MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu lãi hơn 400 triệu đồng/ha/năm

11-08-2024 - 20:59 PM | Thị trường

Mô hình trồng chanh không hạt xuất khẩu sang Hà Lan của Hợp tác xã Thành Chí (xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nhiều năm qua đã chứng minh tính hiệu quả cao nhờ sự liên kết chặt chẽ trong sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp.

Liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu lãi hơn 400 triệu đồng/ha/năm- Ảnh 1.

Bình quân mỗi ha trồng chanh liên kết với hợp tác xã, nông dân Trà Vinh đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng/năm, cao hơn từ 7 - 8 lần so với trồng lúa trên cùng vùng đất.

Mô hình đã gỡ được “nút thắt” về đầu ra của nông sản trước tình trạng bấp bênh của giá cả thị trường, điệp khúc “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra khiến nông dân dễ gặp rủi ro, thua lỗ trong sản xuất. Hiện nay, bình quân mỗi ha trồng chanh liên kết với hợp tác xã, nông dân Trà Vinh đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha/năm, cao hơn từ 7 - 8 lần so với trồng lúa trên cùng vùng đất.

Gia đình ông Lê Tấn Tiến, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, thành viên Hợp tác xã Thành Chí chuyển đổi 0,4 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 270 cây chanh không hạt được 4 năm nay. Ông Tiến cho hay, vùng đất này trồng lúa năng suất rất bấp bênh, giá lúa thì “khi trồi khi sụt”, mỗi năm thu nhập từ trồng lúa cao nhất cũng chỉ 50 triệu đồng/ha/năm.

Sau khi chuyển sang trồng chanh không hạt, mỗi tháng vườn chanh cho thu hoạch 2 lần, sản lượng đạt từ 2,5 - 3 tấn, gia đình ông “cầm chắc” lợi nhuận trên 30 triệu đồng/tháng sau khi trừ tất cả chi phí sản xuất như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… Thấy hiệu quả cao nên gia đình ông đang mở rộng thêm 0,4 ha trồng chanh, nay vườn chanh mới đã được 8 tháng.

Theo ông Lê Tấn Tiến, cây chanh không hạt rất dễ trồng, không kén thổ nhưỡng, ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc, không tốn nhiều chi phí. Tuy nhiên do trồng để xuất khẩu nên trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nông dân phải tuân thủ tuyệt đối theo danh mục hợp tác xã cung cấp.

Liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu lãi hơn 400 triệu đồng/ha/năm- Ảnh 2.

Thành viên Hợp tác xã Thành Chí, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh đang thu hoạch chanh không hạt.

Điều ông Tiến và các hộ trồng ở đây an tâm nhất là chanh được bao tiêu đầu ra với giá luôn cao hơn giá thị trường từ 3.000 đồng/kg trở lên. Hiện nay, mức giá mua 17.000 đồng/kg của hợp tác xã là đang cao hơn giá thị trường 10.000 đồng/kg. Vào mùa nghịch (từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau), hợp tác xã mua với giá lên đến trên 30.000 đồng/kg nên nông dân đạt lợi nhuận càng cao.

Ông Phan Đức Tài (xã Huyền Hội, huyện Càng Long) Giám đốc Hợp tác xã Thành Chí là người tiên phong đưa cây chanh không hạt về trồng ở vùng đất này từ năm 2018. Ban đầu, gia đình ông và 5 hộ dân ở địa phương chỉ trồng thử nghiệm trên diện tích 3,9 ha. Sau 1 năm chanh bắt đầu cho trái, 18 tháng cho thu hoạch ổn định, năng suất từ 30 - 50 tấn/ha/năm. Với giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, người trồng đạt lợi nhuận trên 400 triệu đồng/ha/năm.

