Lịch sử nghiêng về khả năng chứng khoán tăng sau Tết Âm lịch
Thống kê lịch sử cho thấy tỷ lệ VN-Index và HNX-Index có xác suất cao tăng điểm ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Tháng 2 và 3 cũng là thời điểm thị trường chứng khoán thường diễn biến tích cực nhất trong năm.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có 22 năm đi vào vận hành và trải qua 21 kỳ Tết Nguyên đán. Theo thống kê của Người Đồng Hành, có 15/21 lần VN-Index tăng trong 5 ngày cuối cùng trước Tết và có 13/21 lần VN-Index tăng trong 5 ngày đầu tiên sau Tết.
VN-Index đã có chuỗi 5 năm liên tiếp (từ 2015 - 2019) tăng điểm ngay trong tuần đầu tiên của năm mới. Tuy nhiên, chuỗi tăng ấn tượng này gián đoạn vào năm 2020 khi thị trường chứng khoán Việt Nam sau chuỗi nghỉ dài của thông tin về dịch Covid-19. Sang đến năm 2021, trước việc nhiều kênh đầu tư khác trở nên kém hấp dẫn do ảnh hưởng của đại dịch, cùng với đó là sự bùng nổ dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân trong nước đã giúp thị trường chứng khoán tăng mạnh. Riêng trong 5 phiên đầu xuân năm 2021, VN-Index tăng 5,62%.
Đối với HNX-Index, theo thống kê 16 năm vận hành, chỉ số này giao dịch rất tích cực trước kỳ nghỉ dài ngày khi có tới 14/16 lần tăng trong 5 ngày cuối cùng trước Tết. Trong khi đó, 5 ngày đầu tiên sau Tết chỉ số này tăng 10/16 lần.
Nếu chỉ tính riêng phiên giao dịch đầu tiên sau Tết Âm lịch, thống kê cho thấy VN-Index có 13 phiên tăng và 8 phiên giảm. Năm 2020, do ảnh hưởng bởi thông tin dịch Covid-19 nên VN-Index có mức giảm mạnh nhất trong lịch sử 21 năm hoạt động với 3,22% ngay ở phiên giao dịch đầu xuân. Dù vậy sang năm 2021, VN-Index có sự khởi sắc ngay trong phiên đầu xuân và giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sau đó có một năm Tân Sửu với nhiều kỷ lục được thiết lập. Mức bình quân tăng của chỉ số này trong ngày đầu xuân đạt 0,96%.
Tương tự, HNX-Index có 12 phiên tăng và có 4 phiên giảm vào ngày chứng khoán khai xuân với mức tăng bình quân 0,75%. Như vậy, nhìn vào lịch sử có thể thấy những con số tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam ở những ngày đầu tiên sau Tết âm lịch.
VN-Index tăng nhiều nhất vào tháng 2 và 3
Cũng dựa trên lịch sử, một số liệu khác ủng hộ rất lớn trong việc VN-Index và HNX-Index tăng điểm ngay sau Tết Âm lịch. Trong đó tháng 2 và 3, chỉ số này thường xuyên có diễn biến tích cực nhất trong năm. Kể từ năm 2000 đến nay, VN-Index có 14 năm tăng điểm trong tháng 2 và 15 lần trong tháng 3.
|
Lịch sử mức tăng/giảm của VN-Index theo tháng kể từ ngày đầu đi vào hoạt động. Đơn vị: % |
Đối với HNX-Index, thống kê từ năm 2006 đến nay, chỉ số này cũng có 12 năm tăng điểm trong tháng 2 - cao nhất trong các tháng và tăng 9 lần trong tháng 3.
Lịch sử mức tăng/giảm của HNX-Index theo tháng kể từ năm 2006. Đơn vị: % |
Tuy nhiên, một điểm đang gây lo lắng đến nhà đầu tư ở lần nghỉ lễ dài ngày này là việc thị trường chứng khoán ngay trong những phiên giao dịch cuối cùng của năm Tân Sửu biến động tiêu cực do liên quan đến sự điều chỉnh của hàng loạt cổ phiếu đầu cơ sau chuỗi ngày tăng "nóng".
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ và toàn cầu cũng điều chỉnh mạnh do lo ngại việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất trước áp lực của lạm phát. Cùng với đó, các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin giảm mạnh cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý nhà đầu tư trước các tài sản mang tính rủi ro cao như chứng khoán.
Về triển vọng năm 2022, nhiều chuyên gia cũng như công ty chứng khoán đánh giá vẫn còn sáng. Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán năm 2022, Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) có quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường có thể diễn biến thận trọng trong nửa đầu năm, do ảnh hưởng từ các lo ngại về lạm phát cao, lãi suất tăng, tiêu dùng nội địa yếu và tăng trưởng lợi nhuận thấp.
SSI Research ước tính tăng trưởng lợi nhuận các công ty niêm yết trong nửa đầu năm 2022 không cao do 2 lý do chính. Thứ nhất, mức so sánh cao trong nửa đầu năm 2021. Thứ hai là cầu tiêu dùng trong nước sau làn sóng Covid-19 thứ 4 cần nhiều thời gian để phục hồi. Theo SSI Reseach, yếu tố hỗ trợ chính cho thị trường trong 6 tháng đầu năm 2022 chính là gói kích thích kinh tế dự kiến được Quốc hội thông qua vào tháng 1/2022, trong đó có thể bao gồm một gói hỗ trợ lãi suất mới.
Nửa cuối năm 2022 có thể là thời điểm có triển vọng rõ ràng hơn về cơ chế kiểm soát đại dịch cũng như các rủi ro kể trên. Tăng trưởng lợi nhuận sẽ mạnh mẽ hơn trong nửa cuối năm do mức so sánh thấp của năm 2021, được hỗ trợ bởi cầu tiêu dùng trong nước hồi phục và tốc độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn so với nửa đầu năm.
Ước tính tăng trưởng lợi nhuận 96 công ty trong phạm vi nghiên cứu của SSI Research là 13% trong 2022 và đơn vị này ước tính kết quả nửa đầu năm và nửa cuối năm sẽ chênh lệch đáng kể. Cụ thể là hầu hết tăng trưởng sẽ phản ánh vào nửa cuối năm. P/E thị trường hiện tại là 15,4x. P/E thị trường mục tiêu là 16,x, tương ứng VN-Index có thể đạt 1.750 điểm trong năm 2022.
Người đồng hành