, phương án phát hành 10% vốn Cấp 1 cho GIC vẫn chưa nhận được chấp thuận cuối cùng do vướng mắc vấn đề về giá. Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ với chúng tôi, hiện thương vụ này vẫn đang chờ Chính phủ và NHNN phê duyệt. Cho dù vậy, sự trì hoãn kéo dài cho thấy việc phát hành vốn Cấp 1 và xin chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp của các ngân hàng quốc doanh là không hề dễ.

Nâng vốn cấp 2

Theo HSC, Vietcombank (tỷ lệ vốn cấp 2/vốn cấp 1 là 24%) và VietinBank (tỷ lệ vốn Cấp 2/vốn Cấp 1 là 38%) vẫn còn dư địa để tăng vốn cấp 2, là phương án có thể sử dụng trong trung ngắn hạn.Tuy nhiên tỷ lệ vốn Cấp 2/vốn Cấp 1 của BIDV đã chạm đến mức tối đa theo quy định là 50% nên hiện không thể phát hành trái phiếu nâng vốn cấp 2.

Gần đây Vietcombank đã phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 với kỳ hạn 10 năm, có thể mua lại sau 5 năm, với lại suất năm đầu là 7,5% và thả nổi các năm sau đó (bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trung bình của 4 ngân hàng quốc doanh cộng thêm 1%).

Nếu không nâng vốn, tăng trưởng tín dụng của VietinBank và BIDV (tại thời điểm tháng 9/2016 thị phần cho vay của VietinBank và BIDV lần lượt là 12,1% và 12,86%) có thể sẽ bị hạn chế đáng kể kể trong nửa đầu 2017 cho đến khi các ngân hàng này có thể tăng vốn thành công.

Vietcombank

Ước tính, hệ số CAR cuối tháng 9 của ngân hàng là 10,8% và có thể tăng lên 12,7% sau khi hoàn tất phát hành riêng lẻ. Nếu kế hoạch phát hành riêng lẻ chưa nhận được chấp thuận thì Vietcombank có thể phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 để cải thiện hệ số CAR trước khi Basel 2 được áp dụng.

Hiện Vietcombank chỉ có 2.000 tỷ đồng trái phiếu cấp 2 trên BCTC, nghĩa là bằng chưa đến 5% so với vốn cấp 1 tại thời điểm cuối năm 2015. Do vậy Vietcombank còn nhiều dư địa để tăng vốn cấp 2 nếu thấy cần.

Trước mắt ngân hàng có thể phát hành tăng vốn cấp 2 và sẽ là tích cực nếu ngân hàng phát hành thành công để tăng vốn cấp 1 trong 12-15 tháng tới.

VietinBank

Hệ số CAR của VietinBank theo HSC hiện ở mức 11%, tăng từ 10,7% tại cuối năm 2015 nhờ bổ sung 5.400 tỷ đồng trái phiếu thứ cấp và lợi nhuận giữ lại tăng 5.200 tỷ đồng; nhưng sẽ giảm vào cuối năm nếu ngân hàng không hoàn thành tăng vốn theo kế hoạch.

Cho năm nay, VietinBank đã có kế hoạch tăng vốn thông qua: (1) hoàn thành thương vụ sáp nhập với PGBank, theo đó tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng, và (2) không thực hiện trả cổ tức bằng tiền mặt.

Hiện chỉ còn lại hơn một tháng là hết năm và có vẻ như việc sáp nhập sẽ tiếp tục bị trì hoãn. Đồng thời khả năng cao VietinBank sẽ phải trả cổ tức năm 2015 bằng tiền mặt, vì vậy rất có thể một hoặc cả hai kế hoạch tăng vốn Cấp 1 trên đây sẽ không thể thực hiện.

Với hệ số CAR này, ngân hàng có thể tiếp tục tăng trưởng tài sản sinh lãi với tốc độ hiện tại trong khoảng 18 tháng nữa trước khi cần tăng cần vốn Cấp 1. Và dĩ nhiên, việc áp dụng Basel 2 sẽ làm thay đổi lớn đến ước tính CAR.

HSC nhận thấy dư địa cho ngân hàng tăng vốn Cấp 2 trong hiện tại là vẫn còn. Muộn nhất là đến cuối năm sau, ngân hàng sẽ cần huy động thêm vốn cấp 1. HSC giả định VietinBank sẽ cần huy động thêm khoảng 5.500 tỷ đồng vốn Cấp 1 (tăng 14,7% từ mức hiện tại).

BIDV

Hệ số CAR hiện xấp xỉ 9% và phương án tăng vốn cho ngân hàng hiện khá hạn chế. Tại ĐHĐCĐ năm 2016, BIDV đã được cổ đông phê duyệt 4 phương án tăng vốn. Khi đó, các kế hoạch đề xuất dự kiến sẽ tăng vốn chủ sở hữu thêm tổng cộng 27,63%. Cụ thể: (1) tăng 8,5% vốn chủ sở hữu từ phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2015; (2) tăng 4,4% vốn chủ sở hữu từ phát hành cổ phiếu thưởng nhờ khoản lãi từ thoái vốn khỏi VID Public; (3) tăng 8,54% vốn chủ sở hữu từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000đ/cp; (4) tăng 6,2% vốn chủ sở hữu từ phát hành quyền mua với giá không thấp hơn 12.500đ/cp trong đó NHNN có thể chuyển nhượng quyền mua cổ phiếu cho các bên khác.

Tuy nhiên, vào cuối tháng 10, Chính phủ đã từ chối đề xuất phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Nguyên nhân có vẻ là do thực tế rằng nguồn thu tiền mặt vào ngân sách nhà nước hiện tại là ưu tiên lớn hơn của Chính phủ. Và do đó, HSC cũng nghi ngờ liệu phương án thứ hai hoặc thứ ba có thể hoàn tất. Đồng thời bản thân ban lãnh đạo ngân hàng cũng bày tỏ những nghi ngại trong những phát biểu trước đó.

Do vậy, có vẻ như BIDV chỉ có thể thực hiện phương án tăng vốn cuối cùng. Tuy nhiên, do thời gian eo hẹp và thủ tục giấy tờ phức tạp để phát hành quyền mua, có thể BIDV sẽ không thể hoàn tất kế hoạch này trong năm 2016. Trong khi đó, giá phát hành của bất kỳ phương án tăng vốn nào cũng là điểm thu hút sự quan tâm với chênh lệch có thể giữa kỳ vọng của NĐT và thị giá.

Quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt cũng sẽ là một trở ngại đối với ngân hàng bởi vì hệ số CAR hiện xấp xỉ mức quy định tối thiểu có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng dài hạn. Chưa kể đến thực tế là một số ngân hàng cũng đang gặp khó khăn trong việc tăng vốn mới thông qua phát hành riêng lẻ trong những năm gần đây.

HSC dự báo đến cuối năm 2017, BIDV cần phải tăng vốn Cấp 1 thêm 25% vào năm tới. Và triển vọng tăng trưởng cho năm tới có thể bị ảnh hưởng đáng kể cho đến khi ngân hàng triển khai các kế hoạch tăng vốn.

Kim Tiền

HSC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên