Lên đỉnh 9 năm, VN-Index được dự báo còn vượt 800 điểm
Tại tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm, chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” diễn ra ngày 22/7/2017 tại Trung tâm hội nghị quốc tế FLC Sầm Sơn - Thanh Hóa, đa số các chuyên gia có nhận định tích cực về thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm.
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Dù kết phiên ngày 21/7 giảm 6,55 điểm xuống 761,86 điểm, chỉ số VN-Index vẫn giữ được mức đỉnh cao nhất trong 9 năm qua và tăng gần 15% tính từ đầu năm.
Tại tọa đàm, lãnh đạo các công ty chứng khoán đa số cho rằng VN-Index sẽ còn đi lên từ nay đến cuối năm, và đạt trên 800 điểm.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược Công ty Chứng khoán (CTCK) HSC, dự báo chỉ số này có thể lên đến 1 mốc “đẹp” là 816 điểm.
Lạc quan hơn, ông Lưu Đức Quang, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Artex, đánh giá thị trường vẫn đang trong giai đoạn đi lên và từ giờ tới cuối năm vẫn có rất nhiều tín hiệu tốt.
“Tôi mong muốn thanh khoản của thị trường sẽ nâng lên 6.000-8.000 tỷ/ngày và VN-Index sẽ đạt quanh mức 830 điểm”, ông Quang nói.
Bày tỏ thận trọng hơn, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc môi giới TP.HCM - CTCK KIS Việt Nam, “gieo quẻ” chỉ số VN-Index dao động trong ngưỡng 800 điểm, với biên độ ±10%.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Đông, Phó tổng giám đốc CTCK Artex, dự báo VN-Index sẽ lên 850 điểm.
Trái với các chuyên gia khác, ông Trần Văn Mẫn, Giám đốc đầu tư - quản lý quỹ mở VEOF thuộc VinaCapital, lại mong rằng VN-Index sẽ không lên 800, mà chỉ dao động quanh 760-780 điểm.
Giải thích về ý kiến này, ông Mẫn cho rằng từ đầu năm đến nay, thị trường chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn. Cổ phiếu của Vinamilk chiếm tỷ trọng 15-16% trong chỉ số VN-Index, trong khi đó, cổ phiếu lớn thứ 10 của VN Index chỉ chiếm 1%.
Do tốc độ tăng trưởng mạnh, chỉ số PE chung bị đẩy lên cao, khiến thị trường chứng khoán Việt Nam kém hấp dẫn, ông Mẫn giải thích.
Hiện nay thị trường đang phân hóa, nên ông Mẫn kỳ vọng cổ phiếu của một công ty có chiến lược tốt kinh doanh tốt sẽ thay phiên nhau tăng. Trong khi những cổ phiếu đã tăng mạnh từ đầu năm và bớt hấp dẫn thì nên dừng ở mức hiện nay, bởi giá các cổ phiếu này xuống sẽ kéo tâm lý thị trường xuống.
“Diễn biến của thị trường như vậy sẽ hài hòa nhất. Nếu thị trường lên 800 hay 830 điểm có thể dẫn đến bong bóng và rủi ro cho thị trường. Do đó, bên này [VinaCapital] nhận định thị trường ở khoảng 760 đến 780 điểm sẽ bền vững hơn nhiều”, ông Mẫn nói thêm.
Chuyên gia Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường đào tạo BIDV, dự báo VN-Index sẽ dao động quanh mốc 800, do có nhiều cơ sở.
Thứ nhất, bối cảnh kinh tế thế giới sẽ tích cực hơn.
Thứ hai, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh trong hai quý cuối năm.
Thứ ba, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là xử lý nợ xấu, sẽ được thúc đẩy. Đồng thời, mặt bằng lãi suất ổn định và tăng trưởng tín dụng ở mức 18% là khả thi.
Thứ tư, thị trường phái sinh sẽ được mở trong tháng 8 cũng sẽ là một cú hích quan trọng.
Ngoài ra, Chính phủ đã yêu cầu 730 DNNN đã cổ phần hoá nhưng chưa lên sàn phải lên sàn UPCOM trong những tháng cuối năm, trong đó có 10 ngân hàng và có nhiều hàng hóa tốt.
Cũng cho rằng VN-Index sẽ lên 800 điểm, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết cần có 2 điều kiện. Thứ nhất, GDP trong quý IV phải tăng trên 7% để GDP cả năm ở mức 6,5%.
“Dựa vào yếu tố cơ bản đó, thị trường chứng khoán lên 800 là khả quan và hợp lý. Còn nếu thị trường lên 800 điểm mà không có các yếu tố cơ bản đó, thì đây là sự bắt đầu của giai đoạn bong bóng”, ông Hiếu nói.
Thứ hai, nếu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nới lỏng tiền tệ thông qua hạ lãi suất và bơm lượng tiền vào trong lưu thông và tạo thanh khoản cho chứng khoán, thì VN-Index sẽ lên mức 800 điểm.
Ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM, kỳ vọng rằng chỉ số VN-Index sẽ đạt 800 điểm trong năm 2017, đồng thời thị trường chứng khoán sẽ phản ánh chính xác “hơi thở” của nền kinh tế.
Người từng gắn bó với thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ khi thị trường ra đời năm 2000 trăn trở rằng quy mô thị trường vẫn còn nhỏ so với các nước trong khu vực và vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp chưa lên sàn.
“Chúng tôi tin rằng với quyết tâm của Chính phủ, đến năm 2019 chúng ta sẽ có một thị trường chứng khoán đại diện cho nền kinh tế, bởi khi đó các doanh nghiệp sẽ niêm yết hết”, ông Sinh nói.
BizLIVE