MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lấy ít làm nhiều: Phong cách sống đặc biệt của người tối giản

08-04-2017 - 09:03 AM | Sống

Chuyển từ nghề mục sư sang nghiệp viết, bà Tammy Bell (50 tuổi, người Mỹ) cảm thấy ngôi nhà của mình sẽ rộng, thoáng và trang nhã hơn với ít đồ trang trí. Vì thế, bà đã quyết định loại bỏ những đồ dùng thừa thãi, thu hẹp tủ quần áo, chỉ giữ một vài kỷ vật và số hoá phần lớn những tấm ảnh cũ.

Bắt đầu theo phong cách sống "tối thiểu" 5 năm về trước, bà Bell đã thanh lý trên 5.000 vật sở hữu với 3.000 cuốn sách và lưu trữ những tài liệu cần thiết vào kho máy tính. Bà làm điều này đơn giản vì sẽ ít phải lau chùi, bảo dưỡng và có nhiều thời gian để tập trung đầu tư vào sức khoẻ, các mối quan hệ và những chuyến khám phá mới.

Bà Bell chia sẻ: "Khi bạn có quá nhiều đồ dùng, bạn sẽ phải dành nhiều thời gian cho chúng. Mục tiêu của tôi là đạt chất lượng sống. Tôi thà chi tiền đi du lịch hơn là trả tiền cho việc lau chùi đồ đạc, giải quyết và tìm kiếm chúng. Tôi muốn mời hai người bạn đi ăn trưa hơn là có thêm quần áo mới cất trong tủ".

Trong nhiều nhân tố tác động khác nhau, cuốn "The Minimamists" (Những người Tối giản) của hai tác giả Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus chính là nguồn cảm hứng chính để bà có bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Joshua và Ryan, cùng sinh năm 1981, còn là đồng tác giả của hai cuốn: "Minimalism: Live a Meaninful Life” (Chủ nghĩa Tối giản: Sống một Cuộc đời Ý nghĩa) và "Everything That Remains” (Mọi thứ Vẫn Còn lại).

Hai nhà văn này đề cao lối sống giản dị, biết "buông, bỏ" song không gợi ý bạn đọc từ bỏ công nghệ hay một số vật dụng thông minh như máy tính và điện thoại. Họ chỉ cảnh tỉnh về "chủ nghĩa tiêu dùng bất tận" và khuyên mọi người loại bỏ những vật dụng không cần thiết để tập trung vào những gì tăng thêm ý nghĩa cho cuộc sống.

Theo Joshua và Ryan, khi bạn vứt bỏ được những gì không thực sự quan trọng song lại làm bạn vướng bận và khiến cuộc sống của bạn hỗn độn, bạn sẽ có tâm trí và thời gian hơn cho những điều thực sự quan trọng trong cuộc sống của mình.

Bà Bell nói: "Tôi rất ấn tượng với câu chuyện của hai tác giả này vì họ còn trẻ và đã có mọi thứ: việc làm, của cải, tiền bạc song họ vẫn không cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn sự tự do và trên hết là lựa chọn phong cách sống phù hợp với những giá trị và tín ngưỡng của mình".

Việc theo đuổi công danh và vật chất đã khiến Joshua và Ryan cảm thấy áp lực, trống trải và không biết điều gì là quan trọng trong cuộc sống của mình.

Năm 2009, Joshua đã quyết định thay đổi lối sống sau khi hai biến cố lớn ập đến cuộc đời anh trong vòng một tháng: mẹ mất và hôn nhân tan vỡ. Joshua đã từ bỏ những vật dụng sở hữu đắt tiền mà mình tích cóp bấy lâu để trở thành một "minimalist" trong vòng 21 ngày. Tuy nghèo hơn về vật chất, song lối sống tối giản đã giúp Joshua tìm thấy trạng thái tâm thân, an lạc với mục đích sống rõ ràng.

Qua những thay đổi lớn tích cực trong cuộc sống của Joshua, Ryan đã quyết định tiếp bước người bạn thân và giản lược cuộc sống của mình bằng cách bán hoặc cho đi những vật dụng không cần thiết.

Đôi bạn thân cũng từ bỏ công việc lương cao ở công ty và "đoạn tuyệt" nhiều vật dụng sở hữu để theo đuổi lối sống đơn giản hơn mà theo họ là giàu về thời gian, mối quan hệ và đạt mục tiêu sống. Cuối cùng, họ trở thành hai 'minimalist' giàu có, hạnh phúc trong căn hộ đơn sơ của mình.

Ryan chia sẻ: "Bất cứ ai suy nghĩ về việc theo lối sống tối giản hay thực hiện một phần cách sống đó, bạn cần đặt câu hỏi cho chính mình liệu cuộc sống của mình có thể tốt hơn nếu có ít thứ? Câu trả lời của mỗi người sẽ là khác nhau".

Melissa Murphy (35 tuổi), nhân viên môi giới bất động sản ở thành phố Spokane, bang Washington, bắt đầu phong cách sống tối thiểu sau chuyến du lịch đến Đông Nam Á vào năm 2015. Cô làm điều đó đơn giản vì muốn có thời gian cho du lịch và luyện tập. Sau những tuần làm việc dài, cô thường phải trả nhiều tiền cho việc lau chùi để bảo dưỡng đồ đạc.

Melissa chia sẻ: "Sau chuyến đi này, tôi đã bán căn nhà to hơn tôi cần. Tôi không cần dành nhiều quá thời gian cho việc lau chùi, phân loại và sắp xếp. Tôi thấy càng nhiều thứ tôi thanh lý, tôi càng có thêm nhiều thời gian hơn cho việc luyện tập và quảng giao".

Các millennials, thế hệ đầu tiên của xã hội kỹ thuật số, theo lối sống tối giản cũng từ bỏ các vật sở hữu. Rachel Chambers (28 tuổi) theo đuổi đam mê du lịch sau khi thanh lý đồ đạc. Là người sưu tầm đồ chơi một thời, cô đã bán khoảng 400 thứ, bao gồm cả đồ thiết kế.

Cô nói: “Tôi cảm thấy ngợp với tất cả đồ vật mình đã có. Tôi thực sự thu hẹp dần đến chỉ còn các vật dụng cần sử dụng hàng ngày".

Melissa cho biết bây giờ cô luôn cân nhắc kỹ lưỡng trước khi mua bất cứ thứ gì. "Tôi chỉ cẩn trọng hơn nhiều về thứ tôi mua và có để quyết định liệu nó có tạo ra giá trị thặng dư hay không".

Còn bà Bell quyết định giữ lại vật gì bằng cách đặt câu hỏi: Liệu điều đó có mang lại cho mình niềm vui? Mình có dùng nó thường xuyên hay không? Nó có phù hợp những mục tiêu ưu tiên của mình hay không không? Với lối sống tối giản, bà mong muốn đạt được mục tiêu đơn giản là cố gắng có một trải nghiệm mới mỗi ngày.

Đối với Mark Simonds (44 tuổi), chủ nghĩa tối giản phần nào đó có nghĩa là có thêm thời gian và không trở thành nô lệ của núi công việc bất tận. Song Mark cũng cho rằng lối sống tối giản có thể là một điều khó thực hiện đối với các gia đình có trẻ con.

Rachel nói: "Tôi thiết nghĩ việc đơn giản hoá cuộc sống, loại bỏ những thứ gây xao nhãng hàng ngày có thể thực sự có ích. Thêm vào đó, bạn sẽ tiết kiệm được nếu bạn không thường xuyên mua đồ mới".

Cô chia sẻ: "Tôi không đi mua sắm khi buồn chán và tôi có thể dành số tiền đó cho những chuyến đi, những dự án mới và những trải nghiệm khi đi ăn tối với bạn bè. Điều đó còn giá trị hơn nhiều thứ. Ngoài ra, tôi có thể giúp bạn bè bà gia đình bằng tiền khi họ cần".

Theo Ryan Nicodemus, phong cách sống tối giản có thể được đúc kết qua những lời răn dạy về tri túc (biết đủ) của Đức Phật, Chúa Jesus hay từ triết lý sống mà nhà hiền triết vĩ đại người Hy Lạp Epicteus và nhà triết gia người Mỹ Thoreau đề cao.

Anh nói: "Đây là một ý tưởng cũ song lại là lời giải đáp cho một vấn đề mới chúng ta đang mắc phải, đó là nghiện mua sắm. Điều tôi và Josh hy vọng thực sự giúp ích cho mọi người hiểu rằng hãy yêu mọi người và sử dụng những thứ mình có vì sẽ không bao giờ tốt nếu làm điều ngược lại".

Xuân Hương

The Spokesman

Trở lên trên