Thấy rõ hiệu quả, nhiều hộ dân trong ấp cũng chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả hoặc cải tạo vườn tạp để trồng chanh không hạt. Năm 2022, ông Phan Đức Tài thành lập Hợp tác xã trồng chanh không hạt Thành Chí, với 10 thành viên, sản xuất 7 ha. Do sản lượng không đủ cung ứng cho đối tác xuất khẩu nên cùng với việc kết nạp thành viên mới, hợp tác xã còn liên kết với nông dân ở các xã khác ở huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần và Trà Cú để mở rộng thêm diện tích trồng chanh không hạt. Đến nay, hợp tác xã có tổng diện tích 142 ha trồng chanh tại nhiều địa phương trong tỉnh. Hợp tác xã đang liên kết với Công ty TNHH Một thành viên The Fruirt Republic Cần Thơ để xuất khẩu chanh không hạt sang thị trường Hà Lan.

Liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu lãi hơn 400 triệu đồng/ha/năm- Ảnh 3.

Ông Lê Tấn Tiến, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, thành viên Hợp tác xã Thành Chí đang thu hoạch vườn chanh 0,4 ha.

Giám đốc Hợp tác xã Thành Chí Phan Đức Tài cho biết, mỗi tháng nhu cầu xuất khẩu chanh không hạt của đơn vị đối tác lên đến 100 tấn nhưng hợp tác xã chỉ đáp ứng được 30 - 50% sản lượng. Vì vậy, hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng chanh không hạt với nông dân các địa phương trong tỉnh, từ nay đến năm 2027, mỗi năm phát triển thêm 50 ha. Dự định trong năm nay, hợp tác xã sẽ xây dựng vùng nguyên liệu chanh không hạt tại huyện Cầu Kè.

Nông dân tham gia mô hình được hợp tác xã cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn quy trình sản xuất, chăm sóc, kí kết hợp đồng bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường ít nhất 3.000 đồng/kg. Vì trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ nên nông dân có thể tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp để làm phân bón cho cây, chỉ tốn chủ yếu chi phí đầu tư ban đầu.

Nông dân tham gia hợp tác xã còn được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay 50 triệu đồng/thành viên từ nguồn vốn ủy thác của Hội Nông dân tỉnh Trà Vinh để chuyển đổi mô hình; đồng thời được tạo điều kiện để tiếp cận nhiều chính sách khác của Liên minh Hợp tác xã tỉnh.

Tuy nhiên, ông Phan Đức Tài lưu ý, trong sản xuất, nông dân phải tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với thành phần được nước nhập khẩu Hà Lan cho phép, theo danh mục Công ty TNHH MTV The Fruirt Republic  Cần Thơ cung cấp cho hợp tác xã.

Liên kết trồng chanh không hạt xuất khẩu lãi hơn 400 triệu đồng/ha/năm- Ảnh 4.

Ông Lê Tấn Tiến, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, thành viên Hợp tác xã Thành Chí đang thu hoạch vườn chanh 0,4 ha.

Phó Chủ tịch UBND xã Huyền Hội Nguyễn Văn Nguyên cho biết, quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng  ở xã Huyền Hội, chanh không hạt là cây trồng chuyển đổi chủ lực, mang lại hiệu quả cao nhất cho người dân địa phương, gấp 7 - 8 lần so với trồng lúa trên cùng diện tích. Địa phương đặt mục tiêu từ nay đến năm 2025 phát triển thêm 100 ha trồng chanh không hạt.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh Thái Phước Lộc, đơn vị đang phối hợp với các địa phương mở rộng vùng nguyên liệu trồng chanh không hạt, vận động nông dân tham gia hợp tác xã để tiếp cận các chính sách hỗ trợ  về chuyển đổi đất trồng lúa, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản…

Đây là cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu do tiết kiệm nước tưới, nông dân có thể tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, do dễ trồng, dễ thích ứng, nhẹ công chăm sóc nên người dân có thể tận dụng lao động gia đình để tiết kiệm chi phí nhân công, tăng hiệu quả sản xuất cho nông hộ.

Liên minh Hợp tác xã tỉnh cũng đang tạo điều kiện cho Hợp tác xã Thành Chí tiếp cận các chính sách về hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kho, xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu…

Theo Thanh Hòa

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên