Lê Hoàng Uyên Vy kể chuyện kinh doanh từ lớp 2 và bài “test” khắc nghiệt trong 3 tháng quyết định đi hay ở!
Đồng thời, Lê Hoàng Uyên Vy cũng tiết lộ 3 yếu tố quan trọng để tiến tới thành công.
- 08-10-2020Do Ventures: Vốn đổ vào startup công nghệ giảm 22% nửa đầu năm 2020 nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến hàng đầu của các quỹ mạo hiểm trong 12 tháng tới
- 02-10-2020Do Ventures của Shark Dzung và Lê Hoàng Uyên Vy công bố thương vụ đầu tư đầu tiên trị giá hơn 20 tỷ đồng vào F99
- 08-09-2020Shark Dzung và Lê Hoàng Uyên Vy rời công ty cũ, đồng sáng lập Do Ventures quy mô 50 triệu USD hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam
Là một trong các diễn giả của sự kiện “Nữ doanh nhân - Mở đường tăng trưởng” do WISE và Endeavor tổ chức, Lê Hoàng Uyên Vy - CEO quỹ đầu tư Do Ventures đã kể lại những dấu mốc quan trọng trong hành trình kinh doanh, lập nghiệp của chính mình.
"Máu" kinh doanh từ nhỏ
Quay trở lại năm 1994, khi ấy Uyên Vy mới chỉ là cô bé 7 tuổi, đang học lớp 2 tại một trường tiểu học của TP. Hồ Chí Minh. Năm đó, có một ảo thuật gia người Ấn Độ đến trường biểu diễn và chào bán một cuốn sách ảo thuật.
“Đối với trẻ con, lần đầu được xem trình diễn, ai cũng muốn mua sách vì nghĩ rằng đọc xong cũng sẽ biết làm ảo thuật. Nhưng vấn đề là cuốn sách có giá 5.000 đồng trong khi hằng ngày đi học, các bố mẹ chỉ cho trung bình 2.000 đồng/ngày”, bà Uyên Vy hồi tưởng lại.
Ngay lập tức, cô học trò nhỏ mượn cuốn sách, đếm số trang và tính toán ra rằng nếu photo thì chỉ mất 200 đồng/cuốn. Như vậy, nếu bán cuốn sách photocopy với giá dưới 2.000 đồng, chẳng hạn như 1.200 đồng thì đã lời 1.000 đồng/cuốn và chỉ cần bán 5 cuốn sẽ hòa vốn.
Nghĩ là làm, Uyên Vy lập tức mua 1 cuốn sách gốc rồi đi photocopy và chào mời các bạn trong lớp. Kết quả là, cô bé bán được 20 cuốn, mang về doanh thu 24.000 đồng. Sau khi trừ đi chi phí photo và phí mua sách gốc, Uyên Vy vẫn bỏ túi được 15.000 đồng. Vậy là trải nghiệm kinh doanh lần đầu tiên của cô bé diễn ra suôn sẻ.
Lê Hoàng Uyên Vy chia sẻ tại sự kiện “Nữ doanh nhân - Mở đường tăng trưởng”.
Đến năm 1998, Vy bắt đầu được dùng máy tính, tiếp cận với internet và phần mềm chat mIRC. Trò chuyện trong các nhóm chat, Vy thấy một người nước ngoài khoe website cá nhân có tên miền là tên của chính mình. Say mê và ấn tượng với điều đó, cô bé 11 tuổi quyết định mình cũng phải có một website mang tên Uyên Vy.
Mò mẫm một thời gian, Vy đã xây dựng được website theo ý muốn. Không lâu sau đó, cô gái bất ngờ và ngạc nhiên khi thấy FPT quảng cáo dịch vụ thiết kế website với giá lên tới 14 triệu đồng cho 10 trang, hoàn thành trong 2 tháng.
“Tôi nghĩ trong đầu rằng mình cũng biết làm website, dù không chuyên nghiệp nhưng cứ nghĩ là làm, không biết sợ điều gì. Tôi thay đổi 2 ý, cũng là một trang web 10 trang nhưng giá chỉ 4 triệu, hoàn thành trong 1 tuần".
Sau thời gian đầu khó khăn, công việc “làm ăn” của cô học sinh lớp 11 tiến triển và thậm chí được báo Người lao động đưa tin. Tuy nhiên, ngay sau đó trang web gặp sự cố, Vy rơi vào khủng hoảng và lo sợ vì khách hàng khiếu nại liên tục. Sau hơn 1 tuần, cô khôi phục lại được website và dịch vụ của mình.
Sau đó, Uyên Vy có thời gian du học tại Mỹ và tiếp tục xông pha, bán hàng trên sàn TMĐT eBay. Năm 2009, cô về nước, lập trang thương mại điện tử chuyên về thời trang có tên "Chọn.vn".
Bài test khắc nghiệt tại Adayroi
Năm 2014, "Chọn.vn" của Uyên Vy sáp nhập vào Adayroi của Vingroup . Đồng thời, cô cũng được chiêu mộ làm CEO Adayroi khi mới 27 tuổi.
Từ chỗ điều hành một công ty chỉ vài chục nhân sự bỗng phải quản lý hơn một nghìn người, cô không tránh khỏi những áp lực. Đặc biệt là trước đó, đã có 3 CEO đến rồi nhanh chóng ra đi vì không vượt qua bài thử nghiệm của Tập đoàn.
Gia nhập vào tháng 3/2015, Uyên Vy cũng phải trải qua bài kiểm tra. Cô có 3 tháng để chuẩn bị và ra mắt sản phẩm, nếu không thành công sẽ phải chia tay vị trí CEO.
“Cái khó ở đây là làm sao để tất cả các đội cùng đồng lòng và cùng xây dựng.” Lúc ấy, việc đầu tiên cô làm là thay đổi văn hóa. Cụ thể, khi gặp vấn đề, thay vì hỏi “Đây là lỗi của ai?” thì chuyển thành “Giải pháp như thế nào?”. Đồng thời, thay đổi quy trình làm việc của hai đội kinh doanh và công nghệ.
Sau hơn 2 tháng, mọi việc dần đi vào ổn định. Tuy nhiên, thử thách mang tính quyết định vẫn đang ở phía trước khi đến tháng 6, 2.000 nhân viên trong tập đoàn sẽ tiến hành mua hàng thử trên Adayroi. Đây chính là thử nghiệm mang tính quyết định cho việc ở lại hay ra đi.
Tưởng đã suôn sẻ nhưng không, 11 giờ tối ngay trước ngày thử nghiệm, đội ngũ của Vy phát hiện lỗi lớn. Không còn cách nào khác, cả đội kinh doanh và công nghệ đã thức cả đêm để phát hiện, kịp thời sửa xong lúc 6 giờ sáng, một tiếng trước khi ra mắt.
Vượt qua bài test khắc nghiệt, Uyên Vy giữ được ghế CEO Adayroi và gắn bó với sàn TMĐT này trong khoảng 3 năm.
Những bài học xương máu
Sau hành trình dài kinh doanh, lãnh đạo và làm việc với các doanh nghiệp, CEO Do Ventures rút ra 3 yếu tố quan trọng cần có để thành công.
Thứ nhất, sự chủ động. “Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là kiến tạo ra nó”, Uyên Vy trích dẫn lại câu nói nổi tiếng của cựu tổng thống Abraham Lincoln. Nữ CEO quan điểm, dù là nam hay nữ thì cơ hội sẽ đến khi bản thân có sự chủ động và chăm chỉ, cố gắng hết sức.
Thứ hai, sự kiên trì và bền bỉ. Uyên Vy cho rằng khi thành công thì chúng ta thường ít nhận ra mình thành công ở đâu, tuy nhiên thất bại sẽ cho ta khoảng lặng để suy nghĩ. Đó là thời gian tốt nhất để mỗi người nhận ra bài học cho riêng bản thân.
“May mắn là một sự luyện tập của chăm chỉ. Càng làm nhiều, càng thất bại nhiều thì càng may mắn. Nếu cứ ngồi chờ không dám thất bại thì sẽ không bao giờ thành công và không bao giờ may mắn.”
Thứ ba, sự thấu cảm. Lãnh đạo phải giúp cho mọi người thấu cảm với nhau, đứng vào vị trí của nhau, chấp nhận bỏ cái tôi. Sau đó văn hóa công ty mới dần được hình thành.
Trí Thức Trẻ