MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãnh đạo VinaCafé, FPT nói lý do 10 năm Việt Nam vẫn loay hoay với cơ chế xác định nhãn hiệu nổi tiếng

“Hiện nay, Nhà nước đang cổ vũ giúp đỡ DN xây dựng thương hiệu nhưng vẫn chưa đủ. Điển hình, chúng ta đã có Luật Sở hữu trí tuệ từ năm 2006, trong đó có quy định về nhãn hiệu nổi tiếng nhưng sau 10 năm Việt Nam vẫn chưa có cơ chế để xác định thế nào là một nhãn hiệu nổi tiếng”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần VinaCafé Biên Hòa cho rằng, dù cơ quan nhà nước vẫn đang tích cực tổ chức nghiên cứu hay tổ chức hội thảo… để tìm cách giúp cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam được công nhận nhãn hiệu nổi tiếng. Nhưng sau 10 năm từ khi có Luật sở hữu trí tuệ thì hiện nay vẫn chưa có một nhãn hiệu nào được công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.

Vị CEO này lý giải: “Chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ, định nghĩa nhãn hiệu nổi tiếng, nhưng chúng ta chưa có cơ chế, hướng dẫn cụ thể nào làm sao để công nhận một nhãn hiệu nổi tiếng, dẫn đến 10 năm qua chúng ta vẫn loay hoay chưa có một nhãn hiệu nổi tiếng có thể bảo vệ DN”.

Vì vậy, “Nhà nước cần tạo ra một Luật bình đẳng và quy định rõ ràng cơ chế để hiện thực hóa luật định”, ông Kỷ kiến nghị.

Còn theo bà Bùi Nguyễn Phương Châu, Trưởng Phòng truyền thông Công ty Cổ phần FPT, Nhà nước cần tạo môi trường cho DN xây dựng thương hiệu. Mỗi quốc gia họ đều có định hướng tốt là lựa chọn những thương hiệu quốc gia để hỗ trợ hết sức cho những thương hiệu này phát triển và định vị thương hiệu đó trên phạm vi toàn cầu.

“Ví dụ như Hàn Quốc định vị thương hiệu quốc gia như Samsung - họ là những biểu tượng quốc gia. Nhưng ở Việt Nam tôi chưa nhìn thấy định hướng này để định vị thương hiệu cho các DN Việt Nam” - bà Châu nói và chia sẻ thêm về những khó khăn khi thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài: “Ví dụ như FPT là công ty xuất khẩu phần mềm chẳng hạn, khi ra nước ngoài chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi chúng tôi phải bắt đầu xây dựng Việt Nam là quốc gia nào, như thế nào...”.

Ngay tại FPT, trong quá trình làm thương hiệu, công ty này nhận thấy rằng giá trị lớn nhất mà FPT làm được là việc xây dựng thương hiệu từ nội bộ, tức là khi tình yêu công ty, tự hào về công ty lớn thì nhân viên sẽ làm mọi cách để đảm bảo tình yêu đó, để làm cho khách hàng yêu công ty của mình như mình.

Bà Phương Châu cho rằng, có thể mọi người sẽ không bao giờ nhìn thấy FPT làm những chiến dịch hoành tráng để xây dựng thương hiệu, bởi vì giá trị lớn nhất khi làm một công ty dịch vụ là con người. Theo đó, công ty tập trung vào xây dựng giá trị nội tại của FPT và cho nhân viên một môi trường tốt nhất để phát triển, nên họ yêu công ty và sẽ cống hiến cho công ty.

"Vậy nên, DN khác nhau cần tập trung vào những điểm khác nhau, như công ty làm sản phẩm cần tập trung vào sản phẩm, quảng cáo những điểm vượt trội, tốt nhất của của sản phẩm, còn DN làm dịch vụ thì cần tập trung vào con người" - đại diện FPT chia sẻ

Giá trị thương hiệu ngày càng có tầm quan trọng với DN hiện nay, ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand kiêm đại diện Brand Finance tại Việt Nam, khẳng định rằng thương hiệu là tài sản vô hình lớn nhất của DN. Vì vậy, xây dựng và phát triển thương hiệu không chỉ nhằm phục vụ mục đích kinh doanh ngắn hạn mà là cả một sự đầu tư bền vững cho tương lai.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng, Việt Nam đang tiến tới quốc tế hoá ở tầm cao mới, bao gồm hiệu lực của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC). Các DN trong nước cần thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho sự xâm nhập của các thương hiệu quốc tế từ các quốc gia trong hiệp định thương mại tự do và thương hiệu cần được cân nhắc là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị.

M. Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên