MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liên kết vùng toàn diện

Ngoài liên kết "cứng" về hạ tầng giao thông, TP HCM cần đẩy mạnh liên kết "mềm" với các tỉnh trong vùng ở định hướng phát triển kinh tế, ưu tiên đào tạo nhân lực, chăm sóc sức khỏe...

Ngày 31-1, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan chủ trì hội thảo khoa học góp ý dự thảo Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nên thêm Vành đai 5

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho rằng TP HCM đã phát triển gần lấp đầy đến đường Vành đai 2. Vì vậy, khoảng giữa Vành đai 3 và Vành đai 4 là khu vực phù hợp nhất để phát triển công nghiệp, cơ sở hạ tầng quốc gia và của vùng.

Tại Bình Dương, hạ tầng được đầu tư phát triển nhanh, đô thị công nghiệp đã đến đường Vành đai 3 và đang phát triển nhanh đến Vành đai 4. Theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thì vùng TP HCM cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Dành nhắc tới việc Chính phủ đã có quyết định đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Quốc lộ 13C nên cần phải tính toán dần đường Vành đai 5. "Nếu không có hướng đầu tư Vành đai 5 TP HCM từ sớm, từ xa thì Bình Dương thành điểm nghẽn lớn khi các trục giao thông lớn đổ về đây. Vì vậy phải cập nhật quy hoạch đường Vành đai 5" - ông Nguyễn Văn Dành nhấn mạnh.

Liên kết vùng toàn diện - Ảnh 1.

Dự án nút giao thông An Phú được kỳ vọng phát huy tối đa việc liên kết với các tỉnh Đông Nam Bộ

Ông Dương Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đánh giá hạ tầng giao thông giữa TP HCM với các tỉnh trong vùng chưa được liền mạch, đặc biệt việc kết nối với Tây Ninh đã cấp thiết. Ông đề nghị TP HCM định hướng quy hoạch hạ tầng và dành nguồn lực tập trung để phát triển hành lang quan trọng như cao tốc TP HCM - Mộc Bài, đường Xuyên Á, các hạ tầng đường thủy, đường sắt bảo đảm đồng bộ. Tỉnh Tây Ninh cũng mong muốn TP HCM tập trung đầu tư đường ven sông Sài Gòn để kết nối đồng bộ kết nối với Bình Dương, Tây Ninh trong tương lai.

Bà Phan Thị Kim Oanh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Phước, khẳng định quy hoạch TP HCM đóng vai trò quan trọng, có ý nghĩa đặc biệt với sự phát triển chung của vùng. Bà đề nghị TP HCM quan tâm bổ sung cập nhật các tuyến Quốc lộ 13B, 13C và 14C trong báo cáo tổng thể quy hoạch.

Tính toán nhiều thành phố trong thành phố

TSKH-KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng ngoài đô thị đặc biệt trung tâm lâu nay là trọng điểm phát triển kinh tế - xã hội của thành phố thì TP Thủ Đức là một tiềm năng mới, là khu vực đột phá và phát triển nhanh nhất trong tương lai.

Trên cơ sở đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn đề xuất quy hoạch thêm 2 thành phố trong TP HCM có đủ tiềm lực đóng góp cho kinh tế - xã hội của TP HCM tương đương với TP Thủ Đức. Theo đó, ông đề xuất thành phố ở phía Nam là huyện Nhà Bè, quận 7, quận 8 và một phần phía Nam huyện Bình Chánh; thành phố ở phía Bắc là huyện Hóc Môn, Củ Chi và phía Bắc huyện Bình Chánh. Như vậy, TP HCM sẽ có đô thị loại đặc biệt ở trung tâm và 3 thành phố trong thành phố là TP Thủ Đức, phía Nam và phía Bắc. Phía Nam sẽ phát triển kinh tế biển còn phía Bắc phát triển kinh tế nối với Campuchia và đồng bằng sông Cửu Long.

Đồng quan điểm, TS Trần Du Lịch, Tổ trưởng Tổ Tư vấn phản biện quy hoạch, kiến nghị UBND TP HCM nên tổ chức hội thảo có cả nhóm chuyên gia của quy hoạch tích hợp (quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050) và quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 để bàn về định hướng phát triển không gian đô thị là trong tương lai thành phố có thêm bao nhiêu đô thị cũng như tiêu chí xác định. Đây là vấn đề rất quan trọng, chi phối toàn bộ đến phát triển của thành phố.

Tạo giá trị mới

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan khẳng định quy hoạch kinh tế - xã hội lần này thành phố phải gắn với kinh tế xanh - kinh tế số. Từng ngành kinh tế phải có yếu tố mới, vượt trội. Phải phát triển ngành công nghiệp mới (vi mạch, điện tử, bán dẫn...), ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, về nông nghiệp là hướng tới phát triển vùng nông thôn của thành phố là nông nghiệp công nghệ cao.

"TP HCM phải có bứt phá trong công nghiệp để tạo ra giá trị mới, động lực mới cho cả nước, là đầu tàu kinh tế đất nước" - ông Võ Văn Hoan nói.

Về liên kết vùng, ông Võ Văn Hoan cho rằng gồm có liên kết không gian kinh tế, không gian "cứng", không gian "mềm". Trong đó, thành phố phải làm dịch vụ chất lượng cao gồm cả y tế, giáo dục, du lịch, tài chính, logistics. Ông nhấn mạnh tất cả cơ sở y tế, văn hóa, giáo dục… phải nâng chất lên để đạt chuẩn quốc gia, quốc tế. Người dân nơi khác tới TP HCM khám chữa bệnh chất lượng cao để tạo ra giá trị mới. Giải quyết khám chữa bệnh không chỉ giải quyết bài toán của thành phố, các tỉnh, cả nước mà cả khu vực…

Theo ông Hoan, liên kết "mềm" thể hiện ở định hướng phát triển, ưu tiên ngành phát triển; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển thương hiệu để có tính định hướng cho cả vùng…

Liên quan đến không gian phát triển đô thị thành phố, ông Võ Văn Hoan nhận định đề xuất của TS Trần Du Lịch là rất tốt cho quy hoạch thành phố. Vì vậy, ông sẽ báo cáo Chủ tịch UBND TP HCM để họp 2 nhóm tư vấn, 2 tổ phản biện về quy hoạch TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Hai bên sẽ cùng làm rõ về định hướng không gian phát triển hạ tầng, định hướng không gian phát triển các ngành kinh tế… để xem vấn đề nào còn khác biệt thì thảo luận hướng tới thống nhất. Hai quy hoạch này được trình phê duyệt cùng thời điểm sẽ thuận lợi cho công tác triển khai sau quy hoạch của thành phố. 

TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright, cho rằng vấn đề phát triển không gian đô thị là quan trọng nhất trong quy hoạch nên cần tọa đàm sâu về vấn đề này.

Hiệu quả hơn trong kết nối vùng

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, thành viên Tổ Tư vấn phản biện, cho rằng sau 20 năm vấn đề liên kết vùng TP HCM vẫn còn yếu. Theo ông, điểm mấu chốt của quy hoạch là vấn đề cơ sở hạ tầng "cứng" cho thành phố như giao thông, logistics... Ngoài ra, cần làm rõ vấn đề trong liên kết vùng mà thành phố có lợi thế như y tế, chăm sóc sức khỏe, đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng là thành viên Tổ Tư vấn phản biện, TS Vũ Anh Tuấn nhận xét điểm nghẽn hạ tầng giao thông trên trục kết nối Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu là Quốc lộ 13, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây; kết nối Tây Ninh thì nghẽn trên Quốc lộ 22... Do vậy, cần khai thông những điểm nghẽn này.

Theo Quốc Anh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên