Lẽ ra phải đối xử với người nộp thuế như 'thượng đế'
"Với những quy định về kinh doanh đại lý thuế, tôi cho rằng có thể đây là một trường hợp điển hình cho việc dùng chính sách để loại đối thủ cạnh tranh trên thị trường"- PGS.TS. Trần Đình Thiên.
- 14-08-2018Hà Nội bêu 272 doanh nghiệp với tổng nợ thuế hơn 1.000 tỷ đồng
- 28-07-2018Gần 34.000 tỷ đồng tiền nợ thuế khó thu hồi
- 25-07-2018Bình Định: Điểm mặt các “đại gia” nợ thuế khủng
-
Doanh nghiệp của ta yếu, mà mặt bằng lãi suất cao như thế thì làm cho doanh nghiệp Việt Nam khó lớn được
Dự luật quản lý thuế (sửa đổi) đang được lấy ý kiến. Nhiều ý kiến đánh giá cao những quy định tiến bộ về kê khai, xóa nợ thuế… Tuy vậy, đại lý thuế lại là vấn đề nan giải khi các công ty tư vấn thuế, trong một hội thảo gần đây lại yêu cầu phải siết chặt điều kiện.
Theo đại diện các công ty này, hiện nay các văn phòng luật sư cũng đang hành nghề… đại lý thuế. Họ lo ngại các luật sư không có nghiệp vụ kế toán sẽ không giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp được thuế.
Nhưng PGS.TS. Trần Đình Thiên , Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng lại suy nghĩ khác. Ông Thiên nói: “Điều 47 Hiến pháp 2013 quy định “Mọi người có nghĩa vụ nộp thuế theo luật định”. Điều này cũng có nghĩa là, thuế liên quan mật thiết đến mọi người dân, mọi doanh nghiệp, tổ chức…”
Nộp thuế phải… dễ dàng
.Phóng viên: Vậy hệ quả của quy định này là gì thưa ông? Có phải là cơ quan thuế sẽ rất vất vả?
+ PGS Trần Đình Thiên: Vất vả không phải là vấn đề. Mà quan trọng hơn, vì thuế liên quan đến mọi người, mọi doanh nghiệp, tổ chức… nên các quy định về thuế phải thật sự đơn giản, thuận tiện để bất cứ ai cũng có thể dễ dàng kê khai, nộp thuế. Vì thế, môt trong 3 nguyên tắc cơ bản của thuế là "đơn giản".
Mục tiêu của “hành thu” là vậy chứ không phải là đặt ra các quy định rối rắm đến mức mọi người đều bị "hành", đều gặp khó khăn khi nộp thuế. Bản thân kê khai thuế tự nó đã rối rắm, phức tạp rồi.
Lẽ thường, khi người dân, doanh nghiệp đem tiền nộp cho nhà nước, họ phải được đối xử như… thượng đế. Nhưng thực tế hiện nay, nộp thuế cũng là một chặng đường gian nan.
.Thưa ông, nhưng kê khai, nộp thuế cần phải chính xác để đảm bảo quyền lợi của người nộp thuế cũng như của nhà nước…
+ Như tôi nói, vì thuế là nghĩa vụ của mọi người, nên thật ra mục tiêu của Luật Quản lý thuế phải tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Phải làm sao để khi đến cơ quan thuế thực hiện nghĩa vụ hiến định, người nộp thuế tốn ít thời gian và chi phí nhất.
Khi đó, nhà nước cũng thu được thuế để làm cho ngân sách mạnh lên, còn người nộp thuế cũng cảm thấy hoàn thành nghĩa vụ của mình với ngân sách, với quốc gia một cách tự giác, "xuất sắc".
Hiện nay, dù công tác quản lý nhà nước về thuế có nhiều cải cách, nhưng dường như những khó khăn vẫn tiếp tục tồn tại như là sản phẩm của nỗ lực hành thu mà mà hệ thống cố gắng duy trì.
Đại lý thuế cần gì phải nhiêu khê
.Phải chăng vì vậy mới sinh ra… đại lý thuế, thưa ông?
+ Cần nhớ đại lý thuế là một dịch vụ và hiện nay nó vẫn nằm trong danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Dĩ nhiên, không có kiến thức về bất kể ngành nghề nào thì cũng khó thực hiện được nghĩa vụ. Với đại lý thuế cũng không ngoại lệ.
Nhưng, vấn đề là đại lý thuế phải đúng nghĩa là dịch vụ do nhu cầu của thị trường chứ không phải là do các quy định về quản lý thuế quá khó khăn như hiện nay, không do hệ thống thuế cố gắng làm thế để tạo ra một thứ dịch vụ.
.Dự luật quản lý thuế sửa đổi được đánh giá là có nhiều cải cách, tiến bộ. Ông thấy những quy định về “kinh doanh đại lý thuế” ra sao?
+ Thật ra, vấn đề là thủ tục thuế phải được thực hiện cách thuận lợi, áp dụng đến mức cao nhất công nghệ thông tin. Hiện nay, như số liệu của ngành thuế, thì đã có tới 99% kê khai thuế điện tử và 95% nộp thuế điện tử.
Vậy thì những thủ tục ấy cần phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa để bất kể ai, bất kể doanh nghiệp nào có thời gian và nhân sự đều có thể chủ động nộp thuế mà không cần đến các công ty chuyên làm thủ tục về thuế.
