LDG trong vụ xây 500 nhà trái phép vừa bị khởi tố: Cổ phiếu rơi từ 25.000 về 4.000 đồng, chủ tịch liên tục bị bán giải chấp, quỹ đất cả nghìn ha nhưng cạn tiền mặt
Hiện, cơ cấu vốn của LDG không có cổ đông lớn.
Ngày 29/5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho hay đã ra quyết định khởi tố vụ án tại dự án khu dân cư Tân Thịnh xây gần 500 căn nhà trái phép, để điều tra về hành vi "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành kết luận thanh tra toàn diện đối với dự án khu dân cư Tân Thịnh (xã Đồi 61, huyện Trảng Bom), do CTCP đầu tư LDG (HoSE: LDG) làm chủ đầu tư.
Theo kết luận thanh tra, Công ty LDG chưa thực hiện thủ tục xin giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng để thực hiện đầu tư xây dựng dự án. Đến thời điểm thanh tra, Công ty LDG đã ký hợp đồng nguyên tắc mua bán nhà với 60 khách hàng, tổng số tiền hơn 132 tỷ đồng. Các khách hàng đã thanh toán cho công ty 25 - 95% giá trị hợp đồng, 7 hộ đang sinh sống tại dự án.
Theo giới thiệu, LDG là doanh nghiệp niêm yết với nhiều dự án bất động sản quy mô lớn tại Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và nhiều địa phương khác.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của LDG từ khi thành lập đến nay là kinh doanh bất động sản (gồm sản phẩm đất nền, nhà phố, căn hộ, khu đô thị) với tổng 13 dự án đã và đang phát triển, tổng vốn lên đến 52.770 tỷ đồng.
Công ty những năm gần đây cũng mở rộng lĩnh vực kinh doanh bất động sản thương mại, dịch vụ và giải trí.
Một số dự án trọng điểm của LDG có thể kể đến Viva City (Đồng Nai, vốn đầu tư 1.534,4 tỷ đồng), High Intela (Quận 8, Tp.HCM, vốn đầu tư 1.197,5 tỷ đồng), Sài Gòn Intela (Bình Chánh, Tp.HCM, vốn đầu tư 1.577,5 tỷ đồng), LDG Grand Đà Nẵng (vốn đầu tư 8.036,4 tỷ đồng), LDG Sky (Bình Dương, vốn 4.664 tỷ đồng), LDG Grand Hạ Long (vốn gần 2.514 tỷ đồng)...
Công ty có tiền thân là Công ty địa ốc Long Điền, số vốn điều lệ ban đầu chỉ 50 tỷ đồng (năm 2010). Những năm đầu thành lập, vốn điều lệ doanh nghiệp tăng mạnh mỗi năm. Chỉ sau 5 năm đầu, tổng vốn điều lệ tăng gấp 15 lần lên 750 tỷ đồng, tới năm 2019 tiếp tục tăng lên hơn 2.400 tỷ đồng và hiện tại đang vào mức 2.570 tỷ đồng.
Số liệu tài chính cho thấy, giai đoạn đầu thành lập doanh thu cũng như lợi nhuận LDG tăng mạnh để đạt đỉnh vào năm 2018. Sau khi vướng vào thanh tra liên quan đến 500 căn nhà trái phép nói trên, lợi nhuận “rơi thẳng đứng” từ mức 603 tỷ đồng (năm 2019) chỉ còn 13 tỷ đồng vào năm 2020.
Năm 2022, doanh thu đi ngang tuy nhiên lợi nhuận LDG giảm mạnh, chỉ còn vỏn vẹn 4 tỷ (so với kế hoạch đề ra là 310 tỷ đồng). Trong BCTC kiểm toán năm 2022, công ty kiểm toán AASCS đưa ra nhiều vấn đề cần nhấn mạnh với LDG.
Trong đó, đầu tiên là thuyết minh thông tin về sai phạm tại dự án Khu dân cư Tân Thịnh (Viva Park). Thứ hai là về thông tin khả năng hoạt động liên tục và sự kiện sau ngày kết thúc BCTC.
Tính đến 31/3/2023, LDG đang có dư nợ gần 360 tỷ đồng lô trái phiếu mã LDGH2123002. Trong đó, mệnh giá trái phiếu là 400 tỷ đồng, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn ngày 10/12, mục đích phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động, lãi suất 11,5%/năm cho 12 tháng đầu tiên, kỳ thanh toán 1 tháng/lần.
Đặc biệt, lượng tiền mặt của LDG chỉ còn hơn 3 tỷ đồng.
Trong quý 1/2023, LDG ghi nhận doanh thu chỉ đạt 710 triệu đồng, giảm 99,4% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 70 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do kinh doanh dưới giá vốn và chi phí tài chính tăng cao.
Năm 2023, LDG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 1.448 tỷ đồng, tăng 424,1% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 3,9 tỷ đồng, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, LDG còn cách rất xa kế hoạch lãi 3,9 tỷ đồng.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu LDG hiện dao động quanh ngưỡng 4.400 đồng/cp. Vào cuối năm 2021 đầu 2022, cổ phiếu từng tăng dựng đứng từ 8.000 lên hơn 25.000 đồng trong thời gian ngắn.
Do cổ phiếu giảm sâu, chủ tịch công ty - ông Lê Khánh Hưng liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu trong thời gian gần đây.
Nhịp sống thị trường