MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lập luận tăng thuế chưa thuyết phục

Bộ Tài chính cần có các công trình nghiên cứu, chứng cứ khoa học, lập luận thuyết phục nhằm tạo sự đồng thuận từ người dân trước khi tăng thuế GTGT.

Tại buổi họp báo Chính phủ tháng 8-2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai khẳng định: "Bộ Tài chính đánh giá rằng tăng thuế GTGT lên 12% tác động đến người nghèo không nhiều". Theo lãnh đạo bộ, người nghèo dành gần 60% thu nhập để chi tiêu vào y tế, thực phẩm, giáo dục. Trong khi các lĩnh vực này đều được nhà nước ưu đãi miễn hoặc giảm thuế GTGT nên người nghèo ít tác động hơn.

Ông Sebastian Eckhardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tại Việt Nam, cũng có cùng nhận định như vậy. Ông Sebastian Eckhardt dẫn số liệu do WB tính toán cho thấy 20% hộ gia đình nghèo nhất chỉ trả khoảng 9% tổng số thu thuế GTGT. Trong khi đó, 20% hộ gia đình giàu nhất trả gần 40% tổng số thu thuế GTGT. Tức là, nếu một hộ nghèo tiết kiệm được trung bình 10.000 đồng do thuế suất thuế GTGT thấp thì hộ giàu tiết kiệm được 40.000 đồng. Vì vậy, thuế suất thuế GTGT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo.


Các chuyên gia cho rằng khi thuế GTGT tăng lên, giá cả hàng hóa, dịch vụ… tăng theo, ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn người giàu Ảnh: Tấn Thạnh

Các chuyên gia cho rằng khi thuế GTGT tăng lên, giá cả hàng hóa, dịch vụ… tăng theo, ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn người giàu Ảnh: Tấn Thạnh

Nhiều ý kiến phản bác lập luận này bởi người nghèo là đối tượng có thu nhập thấp, họ không có tiền nên được Chính phủ ưu tiên cho ăn, học, chữa bệnh… Ngoài ra, họ vẫn có nhu cầu sử dụng các dịch vụ khác nên không thể nói tăng thuế ít ảnh hưởng đến người nghèo.

Dù rằng đối tượng thu nhập thấp chi tiêu ít, mức độ đóng thuế sẽ ít hơn người giàu (đối tượng thu nhập cao) nhưng nếu tính trên thu nhập thì tỉ lệ đóng thuế của người nghèo cao rất nhiều so với người giàu. Vì thế, khi thuế GTGT tăng lên, giá cả hàng hóa, dịch vụ… tăng theo, ảnh hưởng đến người nghèo nhiều hơn người giàu là điều dễ hiểu.

Theo PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM, nếu so sánh nghĩa vụ thuế bằng con số tuyệt đối là hết sức khập khiễng bởi với người giàu, họ có thể sẵn sàng bỏ ra 100.000 đồng để mua 1 ly cà phê. Còn với người nghèo, số tiền này vừa đủ để họ mua 3 dĩa cơm/ngày.

Kết quả điều tra mức sống hộ gia đình năm 2014 của Tổng cục Thống kê cho thấy thu nhập bình quân 1 tháng của 1 nhân khẩu của 20% dân số thuộc nhóm thu nhập thấp nhất là 660.000 đồng và 1 nhân khẩu của 20% dân số thuộc nhóm thu nhập cao nhất là 6.413.000 đồng, gấp 9,7 lần nhóm thấp nhất. Tính ra, tổng thu nhập của nhóm thấp nhất (20%) chỉ chiếm 4,2% tổng thu nhập của các hộ gia đình cả nước, trong khi nhóm cao nhất (20%) là 48,6%.

Với cơ sở này, TS Huỳnh Thế Du thuộc Trường ĐH Fulbright Việt Nam tính toán khi nhóm thấp nhất phải nộp khoảng 9% và nhóm cao nhất nộp gần 40% thuế GTGT thì thuế suất trên 1 đồng thu nhập của nhóm thấp nhất gấp 2,6 lần nhóm cao nhất. Nói cách khác, thuế GTGT tại Việt Nam đang có tính lũy thoái rất cao và so với tỉ lệ thu nhập thì người giàu đang phải nộp thuế ít hơn rất nhiều so với người nghèo. Như vậy, khi tăng thuế GTGT thì gánh nặng của người nghèo cao hơn người giàu chứ không phải ngược lại".

Đề cập về chính sách thuế của một số nước trên thế giới, PGS- TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết chính phủ Nhật Bản từng đưa ra những lập luận, chứng cứ khoa học hết sức thuyết phục và trải qua 10 lần trình bày trước quốc hội nước này mới được thông qua việc tăng thuế. Do đó, trong bối cảnh xây dựng một Chính phủ kiến tạo - hành động, xã hội bùng nổ thông tin…, Bộ Tài chính cần có các công trình nghiên cứu, chứng cứ khoa học, lập luận thuyết phục nhằm tạo sự đồng thuận từ người dân trước khi tăng thuế GTGT. Theo đó, Bộ Tài chính minh bạch hóa việc tăng thuế là giải pháp cuối cùng nhằm bảo đảm nguồn thu ngân sách bởi các khoản thu từ thuế nhập khẩu đang có xu hướng giảm; các giải pháp tiết kiệm, hạn chế lãng phí đầu tư công, chi thường xuyên… đã thực hiện tốt song vẫn chưa cải thiện được nguồn thu.

Mặt khác, Bộ Tài chính cũng cần chứng minh với người dân việc tăng GTGT sẽ tác động thế nào đến người nghèo, người giàu, doanh nghiệp, lạm phát… trong tương lai.

Theo Thy Thơ

Người lao động

Trở lên trên