.Nhưng mới đây, nhiều công ty tư vấn thuế nói phải siết lại các điều kiện vì luật sư không có nghiệp vụ kế toán, thuế thì không thể giúp DN nộp thuế. Các công ty này vẫn tồn tại như một thực tế đấy chứ…
+ Dĩ nhiên, sẽ có nhiều doanh nghiệp, cá nhân bận rộn không có thời gian nộp thuế hoặc không muốn tự mình đi nộp thuế. Đó chính là lý do tồn tại của các đại lý thuế.
Nhưng dịch vụ đại lý thuế cũng không vì thế mà phải quá phức tạp đến mức cần phải có điều kiện thì mới làm được. Đại lý thuế phải là một thứ dịch vụ đơn giản hóa quá trình cho người nộp thuế chứ không phải là kéo dài và gia tăng sự phức tạp của việc thu - đóng thuế
các quy định về thuế phải thật sự đơn giản, thuận tiện để bất cứ ai cũng có thể dễ dàng kê khai, nộp thuế. Vì thế, môt trong 3 nguyên tắc cơ bản của thuế là "đơn giản"- Ảnh minh họa
Điều kiện “ông, cha, con, cháu”
.Cụ thể, ông thấy các quy định về kinh doanh đại lý thuế như trong dự thảo luật quản lý thuế sửa đổi có phức tạp không?
+ Khá phức tạp! Có lẽ không cần nhiêu khê đến thế. Cụ thể, doanh nghiệp nào muốn kinh doanh đại lý thuế thì dự luật quy định phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đại lý thuế.
Rồi để được cấp giấy chứng nhận này thì doanh nghiệp phải có ít nhất 2 người được cấp chứng nhận đại lý thuế. Đương nhiên, để được cấp chứng nhận đại lý thuế thì người được cấp phải đi học, đi thi để được cấp “chứng chỉ hành nghề đại lý thuế”.
Cuối cùng, để được đi học, đi thi cái chứng chỉ này thì lại phải có bằng cấp chuyên ngành… Quá nhiều tầng nấc. Có điều kiện nhưng không cần nhiều tầng điều kiện như vậy.
.Như ông vừa phân tích thì tôi thấy có tới 4 tầng nấc điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ đại lý thuế…
+ Nhiều tầng nấc, đòi hỏi nhiều chứng chỉ chứng tỏ tư duy can thiệp và lợi ích vẫn còn cài cắm trong chính sách. Ai sẽ đào tạo? Ai sẽ cấp chứng chỉ? Chi phí bao nhiêu? Có tiêu cực không? Trả lời những câu hỏi này có lẽ sẽ ra lợi ích nhóm nằm ở đâu.
.Ý ông là có những vấn đề về cài cắm điều kiện kinh doanh ở dự luật này?
+ Không nên đưa ra nhận định một cách vội vàng. Nhưng nếu ý kiến của các công ty tư vấn thuế đều đồng tình, ủng hộ các điều kiện ngặt nghèo về kinh doanh đại lý thuế thì rõ ràng có vấn đề ở đây.
Bởi như tôi nói, kinh doanh đại lý thuế phải là ngành nghề được tạo điều kiện thuận tiện nhất. Chỉ có như thế thì nhà nước mới mau thu được thuế, không thất thu thuế và người dân, doanh nghiệp cũng không tốn quá nhiều thời gian, chi phí cho nghĩa vụ của mình.
.Mới đây, các công ty tư vấn thuế có ý kiến là những luật sư, văn phòng luật sư không có nghiệp vụ kế toán thì không thể giúp doanh nghiệp, người dân nộp thuế được. Ông nghĩ sao?
+ Có thể đây chính là một trong những luận điểm hỗ trợ cho mong muốn duy trì “độc quyền” kinh doanh đại lý thuế của những công ty hiện hữu.
Nếu dự luật được thiết kế theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế thì sẽ khác. Khi đó, các quy định sẽ đơn giản, thuận tiện để nhà nước có thể thu thuế nhanh chóng và chính xác, bất kể số người, doanh nghiệp, tổ chức… nộp thuế nhiều đến thế nào.
Nhưng với những quy định về kinh doanh đại lý thuế nói trên, tôi cho rằng, có thể đây là một trường hợp điển hình cho việc dùng chính sách để loại đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Xin cảm ơn ông
.Nhưng có ý kiến nói rằng: siết thị trường dịch vụ đại lý thuế là để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho người nộp thuế và chống thất thu. Chứ như hiện nay thì luật sư cũng làm đại lý thuế được…
+ Thật sự có cách tiếp cận ngược ở đây: càng phức tạp, càng rắc rối, tức là càng dễ gây khó dễ cho người nộp thuế thì bộ máy "hành thu" càng dễ "kiếm" trong khi đang lẽ hệ thống khuyên khích phải được thiết kế theo cách thuế thu càng dễ, người dân càng ít bị phiền hà , do đó, càng giảm tình trạng trốn lậu, thất thu thuế thì bộ máy thu thuế càng có lợi.
Để hướng đến một nền kinh tế thị trường đầy đủ, thì thị trường phải là công cụ đào thải những chủ thể không hiệu quả và phát triển những chủ thể hữu ích trong bất cứ lĩnh vực nào.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh