Lấy cảm hứng từ cuốn sách tỷ phú Phạm Nhật Vượng khuyên đọc, 1 DN Việt dùng công nghệ giải cứu các CEO trước bài toán “xin sếp tăng lương”
Văn hóa minh bạch, kỷ luật, nhất quán là vô cùng quan trọng để phát triển doanh nghiệp, nhưng để xây dựng được là điều không hề đơn giản khi quản trị doanh nghiệp là lĩnh vực từ trước đến nay được xem là thiên về cảm tính.
Từ tốt đến vĩ đại
"Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great) là cuốn sách kinh doanh thuộc hàng kinh điển được giới doanh nhân thế giới ưa thích, được viết bởi Jim Collins, một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại trường kinh doanh Stanford trứ danh.
Trong cuốn sách này, tác giả Jim Collins đã quan sát rất nhiều các công ty vĩ đại và nhận thấy rằng: Họ đều hành động dựa trên một nguyên tắc nhất quán, tôn trọng kỷ luật và không bao giờ thỏa hiệp hay hạ thấp tiêu chuẩn của mình.
Đây cũng là cuốn sách mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup lấy làm tâm đắc nhất, và ưu ái lựa chọn đem tặng cho các nhân sự của Tập đoàn ông lãnh đạo. Theo đó, nguyên tắc nhất quán và kỷ luật là điều được doanh nhân này ứng dụng triệt để vào thực tế xây dựng văn hóa Vingroup.
Cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại của Jim Collins
Cũng lấy cảm hứng từ cuốn sách Từ tốt đến vĩ đại, ông Phạm Kim Hùng - sáng lập kiêm CEO công ty công nghệ Base chia sẻ bài học lớn nhất ở vị trí CEO mà ông học được trong suốt 4 năm qua chính là sự nhất quán. "Nếu chúng ta không nói cho nhân sự biết một cách rõ ràng thế nào là đúng, thế nào là sai, đâu là thứ chúng ta muốn, thì chúng ta cũng không có cơ sở để khiển trách một ai đó khi họ làm sai."
"Việc tạo ra sự nhất quán trong một tổ chức sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng mà không đi lệch với những nguyên tắc và giá trị đã đề ra. Ở một khía cạnh khác khi chúng ta ban hành các chính sách, quy định chế tài để tạo ra sự nhất quán trong hành vi nhân sự thì nó còn giúp định hình nên văn hóa và kiến tạo nên bộ Gen của doanh nghiệp. Đây không chỉ là cơ sở để xử lý khi có các vi phạm xảy ra mà quan trọng hơn nó còn là tiêu chuẩn để chúng ta tìm ra được những người phù hợp", ông Hùng kết luận trong buổi hội thảo ra mắt bộ giải pháp quản trị và phát triển nhân sự Base HRM+.
Theo doanh nhân này, các CEO đừng bao giờ để nhân sự ngầm hiểu hoặc suy đoán về các nguyên tắc, vì nếu như vậy trước sau gì mọi thứ sẽ có vấn đề. Thậm chí, rất nhiều người nói về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực chất văn hóa doanh nghiệp được hình thành trong những tình huống không có đúng không có sai, nó tùy thuộc vào cách thức mà doanh nghiệp đó chọn lựa và cách mà tất cả mọi người cùng hành xử giống nhau trong những tình huống xảy ra hàng ngày. Có nghĩa rằng tất cả những nguyên tắc đó nhân viên phải dễ dàng tiếp cận theo một cách chính thống.
Khi công nghệ giải cứu CEO khỏi những tình huống khó xử
Văn hóa minh bạch, kỷ luật, nhất quán là vô cùng quan trọng để phát triển các doanh nghiệp lớn như Vingroup hay doanh nghiệp nhỏ như Base. Tuy nhiên, để xây dựng được là điều không hề đơn giản khi quản trị doanh nghiệp là lĩnh vực từ trước đến nay được xem là thiên về cảm tính.
Tuy nhiên công nghệ lại giải quyết được bài toán này thông qua việc xây dựng nó dựa trên một phương pháp luận đúng đắn từ bước thiết lập, ban hành, kiểm chứng, hiệu chỉnh cuối cùng là cải tiến. Cụ thể, bộ công cụ Base HRM+ do đơn vị này phát triển có thể giúp doanh nghiệp phân loại, mô tả chi tiết, thể hiện rõ chế tài, phạm vi áp dụng và thời gian ban hành, thậm chí chúng ta có thể biết được ai đã xem, ai chưa xem và cùng nhau thảo luận để hiểu rõ.
Sau đây là một tình huống nhiều CEO thường gặp.
Vào một ngày đẹp trời, một nhân viên lâu năm, hiệu suất làm việc khá ổn gõ cửa phòng CEO và đưa ra đề nghị: "Sếp ơi, em muốn được tăng lương".
CEO đứng trước tình huống khó xử rằng đã khá lâu người này chưa được tăng lương, họ làm việc và đóng góp cho công ty khá tốt, nhưng vẫn không bằng một nhân viên khác giỏi hơn - cũng chưa được tăng lương. CEO nên ứng xử ra sao để đảm bảo công bằng giữa các nhân viên, không tạo tiền lệ xấu? Hoặc nếu quyết định tăng lương cho nhân viên này thì nên tăng mức nào thì phù hợp?
Đây là một trong những bài toán nhỏ nằm trong 4 vấn đề cốt lõi thuộc về quản trị doanh nghiệp đang được Base đưa công nghệ vào giải quyết gồm:
Thứ nhất là thiết kế cơ cấu tổ chức, chuẩn hóa các chức năng nhiệm vụ, bảng mô tả công việc và yêu cầu của mỗi vị trí để nhân viên hiểu rõ và thực thi đúng vai trò của mình.
Thứ hai là tự động hóa các chính sách phúc lợi, chấm công và tính lương (C&B); giúp nhân viên tự nhìn nhận minh bạch về bảng công lương hằng tháng, còn doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và công sức tổng hợp, tra soát dữ liệu.
Thứ ba là quản trị mục tiêu và đánh giá hiệu suất, là bước quan trọng để thúc đẩy toàn bộ nhân viên cùng phục vụ mục tiêu chung của tổ chức.
Cuối cùng là bài toán đào tạo và phát triển nhân tài (L&D) nhằm vạch ra một lộ trình thăng tiến rõ ràng để giữ chân nhân viên, đặc biệt là những người có năng lực.
Trở lại với tình huống nêu trên, khi áp dụng công nghệ mỗi nhân viên đều biết được lộ trình thăng tiến khi doanh nghiệp đưa ra những tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, minh bạch. Từ đó họ có thể tự xem xét mình có xứng đáng tăng lương hay thăng chức không. Về phía nhà quản lý cũng dễ dàng đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thực tế.
Nhịp sống Kinh tế